Khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm cần cơ chế Sandbox

Hà Anh| 13/10/2021 07:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính cho biết, hiện có rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu, mà hầu hết chỉ có giấy phép môi giới. Lĩnh vực công nghệ bảo hiểm cần một cơ chế thử nghiệm.

Khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm chỉ có giấy phép môi giới

Chia sẻ thông tin mới nhất tại Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trong bối cảnh mới”, sáng 12/10, chuyên gia đến từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính là Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vân và Thạc sĩ Phạm Thanh Thủy đã chỉ rõ các vấn đề đặt ra trong phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số.

Theo đó, kinh nghiệm các nước cũng cho thấy có khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công lĩnh vực bảo hiểm và vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là vấn đề vốn thành lập doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp muốn trở thành một doanh nghiệp bảo hiểm với tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm thì doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, để bảo vệ người tham gia bảo hiểm và đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp kinh doanh nghiệp.

Do đó, có rất ít các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu, mà hầu hết chỉ có giấy phép môi giới.

Đây cũng có thể là vấn đề cần quan tâm của thị trường bảo hiểm trong thời gian tới, khi mức vốn pháp định mà các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm phải đáp ứng hiện đang được quy định từ 300 - 1.100 tỷ đồng, chỉ có doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có mức vốn pháp định thấp từ 4 - 8 tỷ đồng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm cần cơ chế Sandbox - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ bảo hiểm cần một cơ chế thử nghiệm.

Khung pháp lý thử nghiệm và lời khuyên cho doanh nghiệp

Để quản lý, hạn chế rủi ro cho thị trường bảo hiểm, trong bối cảnh các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới liên tục được phát triển, đặc biệt là trước mô hình kinh doanh bảo hiểm kinh doanh trực tuyến, tự động hóa toàn bộ quy trình ứng dụng công nghệ AI, Blockchain, nhóm chuyên gia đến từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng cần tăng cường ứng dụng các công nghệ của nền kinh tế số trong lĩnh vực bảo hiểm để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường.

Với các cơ hội từ ứng dụng công nghệ mang lại trong lĩnh vực bảo hiểm như đổi mới mô hình kinh doanh, mô hình phân phối sản phẩm…, việc hình thành nên các sản phẩm mới, giảm chi phí, gian lận và trục lợi bảo hiểm việc tăng cường ứng dụng công nghệ của nền kinh tế số để phát triển thị trường bảo hiểm là cần thiết.

Theo kinh nghiệm của doanh nghiệp bảo hiểm di động BIMA mô hình kinh doanh và phân phối bảo hiểm ứng dụng công nghệ như InsurTech đặc biệt phù hợp với các thị trường bảo hiểm kém phát triển, mức độ thâm nhập thấp và mô hình trung gian thông thường như đại lý/môi giới đang không hiệu quả.

Tiếp đó là xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (Sandbox) cho việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm để biết được những thành công và thất bại khi ứng dụng công nghệ vào ngành này, đồng thời góp phần đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh khung pháp lý liên quan đến vốn pháp định đối với doanh nghiệp bảo hiểm, quản lý rủi ro, quy định pháp lý liên quan tư vấn tự động (robo-advices), bảo mật dữ liệu và giao dịch điện tử đối với hợp đồng bảo hiểm.

Sau khi triển khai khung pháp lý thử nghiệm như một phần của kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam có thể xem xét, điều chỉnh khung pháp lý liên quan đến vốn pháp định đối với doanh nghiệp khởi nghiệp bảo hiểm; bổ sung quy định liên quan đến điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn tự động, phạm vi tư vấn của dịch vụ tư vấn tự động (robo-advices), trách nhiệm của bên cũng cấp dịch vụ tư vấn tự động; xem xét bổ sung các quy định hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm và các quy định liên quan đến bảo mật dữ liệu.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là doanh nghiệp bảo hiểm khởi nghiệp, nhóm chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống nên đầu tư cho công nghệ theo hai hướng tự đầu tư hoặc thành lập quỹ đầu tư để đầu tư ứng dụng công nghệ; hợp tác với một doanh nghiệp Fintech, để phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Doanh nghiệp khởi nghiệp bảo hiểm nên tận dụng nguồn lực công nghệ, sáng kiến của doanh nghiệp để gọi vốn đầu tư.

Việc ứng dụng công nghệ cũng đồng nghĩa với việc thay thế lao động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng, đặc biệt là các đại lý, môi giới bảo hiểm. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm bên cạnh việc đầu tư ứng dụng công nghệ thì cũng cần từng bước sắp xếp lại đội ngũ lao động.

“Về thiết kế sản phẩm, sự phát triển của công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp về thiết kế sản phẩm mang tính cá nhân hóa, hạn chế rủi ro tốt hơn...

Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tận dụng tốt các cơ hội này để thiết kế sản phẩm phù hợp với kinh tế số như bảo hiểm chuyến bay tự động ứng dụng công nghệ Blockchain, bảo hiểm tài sản và tai nạn cung cấp qua ứng dụng di động, bảo hiểm ô tô công nghệ viễn thông- telematics car insurance, bảo hiểm trách nhiệm đối với ô tô không người lái và sản phẩm bảo hiểm với điều khoản linh hoạt trong trường hợp chia sẻ xe, chia sẻ nhà”, nhóm chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính khuyến nghị.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm cần cơ chế Sandbox
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO