Hướng tới chiến lược truyền thông để tăng hạng nhận diện hình ảnh Việt Nam

Lan Phương| 08/01/2020 08:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhận diện hình ảnh Việt Nam cần được tăng cường hơn nữa thông qua một chiến lược truyền thông.

Ngày 7/1/2019, Bộ TTTT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng “Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài”. Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì Hội thảo với sự tham gia của nhiều đại biểu từ các Bộ, ban ngành và các chuyên gia về truyền thông, thương hiệu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội thảo

Cần tăng thứ hạng nhận diện hình ảnh Việt Nam

Tại Hội thảo, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TTTT xây dựng Chiến lược, ngày 03/04/2019, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-BTTTT về ban hành kế hoạch xây dựng Chiến lược. Ngày 17/5/2019, Bộ đã ban hành Quyết định số 735/QĐ-BTTT về thành lập Ban soạn thảo.

Chiến lược được xây dựng nhằm định hướng khung hành động truyền thông để các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch xây dựng quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả.

Bộ đã nghiên cứu xây dựng Đề cương, lấy ý kiến Ban Soạn thảo, thuê đơn vị tư vấn xây dựng Chiến lược; Thực hiện 10 chuyên đề phân tích, tổng hợp các chuyên đề liên quan đến Dự thảo Chiến lược; Điều tra khảo sát tại 15 tỉnh; gửi công văn đi các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phổ.

Cục đã tổ chức mời các chuyên gia uy tín về thương hiệu, truyền thông, tư vấn hình ảnh, xây dựng Bộ Chỉ số; Tổ chức các hội thảo xin ý kiến góp ý chuyên gia…

Đại diện công ty tư vấn T&A Ogilvy, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc cho biết: Nhiều nước đã xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu, các giá trị quốc gia từ rất sớm, triển khai rất quy mô và thành công.

Hình ảnh Việt Nam vẫn chưa được thế giới biết đến nhiều. Chúng ta chưa có khảo sát, đánh giá xem thế giới hiện đang nghĩ gì về Việt Nam hay đánh giá Việt Nam đang ở vị trí nào. Tại Việt Nam, chưa có một chiến lược bài bản, thống nhất, định hướng rõ ràng để triển khai thực hiện.

Theo đó, mục tiêu chiến lược được xây dựng là đến năm 2030, tăng thứ hạng nhận diện hình ảnh Việt Nam và thương hiệu Việt Nam lên Nhóm 3 (Thương hiệu trải nghiệm).

Hiện nay, theo Bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia (Country Brand Index 2019) do Công ty FutureBrand công bố, thương hiệu quốc gia của Việt Nam đứng thứ 64 trên 75 quốc gia được đánh giá và đứng thứ 13 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thuộc nhóm thấp nhất trong 4 nhóm thương hiệu quốc gia.

4 nhóm thương hiệu quốc gia gồm: Nhóm 1: Thương hiệu cao/Status Brand; Nhóm 2: Thương hiệu quốc gia/Country Brand; Nhóm 3: Thương hiệu trải nghiệm/Experience Brand và Nhóm 4: Quốc gia chưa tạo được thương hiệu/Countries (vị trí hiện tại của Việt Nam).

Đơn vị tư vấn cũng thực hiện khảo sát tại 15 tỉnh/thành, theo đó, khoảng 90% đối tượng được khảo sát tin rằng Việt Nam cần phát triển hình ảnh thương hiệu quốc gia và việc thiết lập một công cụ đo lường thương hiệu quốc gia/địa phương là cần thiết. Văn hoá – di sản và thiên nhiên hùng vĩ là 2 thế mạnh cũng như 2 yếu tố khiến người dân tự hào về Việt Nam nhất. Những triển vọng và tiềm năng của Việt Nam gồm du lịch biển, xuất khẩu, nông nghiệp và quảng bá con người, phong tục tập quán. Những điểm yếu của Việt Nam là Quản lý nhà nước, chính sách kinh tế và ý thức của người dân. Nên tập trung vào hai đối tượng là nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài.

Nghiên cứu cũng cho thấy dù thương hiệu Việt Nam chưa mạnh nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam đã có nhiều chính sách, chiến dịch thúc đẩy quảng bá hình ảnh nhưng chưa có một chiến lược tổng thể. Hình ảnh Việt Nam hiện chủ yếu được truyền tải qua du lịch và sản phẩm hàng hoá, nhưng chưa tạo được bản sắc cạnh tranh.

Cần có bộ chỉ số để đo giá trị, hình ảnh thương hiệu địa phương

Từ những khảo sát, nghiên cứu về nhận diện hình ảnh Việt Nam, Chiến lược được đề xuất là tạo ra một công cụ để các địa phương tự đánh giá và chuẩn hoá các nhân tố tạo nên thương hiệu. Từ đó, kích thích sự cạnh tranh tham gia của các địa phương. Dựa trên các đánh giá từ bộ công cụ này, các Bộ, Ban, Ngành và địa phương cần thống nhất các chương trình quảng bá để góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia.

Chiến lược cũng tăng sự chủ động từ địa phương trong việc triển khai các kế hoạch hành động trên nguồn vốn địa phương phù hợp với nhu cầu thực tế. Truyền thông về bộ công cụ ra quốc tế về địa phương để tăng cường hiệu quả đo lường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao việc xây dựng Bộ chỉ số thương hiệu quốc gia dành riêng cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Cường, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết bộ chỉ số sẽ giúp phản ánh toàn diện hình ảnh của Việt Nam.

Đồng quan điểm, bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: bộ chỉ số rất quan trọng để đo lường thực hiện toàn bộ chiến lược và áp dụng cho các địa phương, để địa phương tăng cường cạnh tranh, nâng cao hình ảnh địa phương. Các địa phương nỗ lực thì hình ảnh quốc gia được nâng cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Ban Tuyên giáo trung ương cũng cho rằng: Bộ chỉ số thống nhất sẽ giúp các địa phương giới thiệu hình ảnh, nội lực của 63 địa phương sao cho chuyên nghiệp.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho biết: Thương hiệu quốc gia cũng là một trong những yếu tố nói về hình ảnh quốc gia. Xây dựng hình ảnh quốc gia cần thông qua các yếu tố Con người, Đất nước (di sản, địa lý…), Sản phẩm.

Nhiều Bộ, ngành có nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nên xây dựng bộ tiêu chí là cần thiết nhưng bộ tiêu chí vừa phải quảng bá, thể hiện được từng ngành, phù hợp với từng địa phương.

Đại diện Bộ Ngoại giao, ông Ngô Toàn Thắng cho rằng: Việc xây dựng chiến lược này đã tiếp cận theo cách mới và sáng tạo hiện nay. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng bộ chỉ số giúp chúng ta phát hiện, xử lý vấn đề về hình ảnh, giúp đánh giá, định lượng, tăng cường cạnh tranh, nâng cao hình ảnh địa phương.

Đại diện Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch bày tỏ sự tâm đắc với nghiên cứu thực hiện chiến lược này và nhất trí là phải dựa vào bản sắc của Việt Nam hình ảnh để giới thiệu, quảng bá. Việc quảng bá thông qua trải nghiệm di sản, ẩm thực, gần đây là thể thao đã nâng cao hình ảnh Việt Nam.

Các đại biểu cũng cho rằng cần có sự điều phối, thống nhất giữa các Bộ, ngành về quảng bá hình ảnh Việt Nam, và phải có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn để các Bộ, ngành, địa phương biết cần làm gì.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu. Việc xây dựng chiến lược truyền thông hình ảnh Việt Nam là một việc khó. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ hình ảnh và thương hiệu.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc xây dựng Đề cương chiến lược và Ban soạn thảo có cách tiếp cận mới là xây dựng bộ chỉ số để định lượng, đánh giá. Bộ chỉ số này sẽ là bộ chỉ số khung nên phải làm rõ việc bộ ngành, địa phương áp dụng bộ chỉ số này thì có hiệu quả, lợi ích gì để từ đó tham gia giúp tăng cường thu hút đầu tư, khách du lịch.

Hiện nhiều bộ, ngành thực hiện xúc tiến thương mại, vậy vai trò bộ chỉ số để để giúp các Bộ, ngành, địa phương vẫn thực hiện xúc tiến, nhưng hướng về mục tiêu chung và đó cũng là vai trò của Bộ TTTT về truyền thông.

Thứ trưởng đề nghị Cục Thông tin Đối ngoại, Tổ tư vấn tiếp thu hoàn chỉnh các ý kiến và mong muốn các chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến.

Bài liên quan
  • Ứng dụng AI trong quản lý hình ảnh trên sóng trực tiếp
    Giải pháp Sigma Smart Detect sử dụng công nghệ AI tiên tiến để nhận diện và xử lý các đối tượng trong từng khung hình của video, đáp ứng được yêu cầu về xử lý nhanh chóng, phù hợp với môi trường phát sóng trực tiếp.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới chiến lược truyền thông để tăng hạng nhận diện hình ảnh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO