Khó lấp “khoảng trống” nhân lực công nghệ cao

Lưu Hà| 23/08/2021 20:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Thế giới đang bước vào thời đại của những công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), ML (học máy), big data (dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật)… kéo theo sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, nhưng đồng thời cũng dẫn đến những cuộc đua quyết liệt về nguồn nhân lực...

Theo dự báo, nếu dịch Covid-19 bị đẩy lùi và khi vaccine được tiêm chủng đại trà trên toàn quốc, thì nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sẽ còn tăng lên nhanh chóng, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số.

Ngành nào cũng cần 4.0

Báo cáo về nhu cầu nhân lực trên thị trường công nghệ nửa đầu năm 2021 của TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên về ngành công nghệ hàng đầu ở Việt Nam) chỉ ra rằng trong năm nay Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin (IT). Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Theo lý giải của TopDev, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành IT là do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Không những vậy, trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Không chỉ lĩnh vực IT, theo giới chuyên gia, việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao đang là một trong những thách thức mà nhiều ngành khác, nhất là các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ ở Việt Nam phải đối mặt.

Khó lấp “khoảng trống” nhân lực công nghệ cao - Ảnh 1.

Năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp ngành hàng không. Đáng chú ý, ngoài thông tin sản lượng điều hành thấp dẫn đến thu không đủ bù chi, doanh nghiệp hàng không còn đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động, không đảm bảo điều hành bay. Dịch bệnh khiến nhiều nhân viên phải ở nhà nhưng các lực lượng trực tiếp tham gia dây chuyền cung cấp dịch vụ bay như kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật… thì vẫn phải duy trì chế độ ca kíp.

Ngành hàng không được dự báo sẽ hồi sinh đầu tiên và nhanh nhất sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh vì tính thiết yếu của nó đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành hàng không Việt Nam phải hoàn toàn sẵn sàng khi đại dịch kết thúc, nhất là cần lấp khoảng trống về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Hiện tại, hàng không Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nhân tài "nhập khẩu" cho cả các vị trí chuyên môn và quản lý. Điều này được coi là tốn kém và lãng phí đối với một quốc gia có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.

Nằm trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, Fintech đã và đang mang tới những sự đổi mới, sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, ngành này hiện nay đang phải đối mặt với xu hướng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực chuyên sâu gắn với ngân hàng và công nghệ. Việc chuyển đổi số ngân hàng đòi hỏi lực lượng nhân sự nắm vững về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, big data, data analytics hay blockchain... Nguồn nhân lực được đào tạo trong nước về các lĩnh vực này chưa đáp ứng được khi các chương trình đào tạo đại học còn thay đổi chậm so với xu thế.  

Khó lấp “khoảng trống” nhân lực công nghệ cao - Ảnh 2.

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao là một trong những thách thức mà các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ ở Việt Nam phải đối mặt.

Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, ngành quản lý tài nguyên và môi trường với nhân lực được đào tạo chuyên sâu về thiết kế, vận hành hệ thống xử lý chất thải, thiết kế dự án cải tạo và phục hồi môi trường; kinh tế tuần hoàn; an toàn sức khỏe - môi trường lao động (HSE)... đang thiếu hụt trầm trọng. Vì lẽ đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề này không chỉ là trăn trở của các đơn vị đào tạo mà còn là nỗi băn khoăn của các nhà quản lý.

Đâu là hướng giải quyết?

Theo đề xuất của TS. Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (Khu công nghệ cao Tp.HCM), một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng nhân lực là thông qua các nhiệm vụ về khoa học công nghệ được Nhà nước đặt hàng cho các tổ chức khoa học công nghệ trung gian, kết nối giữa khối đại học với doanh nghiệp để đào tạo chuyên sâu cho các học viên là những sinh viên sắp tốt nghiệp đại học, đã tốt nghiệp, hoặc người đã đi làm. Người đứng lớp sẽ là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

Những học viên này chính là nguồn nhân lực công nghệ mới bổ sung thiết thực cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu. "Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các tổ chức trung gian về khoa học công nghệ để đưa cán bộ, nhân viên đi đào tạo chuyên sâu trong nước, thay vì phải đưa ra nước ngoài chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Chi phí có thể theo công thức: phía doanh nghiệp đóng góp 70%, cơ sở đào tạo đóng góp 30%", ông Thành hiến kế.

Khó lấp “khoảng trống” nhân lực công nghệ cao - Ảnh 3.

Kết nối giữa khối đại học với doanh nghiệp để đào tạo chuyên sâu cho các học viên là cách làm hiệu quả, cần được phát huy.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng một trong các giải pháp giải quyết vấn đề đào tạo nhân lực công nghệ cao chính là thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

"Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn sinh viên thực hành để sớm tiếp cận công nghệ mới ngay trên giảng đường, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, để sinh viên khi ra trường có thể hòa nhập, thích ứng nhanh với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại", TS. Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Nhà giáo ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng đồng tình với phương án này. Theo ông Khánh: "Những năm qua, bên cạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, chúng tôi chủ động liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm yêu cầu học đi đôi với hành, tìm kiếm việc làm, thu nhập cho sinh viên ngay khi còn đang đi học. Đặc biệt, những năm gần đây, trường còn nhận đào tạo theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp...".

Rõ ràng, đây là những cách làm hay, hiệu quả, cần được phát huy.

Theo đánh giá của Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam đang rất thấp. Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020. Trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Khó lấp “khoảng trống” nhân lực công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO