Kẽ hở pháp luật trong bảo vệ thông tin cá nhân

H.Trang| 18/12/2021 16:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân (TTCN) dường như chưa bắt kịp thực tế nên các sai phạm liên quan đến vấn đề này liên tục phát sinh và gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Nạn nhân bất lực vì bị kẻ xấu lợi dụng TTCN

Tình trạng lộ hay hành vi mua bán trái phép TTCN diễn ra ngày một nhiều và  ngang nhiên. Nhiều người gặp phiền phức khi thông tin riêng bị kẻ xấu lợi dụng. Chị Bùi Hồng Minh (Hà Nội) cho biết thường xuyên nhận các tin nhắn, cuộc gọi mời vay tiền tiêu dùng, mua bất động sản trong khi chị chưa bao giờ cung cấp TTCN cho những cá nhân, doanh nghiệp đó. Thực tế chỉ có vài lần chị vô ấn nút like một số bài viết quảng cáo dự án bất động sản trên Facebook.  Sau đó chị liên tục nhận được tin nhắn điện thoại, Zalo, Facebook của các sàn giao dịch bất động sản, nhân viên môi giới, cò đất… mời xem đất, mua đất tại các dự án bất động sản trên cả nước.

Kẽ hở pháp luật  trong bảo vệ thông tin cá nhân - Ảnh 1.

Thông tin cá nhân là một tài sản vô giá, có ý nghĩa suốt hành trình của con người, tuy nhiên nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Tình trạng bán TTCN trên nền tảng mạng xã hội đang diễn ra là rất đáng báo động, không thể kiểm soát. Nạn nhân mất thông tin thường ít nắm kiến thức về an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư. Khi người dùng nhấn vào những đường dẫn lạ hay phần mềm trôi nổi trên mạng xã hội thì nhiều khả năng đó là đường dẫn có mã độc xâm nhập vào máy tính, điện thoại hòng ăn cắp thông tin. Nạn nhân cảm thấy bị bất lực khi gặp phiền toái. Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng nhiều phụ nữ trẻ bị tống tiền do thông tin riêng tư, ảnh cá nhân nhạy cảm bị lộ.

Luật chưa đủ mạnh để răn đe tội phạm

Các chuyên gia về luật nhận định ở Việt Nam, pháp luật chưa quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi sai trái khi thu nhập và sử dụng TTCN trong những trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự. Bên cạnh đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ TTCN ở nước ta còn quá thấp so với nhiều quốc gia khác, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này (Thường là những sai phạm rất khó phát hiện, xử lý). Mức phạt tiền cao nhất là khoảng 30 triệu đồng đối với một lần vi phạm không thấm vào đâu so với những nguồn lợi cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép thông tin riêng tư của người khác có thể được hưởng.

Bộ Luật Hình sự hiện hành mới có một số quy định bước đầu (Tại điều 159 và điều 288) về hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hay hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác; Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Tuy nhiên, hai tội danh này chưa nêu cụ thể, trực tiếp về các hành vi phạm pháp liên quan tới TTCN. Chưa kể, văn bản pháp luật về bảo vệ TTCN chưa dự liệu những tình huống khó, như: Chuyển TTCN xuyên biên giới, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến trẻ em. Đó là những khoảng trống pháp lý cơ quan chức năng cần giải quyết.

Trong Hội thảo về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Tổ chức Oxfam tổ chức,  nhiều chuyên gia chỉ ra nhiều lỗ hổng liên quan đến vấn đề này. Theo thống kê, nước ta có 17 luật, nghị định điều chỉnh về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân. Một số chuyên gia đánh giá hầu hết văn bản luật chưa cụ thể nên khó phát huy hiệu quả triệt để khi áp dụng. Các cơ quan quản lý cần rà soát, thống nhất các điều khoản trong quy định liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư. Đồng thời, cơ quan soạn thảo luật cần kịp thời bổ sung vào luật những tình huống, trường hợp phát sinh trong thực tế.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) nêu: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Thu thập TTCN của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin; b) Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc TTCN của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác; c) Sử dụng TTCN của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo".

Hành vi vi phạm quy định về thu thập, sử dụng TTCN còn có thể bị phạt theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kẽ hở pháp luật trong bảo vệ thông tin cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO