Chuyển đổi số

Khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành tại trung tâm IOC: Kinh nghiệm của Bình Phước

Ánh Dương 13:42 30/04/2024

Xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quý trong kỷ nguyên số - một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Bình Phước đã sớm tập trung quan tâm tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số cùng với việc thành lập IOC và những kết quả bước đầu thu được rất đáng ghi nhận.

Khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh

Báo cáo tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về CĐS tại điểm cầu Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trần Tuệ Hiền cho biết, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bỉnh Phước được thành lập với mục tiêu từng bước tập trung toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực về trung tâm, từ đó giúp lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nắm bắt, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời.

418-202404300923591.jpg
IOC tỉnh Bình Phước được thiết kế nhằm cung cấp dữ liệu và xử lý trên 11 lĩnh vực để phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. (Ảnh: Binhphuoc.gov.vn)

Theo bà Hiền, IOC tỉnh Bình Phước được thiết kế nhằm cung cấp dữ liệu và xử lý trên 11 lĩnh vực để phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh như: Cung cấp số liệu tổng quan dưới dạng bản đồ theo địa phương và theo lĩnh vực kết hợp với màu sắc cấp độ cảnh báo; cung cấp số liệu chi tiết ở các lĩnh vực, kết hợp hiển thị biểu đồ so sánh theo các tiêu chí và các công cụ giải trình, làm rõ về các chỉ số.

Bên cạnh đó, trung tâm còn có chức năng tích hợp các hệ thống khác như: tích hợp hệ thống camera giám sát, an ninh, giao thông; hệ thống thông tin địa lý GIS; hệ thống ứng cứu khẩn cấp EOC; tổng đài thông tin dịch vụ công 1022…

Hiện tại, Bình Phước đã thành lập 03 tổ phân tích dữ liệu do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để chỉ đạo, điều hành việc theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, số liệu thuộc lĩnh vực quản lý.

Qua thời gian hoạt động, IOC tỉnh đã giúp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành nắm bắt rõ hơn tình hình, nhất là tình hình kinh tế - xã hội; khai thác dữ liệu tập trung giúp tăng cường tính minh bạch và tăng hiệu quả quản lý. Hệ thống dữ liệu đã tích hợp và tối ưu hóa các nguồn lực.

Cụ thể, hiện nay, Bình Phước đã triển khai thống nhất cơ sở dữ liệu toàn tỉnh từ các hệ thống Thống kê chỉ tiêu kinh tế - xã hội; dữ liệu ngành giáo dục; dữ liệu ngành y tế; dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); hệ thống báo cáo toàn tỉnh.

418-202404300923592.jpg
IOC khai thác hiệu quả dữ liệu tập trung giúp tăng cường tính minh bạch và tăng hiệu quả quản lý.

Theo đó, hàng ngày, lãnh đạo tỉnh sẽ nắm được thông tin về tình hình thu, chi ngân sách, giải ngân đầu tư công đến cấp sở, ngành, địa phương; kết quả xử lý TTHC trên toàn tỉnh đến cấp xã; thông tin về hệ thống giáo dục, y tế… Lãnh đạo tỉnh vừa có thể xác định tức thời địa chỉ, cá nhân phụ trách công việc đạt kết quả tốt hoặc chưa đạt kết quả theo yêu cầu, vừa có thể khoanh vùng dữ liệu để xác định nguyên nhân, đánh giá tác động chính sách được đưa ra.

Bên cạnh đó, theo bà Hiền, dữ liệu được công khai, minh bạch để người dân, tổ chức có thể truy cập, đồng thời có thể đánh giá và theo dõi hiệu suất của bộ máy chính quyền cấp tỉnh và huyện. Các sở, ban, ngành, địa phương có thể xem, đánh giá số liệu của ngành mình cũng như của các đơn vị khác để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện những chỉ tiêu mà đơn vị mình còn hạn chế.

Đặc biệt, hệ thống dữ liệu đã tích hợp và tối ưu hóa các nguồn lực, nhất là trong việc tổng hợp báo cáo, truy xuất các số liệu giữa các sở, ngành, địa phương để xây dựng chính sách. Hệ thống đã làm thay đổi phương pháp làm việc, tăng năng suất lao động, giảm thời gian tìm kiếm dữ liệu, số liệu, góp phần minh bạch hóa thông tin và cải cách hành chính.

“Nhìn chung, IOC tỉnh và các IOC cấp huyện đã kết nối, xử lý và cung cấp các nhóm thông tin dữ liệu, xử lý dữ liệu lớn; góp phần quan trọng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương phục vụ quản lý, điều hành”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết thêm.

Ba bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai CĐS

Theo bà Trần Tuệ Hiền, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Bình Phước đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm cụ thể.

Thứ nhất, tiếp thu sự chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, sự vào cuộc của đội ngũ lãnh đạo, bằng quyết tâm chính trị cao với phương châm “muốn làm, biết làm, cùng làm và say sưa làm”.

Thứ hai, căn cứ tình hình thực tế nên không cầu toàn đưa ra yêu cầu trong thời gian ngắn là phải có số liệu điều hành ngay, mà giai đoạn đầu chỉ đưa lên bộ khung. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ từng bước hoàn thiện ứng dụng, cập nhật dữ liệu, kết nối liên thông và đẩy dữ liệu về IOC tỉnh; để từ đó bức tranh ngày càng hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn cho việc chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, với cách làm này, yêu cầu người lãnh đạo các cấp phải quan tâm, nghiên cứu và nắm bắt nội dung thì mới có thể tập trung thực hiện chỉ đạo hiệu quả.

Thứ ba, chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ, công nhân viên chức và người dân trong việc sử dụng, tương tác các ứng dụng thành phần. Song song đó, khi thực hiện triển khai cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại IOC từ tỉnh đến cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền khẳng định, trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục đổi mới, kế thừa, phát huy hơn nữa kết quả đạt được, học hỏi những kinh nghiệm quý của các tỉnh, thành phố; bám sát chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và thực tiễn của địa phương để triển khai hiệu quả hơn nữa. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương về IOC tỉnh, IOC huyện; hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành; tích hợp, đồng bộ với cơ sở dữ liệu của ccácbộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì cập nhật, bổ sung dữ liệu của các hệ thống đang vận hành tại IOC tỉnh. Bổ sung các tính năng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo cho công tác chỉ đạo, điều hành, phù hợp với định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ nâng cấp hệ thống tiếp nhận xử lý các thông tin khẩn cấp để hoạt động hiệu quả hơn; tích hợp hệ thống IoT, AI để cảnh báo sớm về thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng, xả lũ... phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn nữa./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành tại trung tâm IOC: Kinh nghiệm của Bình Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO