Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lắng nghe tâm tư đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 16/12, tại tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng Tây Nguyên năm 2024.
Tham dự Hội nghị có ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc Quốc hội; cùng 150 đại biểu là người có uy tín đại diện cho đồng bào các dân tộc đến từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng với diện tích tự nhiên khoảng 54,5 nghìn km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Vùng Tây Nguyên được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữa vai trò tâm điểm của kết nối đông - tây; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng cho sự phát triển toàn diện các tỉnh Vùng Tây Nguyên để phát huy vai trò và lợi thế của vùng, tạo nên sức mạnh tổng lực trong công cuộc phát triển của đất nước. Quá trình xây dựng và triển khai các văn bản, chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương, sự chung sức, đồng lòng, tham gia ý kiến, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, khu vực, với phong tục tập quán, truyền thống của mỗi đồng bào dân tộc trong khu vực có ý nghĩa quyết định đến sự thành công và hiệu quả.
Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền luôn đề cao và coi trọng, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến, tâm tư, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, kịp thời điều chỉnh, ban hành mới các chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp, giải quyết thấu đáo các vấn đề của thực tiễn và đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của đồng bào và nhân dân, để huy động sức mạnh to lớn từ sự đồng thuận và tinh thần tự nguyện của đồng bào và Nhân dân, từ sự thống nhất giữa “Lòng dân - ý Đảng”, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc của mỗi đồng bào các dân tộc trong vùng.
Hội nghị là dịp để đại biểu tiêu biểu cho các đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất về việc thụ hưởng các chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương; những ý kiến chia sẻ, lan tỏa cách làm hay, kinh nghiệm quý trong công tác dân tộc nhằm phát huy hơn nữa các kết quả đạt được và đặt ra những nội dung, biện pháp hiệu quả hơn để hoàn thành các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó trong giai đoạn tới.
Tại Hội nghị, ý kiến đại biểu đồng bào các DTTS đề nghị, chính quyền các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, cũng như cơ hội việc làm cho lao động đồng bào DTTS; Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh...; Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng “vùng trũng nguồn nhân lực”.
UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín, cần có sự quan tâm bố trí nguồn kinh phí phụ cấp cho người có uy tín hàng tháng nhằm động viên khích lệ tinh thần và hỗ trợ cho Người uy tín khắc phục khó khăn và ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình./.