Các đại biểu nhấn nút khai trương
Hoạt động này được Bộ TTTT, Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam tổ chức nhằm thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử (CPĐT). Trong đó, CSDL quốc gia về Bảo hiểm được xác định là 1 trong 6 CSDL quan trọng tạo nền tảng cho phát triển CPĐT.
Bên cạnh CSDL về bảo hiểm, 5 CSDL nền tảng còn lại là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số và CSDL quốc gia về tài chính.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, cùng với sự phối hợp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, tính đến nay đã có 97,4 triệu dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực được cấp mã số trong hệ thống CSDL hộ gia đình tham gia BHYT.
Về CSDL của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, hiện có tổng cộng 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 488.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 13,11 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia BHYT.
Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 3,6 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng trong CSDL của BHXH Việt Nam. Những người này bao gồm các trường hợp hưu trí, tử tuất hay có bệnh nghề nghiệp,...
Đối với CSDL khám chữa bệnh BHYT, trung bình hiện có khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh mỗi năm.
Những CSDL trên đã giúp ngành BHXH cải cách được thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần giúp ngành đạt và vượt nhiều mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu
Phát biểu tại lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn cho biết: Để làm CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, hiện nay một trong những việc quan trọng nhất là xây dựng các CSDL tạo nền tảng.
Thứ trưởng nhận định: Việc xây dựng CSDL, nhìn thì tưởng dễ nhưng thực tế rất khó. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã cùng BHXH Việt Nam làm CSDL của ngành. Khó đầu tiên là cần phải làm một CSDL chính xác, theo đúng các trường thông tin. Cái quan trọng nhất là CSDL này phải luôn luôn được “sống”, luôn phải được cập nhật; còn nếu không chỉ trong một thời gian ngắn, 3 - 5 tháng sau, toàn bộ hệ thống CSDL sẽ bị lạc hậu, không còn chính xác. Khi không còn chính xác, sau này khi các cơ quan thực hiện xác thực, làm ID cho công dân sẽ không ổn, như vậy chúng ta sẽ không thể xây dựng được CPĐT.
Theo Thứ trưởng, xác định cần phải có CSDL, BHXH Việt Nam hiện đang là một đơn vị tiên phong, quản lý một hệ thống CSDL quốc gia về bảo hiểm. Hiện nay, CSDL chuyên ngành bảo hiểm đã có đủ dữ liệu của các công dân Việt Nam, hay nói đúng hơn là dân số Việt Nam. Đó là điều vô cùng quan trọng. BHXH cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của việc phải luôn cập nhật, bổ sung để đảm bảo CSDL đầy đủ, chính xác nhất.
“Hôm nay chúng ta khai trương CSDL chuyên ngành bảo hiểm, đồng thời BHXH Việt Nam tiên phong trong việc cùng Bộ Tư pháp, Bộ Y tế trong việc chia sẻ CSDL, liên thông để thực hiện một loạt các chuỗi việc, ví dụ ở đây là cho trẻ em dưới 6 tuổi để làm sao giảm tối đa TTHC cho người dân, tiết kiệm chi phí tối đa cho các cơ quan nhà nước, người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, các bộ, ngành, địa phương đã có các CSDL, nhưng vướng mắc nhất hiện nay cũng là việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm là mỗi cơ quan, đơn vị có dữ liệu nhưng “khư khư” giữ, phục vụ cho việc của mình.
Thực trạng này, có hai lý do, một là bản thân tính sở hữu của mỗi ngành cao nhưng lý do thứ hai không kém phần quan trọng là vấn đề an ninh, bảo mật dữ liệu. Dữ liệu có thể chia sẻ nhưng không có cơ chế, không có quy định, chưa có khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu nên nhiều đơn vị không dám chia sẻ dữ liệu.
Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 12/2019 này, Bộ TTTT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số. Sau khi Nghị định này được ban hành, Thứ trưởng hy vọng rằng sẽ không còn tình trạng các ngành "khư khư" giữ CSDL của mình, xóa bỏ suy nghĩ cát cứ dữ liệu của các cơ quan, đơn vị. Bộ TTTT đang tập trung làm một việc rất quan trọng, đó là đứng ra làm cầu nối cho các bộ, ngành, địa phương muốn kết nối, chia sẻ dữ liệu qua hệ thống NGSP.