Khi dân tộc rất ít người cũng đã có đại biểu Quốc hội
Cho đến khoá Quốc hội thứ XV này, có 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ Đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội. Điều này cho thấy quyền được tham gia chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam là hoàn toàn được tôn trọng.
Quyền được hiến định
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, "Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật” (Điều 2).
Cũng trong bộ Luật này, quy định về quyền tham gia đại biểu Quốc hội của người dân tộc thiểu số (DTTS) đã được viết rõ ràng hơn: “Số đại biểu Quốc hội là người DTTS do Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần DTTS có số đại biểu thích đáng “(Điều 10).
Như vậy, Luật Bầu cử đã giao cho một cơ quan Quốc hội là Hội đồng dân tộc đảm trách việc chuẩn bị nhân sự là người DTTS ứng cử Quốc hội đã thể hiện việc tăng cường vị thế của cơ quan đại diện dân tộc trong Quốc hội trong công tác bầu cử.
Đến năm 2016, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) đã tiến thêm một bước mới khi qui định tỷ lệ tối thiểu ứng cử đại biểu Quốc hội là người DTTS về mặt định lượng (18%) và tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ dân số DTTS so với dân số chung cả nước.
Cụ thể, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND quy định: “Số lượng người DTTS được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người DTTS" (Khoản 2, Điều 8).
Quy định này đã thúc đẩy cơ hội tham gia nhiều hơn đại diện DTTS trong Quốc hội, cơ quan lập pháp tối cao của nhà nước. Thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc, Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”
Các quy định cho thấy đường lối chính trị của nhà nước Việt Nam luôn khẳng định các DTTS là bộ phận không thể tách rời quốc gia dân tộc và luôn coi trọng việc bảo đảm quyền chính trị, kinh tế, văn hóa; không phân biệt đối xử. Trong đó, có quyền tham gia vào hệ thống chính trị nhà nước, đặc biệt là đối với cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội.
Quốc hội khoá XV đã có đại biểu của DTTS dưới 1000 người
Tại các kỳ họp Quốc hội khoá XV diễn ra trong thời gian qua, cử tri cả nước đã quen với hình ảnh đại biểu Khang Thị Mào phát biểu hoặc chất vấn tại Hội trường. Khang Thị Mào sinh năm 1986 là người dân tộc Mông hiện là Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Chị là một trong số 89 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người DTTS của Quốc hội khoá XV, đạt tỷ lệ 17,8% tổng số ĐBQH, trong đó có 44/89 đại biểu nữ (chiếm 49,43%). Đây là một tỷ lệ rất cao người DTTS tham gia Quốc hội, đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, cao nhất các khóa Quốc hội, tức là gần với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên DTTS theo Luật Bầu cử 2016 (18%).
Về cơ cấu thành phần các dân tộc, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có đại diện của từ 28 - 32 dân tộc. Một số dân tộc có dân ít (dưới 10.000 người, đặc biệt dưới 1.000 người) sinh sống ở các vùng núi cao, hẻo lánh cũng có đại diện tham gia Quốc hội.
Trong đó, nếu như Quốc hội khoá XIV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người) là đại biểu Quốc hội thì đến Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Brâu (dân số dưới 1.000 người) và dân tộc Lự (dân số 6.000 người) tham gia Quốc hội.
Năm 2021, Nàng Xô Vi (Xô Vi mang họ Nàng) trở thành nữ ĐBQH ở tuổi 25. Cô đã ghi một dấu ấn lịch sử khi là người Brâu đầu tiên trở thành ĐBQH. Brâu là dân tộc rất ít người, chỉ có dưới 1000 người.
Năm 2014, Nàng Xô Vi sinh ra ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) trở thành cô gái người Brâu đầu tiên đậu đại học và trở thành niềm tự hào của cả thôn Đăk Mế.
Năm 2018, Xô Vi tốt nghiệp Đại học và đến TP. Hồ Chí Minh xin làm thêm ở tiệm bánh mì, rồi xin đi dạy thỉnh giảng. May mắn là đến năm 2020, Xô Vi quay về quê nhà, thi đậu viên chức Trường Phổ thôgn dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh và được phân về phân hiệu huyện Ia H’Drai (Kon Tum) công tác. Nhà trường đã đề cử Xô Vi ra ứng cử ĐBQH khóa XV, cô nhận được 82% phiếu bầu và trở thành người Brâu đầu tiên, người trong ngành Giáo dục trẻ nhất trúng cử ĐBQH.
Quốc hội khoá XV đã nâng tổng số 52/54 dân tộc (bao gồm cả dân tộc Kinh) và 51/53 DTTS đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội.
Các ĐBQH là người DTTS của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này đều có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn nhiều so với các khóa Quốc hội trước đây. Trong đó, 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, 62 đại biểu (chiếm 69,66%) có trình độ trên đại học, trong đó có 9 tiến sỹ. Nhiều đại biểu đang giữ vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.
Còn nhiều trở ngại
Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người DTTS, bảo đảm tỷ lệ thích đáng, phù hợp đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội cũng như HĐND các cấp; thì việc tham gia chính trị của người DTTS vẫn còn một số rào cản, hạn chế. Trong đó, nguyên nhân khách quan đến từ điều kiện môi trường phát triển của đồng bào DTTS.
Theo TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, điểm chung nhất là do thiếu cơ hội học tập tốt nên chất lượng nguồn nhân lực các DTTS nói chung chưa cao, cơ hội có vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội chưa nhiều dẫn đến cơ hội tham gia ứng cử hạn chế khi phải đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn ứng cử.
Thêm nữa, theo ông Thành, do những rào cản về mặt xã hội trong sự hòa nhập chung đối với người DTTS, do những quan niệm, định kiến có thể nảy sinh từ những khác biệt văn hóa, tập quán và cả nhận thức giữa các dân tộc là những cản trở để người DTTS tham gia chính trị, trong đó có việc tham gia vào cơ quan dân cử các cấp và Quốc hội.
Ngoài ra, trong công tác ứng cử, bản thân người DTTS đôi lúc còn thiếu tự tin. Một số ứng viên chưa chuẩn bị đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh khi xuất hiện trước công chúng cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri. Chưa kể đến một bộ phận cử tri còn chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong bầu cử, về sự cần thiết có đại diện cho dân tộc trong cơ quan dân cử các cấp và vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
Bởi vậy, để tăng cường sự tham chính của đồng bào DTTS vào cơ quan dân cử các cấp, nhất là Quốc hội, theo TS. Nguyễn Lâm Thành cần tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS ở từng cấp theo từng vị trí dự kiến cụ thể.
Đối với những cán bộ có tiềm năng nhưng còn chưa đủ chuẩn về trình độ chuyên môn hay lý luận chính trị, phải gấp rút đào tạo nhưng phải bảo đảm chất lượng; Mạnh dạn bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ DTTS vào nhiều lĩnh vực, vị trí; Chú ý đến cơ cấu dân tộc trên địa bàn để bảo đảm tính đại diện; Xây dựng lộ trình từng bước nâng chỉ tiêu cơ cấu tham gia của cán bộ DTTS vào hệ thống các cơ quan dân cử.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Lâm Thành, Nhà nước cũng cần ban hành các chính sách cụ thể, phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt bậc phổ thông ở vùng DTTS, chú trọng đối với các dân tộc ít người, rất ít người; xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.