Kết nối, thúc đẩy phát triển khoa học và chuyển đổi số khu vực miền Trung - Tây Nguyên

AD| 15/11/2021 20:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Cộng đồng các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên được hình thành sẽ là đầu mối kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học thuật, góp phần vào chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và hiện thực hóa “Giấc mơ miền Trung”.

Mới đây, trường Đại học (ĐH) CNTT và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc ĐH Đà Nẵng đã tổ chức trực tuyến chuỗi các sự kiện khoa học công nghệ bao gồm Hội thảo khoa học quốc gia CITA 2021 lần thứ 10 và Tọa đàm kết nối, thúc đẩy phát triển khoa học và CĐS miền Trung - Tây Nguyên.

Được khởi xướng vào năm 2012, CITA (Conference on Information Technology and its Applications) là chuỗi hội thảo khoa học quốc gia về CNTT và ứng dụng trong các lĩnh vực được tổ chức hàng năm bởi Trường Đại học VKU.

Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia công bố, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực CNTT và ứng dụng.

Năm 2021, Hội thảo CITA đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng với chặng đường 10 năm hình thành và phát triển (CITA 2021 - Lần thứ 10). CITA đã dần khẳng định được uy tín và chất lượng chuyên môn trong cộng đồng các nhà khoa học trong nước và quốc tế, thu hút hơn 650 bài báo (với 100 bài báo tiếng Anh) được lựa chọn đăng trong các kỷ yếu hội thảo với 700 nhà khoa học trong nước, 100 nhà khoa học nước ngoài và 200 nhà khoa học đồng hành cùng hội thảo qua các năm.

CITA 2021 đã nhận được 100 bài báo khoa học của hơn 300 tác giả trong và ngoài nước, trong đó có hơn 40% bài báo được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong đó, 55 bài báo được lựa chọn để tham gia báo cáo tại các phiên của Hội thảo CITA 2021. Đặc biệt, 05 báo cáo có chất lượng sẽ được lựa chọn để xuất bản trong số dành riêng cho CITA 2021 của Chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ISSN 1859-3526), Tạp chí TT&TT uy tín của Bộ TT&TT; 50 bài báo còn lại được xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo CITA 2021 có chỉ số ISBN 978-604-84-5998-7.

Tất các bài báo được lựa chọn tham gia báo cáo tại 10 phiên song song bằng hình thức trực tuyến với nhiều chủ đề hay và phát triển mạnh hiện nay trong CNTT-TT và kinh tế số gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin; kinh tế số; mạng truyền thông; CĐS và đô thị thông minh.

Kết nối, thúc đẩy phát triển khoa học và chuyển đổi số khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Ảnh 1.

Năm 2021, Hội thảo CITA đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng với chặng đường 10 năm hình thành và phát triển.

Kết nối, thúc đẩy phát triển khoa học và CĐS miền Trung – Tây Nguyên

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo CITA 2021 - Lần thứ 10, Tọa đàm Kết nối và thúc đẩy phát triển khoa học và CĐS miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 2 được diễn ra dưới sự chủ trì của ĐH VKU và Câu lạc bộ Khoa - Trường – Viện CNTT - truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam), cùng với sự tham gia của các giáo sư trong Hội đồng giáo sư ngành CNTT và đại diện các Sở, Ban, Ngành của TP. Đà Nẵng, các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng, Đại học Huế, đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT-TT và kinh tế số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tọa đàm lần này mang một ý nghĩa rất lớn nhằm tạo diễn đàn không chỉ để chia sẻ, công bố, thảo luận những vấn đề mới trong học thuật và nghiên cứu khoa học mà còn quy tụ, kết nối được đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý xây dựng Câu lạc bộ mạng lưới các trường, viện, khoa đào tạo CNTT tại miền Trung - Tây Nguyên (FISU Miền Trung - Tây Nguyên) nhằm liên kết thúc đẩy và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học về CNTT, kinh tế số, CĐS tại miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt góp phần vào chiến lược CĐS quốc gia và hiện thực hóa "Giấc mơ Miền Trung".

Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường ĐH VKU cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của sự gắn kết giữa ba nhà là Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng "Giấc mơ miền Trung" tạo môi trường đào tạo và làm việc chất lượng cao cho đội ngũ nguồn nhân lực CNTT-TT và kinh tế số cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học, CĐS cho miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó đã góp phần thể hiện rõ nét vai trò chủ động, tiên phong của VKU nói riêng cũng như các đơn vị trong cộng đồng FISU miền Trung - Tây Nguyên nói chung trong giai đoạn CĐS hiện nay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kết nối, thúc đẩy phát triển khoa học và chuyển đổi số khu vực miền Trung - Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO