Lời tòa soạn: Không gian mạng dần dần đã không còn "ảo" nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, trên đó giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu rếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau…
Mọi thứ "lệch chuẩn" đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết "cuộc sống" còn khá mới này.
Báo VietNamNet triển khai loạt bài có chủ đề "Dọn sạch không gian mạng" với mong muốn nêu ra những thực trạng đau lòng về sự ô nhiễm của cuộc sống mạng, tìm ra nguyên nhân lý giải và nhất là gợi mở cách thức để quản lý cũng như kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh, để mỗi chúng ta và con em chúng ta đều được "sống đẹp" dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật
Trao đổi với VietNamNet về chủ đề chung tay dọn sạch không gian mạng, ông Trương Quốc Anh nói, bản thân có nguyên tắc riêng khi tham gia mạng xã hội.
Trên mạng xã hội người ta ví ông là "Người giải đáp", vậy nguyên tắc riêng mà ông nói là gì?
Mạng xã hội đem lại lợi ích thiết thực, nhưng mặt trái của nó vẫn luôn tồn tại. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội.
Tôi cho rằng, mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội nên tự đề ra nguyên tắc cho riêng mình, nếu không rất dễ trở thành mục tiêu của những thứ "văn hóa độc hại", hay của nhiều nhóm đối tượng xấu nhắm tới.
Tôi có những nguyên tắc riêng, để trước hết là bảo vệ chính bản thân, sau là phần nào giúp các bạn trẻ có lối suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống, và đặc biệt là tin tưởng vào hệ thống pháp luật hiện hành.
Tôi rất cẩn trọng khi tiếp nhận một thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Chúng ta luôn nhớ, không phải thông tin nào được lan truyền, được nhiều người đọc hay chia sẻ cũng là thông tin chính xác.
Vì thế, phải tự mình đặt ra những câu hỏi như: thông tin này từ đâu, thông tin có dụng ý gì, ai có lợi ở đây hay có thể gây hại cho ai...?
Thứ hai, xác định tính chính danh, sự tin cậy của trang mạng, tài khoản mạng xã hội, nghĩa là nguồn thông tin đó có chính thức, chính thống không.
Nếu trả lời được rõ ràng các câu hỏi trên, chúng ta chắc chắn sẽ có cách tiếp nhận và xử lý phù hợp với thông tin đó.
Tham gia mạng xã hội với khá nhiều clip giải đáp giúp cộng đồng mạng, ông thấy những vấn đề nào cần cảnh báo ở không gian mạng hiện nay?
Bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại, mạng xã hội cũng có nhiều hệ lụy đáng báo động.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, mạng xã hội là thế giới ảo, họ sẵn sàng bất chấp bỏ qua các quy tắc, chuẩn mực đạo đức để đổi lấy lượt xem, lượt yêu thích hay chia sẻ trên mạng, nhằm mục đích duy nhất là nổi tiếng hay kiếm thêm thu nhập.
Vì muốn mình ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội, họ sẵn sàng khoe thân, ăn mặc hở hang, phản cảm, văng bậy, chửi thề... Đây là hồi chuông báo động về cách suy nghĩ ích kỷ, lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm của một bộ phận người trẻ.
Các Vlogger ra sức sản xuất "rác" văn hóa trên môi trường mạng, bất chấp những tác hại và hệ lụy đối với người xem và xã hội, miễn là đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân.
Điều đáng tiếc ở đây là những trò lố lăng, phản cảm, thậm chí gây hại cho lớp trẻ như trên vẫn tồn tại, chúng luôn có đất sống bởi được một bộ phận người dùng mạng xã hội thiếu trách nhiệm, cổ súy, hậu thuẫn.
Hiểm nguy từ các mối quan hệ ẩn danh
Không gian mạng tồn tại nhiều livestream chửi bới, đe dọa, hẹn đánh nhau, rồi cả những livestream có nội dung xúc phạm, miệt thị người khác… Là người tham gia mạng xã hội, am hiểu pháp luật, ông đánh giá sao?
Có thể thấy, mạng xã hội sẽ thiết lập cho chúng ta nhiều mối quan hệ ẩn danh. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể thoải mái tham gia mạng xã hội bằng những tài khoản ảo tự lập.
Ở đó, không ít bạn nghĩ rằng sẽ có cảm giác an toàn, có thể tự do bộc lộ quan điểm, thể hiện bản thân. Và chính những suy nghĩ thiển cận này đã làm xuất hiện nhiều hành động, phát ngôn gây sốc, bừa bãi.
Hiện, chức năng livestream hầu hết đều có ở các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng xã hội đã sử dụng chức năng livestream này như một kênh truyền thông, nhằm chửi bới, đe dọa, miệt thị người khác, hay thậm chí là hẹn đánh nhau.
Với trách nhiệm của một người tham gia mạng xã hội, tôi thẳng thắn lên án và phê phán những hành vi trên. Vì bất kỳ lý do nào, chúng ta cũng không thể xâm phạm về thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Đó là hành vi trái pháp luật, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, còn nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn phải nhớ, mạng xã hội là ảo, nhưng vi phạm pháp luật là thật.
Có ý kiến cho rằng, việc livestream chia sẻ thông tin là quyền của mỗi người. Theo ông, giới hạn chia sẻ tới đâu để tránh vi phạm pháp luật?
Tự do ngôn luận ở đây không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết, mà phải trong giới hạn, khuôn khổ. Điều này được thể hiện rõ trong Luật an ninh mạng, Luật an toàn thông tin mạng hay một số văn bản khác.
Nên nhìn nhận vấn đề ở đây là hành vi ứng xử văn hóa. Đó là sự nhận thức, giáo dục, tư tưởng và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, xã hội.
Người dùng cần cân nhắc thông tin nào nên hay không nên chia sẻ lên mạng xã hội, bởi sức lan tỏa trên mạng rất lớn, thậm chí có thể gây ra những hệ lụy cho những người xuất hiện trong hình ảnh hoặc ngay cả bản thân người phát livestream.
Còn ở góc độ pháp lý, để tránh việc vi phạm thì rõ ràng người sử dụng phải có sự hiểu biết các quy định để không tự mình đi quá giới hạn cho phép.
Việc đưa thông tin lên mạng xã hội với mục đích vu khống, bôi nhọ, làm nhục người khác có chủ đích, rất có thể người dùng mạng xã hội sẽ vi phạm vào tội mà Bộ luật hình sự quy định như vu khống, làm nhục người khác... và khi đó không thể tránh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế cũng có những người livestream để bóc trần những hành vi sai trái, nhưng cũng có cách khác để lên án, tố cáo những hành vi sai trái, ông nghĩ sao?
Bên cạnh mặt tích cực của chức năng chia sẻ trực tuyến, thời gian gần đây, có nhiều cá nhân lợi dụng việc livestream để bày tỏ chính kiến cá nhân với ngôn từ tục tĩu, trái với thuần phong mĩ tục.
Đi xa hơn, đó là việc dùng hình thức livestream để bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Điều đáng tiếc, một số người dùng mạng xã hội do thiếu hiểu biết, hoặc tò mò lại cổ vũ, tích cực xem, chia sẻ các livestream này.
Nếu hỏi mình một lời khuyên, mình khuyên tất cả các cá nhân cần cân nhắc việc đưa lên hay không thông tin của cá nhân, tổ chức nào đó khi chưa kiểm chứng. Bởi có thể gây ra những hệ lụy cho chính những tổ chức, cá nhân xuất hiện trong câu chuyện đó, hoặc ngay cả bản thân người phát livestream cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Khi bạn muốn tố cáo một tổ chức hay bất kỳ một cá nhân nào, mình khuyên các bạn hãy làm đơn gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giải quyết. Tránh việc lợi dụng tính năng phát trực tuyến trên mạng xã hội để công kích bất kỳ ai, vì khi đó người sử dụng mạng xã hội rất dễ vi phạm pháp luật.
Mới đây báo VietNamNet khởi đăng tuyến bài có chủ đề "Dọn sạch không gian mạng", quan điểm riêng của ông thế nào?
Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, mạng xã hội ngày càng được giới trẻ coi như một phần tất yếu của cuộc sống, việc "dọn sạch" không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội.
Thiết nghĩ, mỗi cá nhân người tham gia hãy ý thức việc tuyên truyền phổ biến Luật An ninh mạng đến nhiều người, giúp họ hiểu các điều cấm liên quan đến văn hóa ứng xử trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, Cơ quan chức năng nên tính đến biện pháp định danh một cách triệt để đối với người sử dụng mạng xã hội.
Từ đó làm tăng tính trách nhiệm của người dùng, buộc họ phải suy nghĩ kỹ trước khi bấm nút thích, chia sẻ, hoặc phát tán thông tin trên môi trường mạng, vì nếu không cẩn thận chính bản thân họ sẽ rất dễ vi phạm pháp luật.
Và điều quan trọng, cần có chế tài xử lý nghiêm hơn nữa những hành vi vi phạm theo mức độ vi phạm, để răn đe giáo dục chung đối với toàn xã hội.
Và ông sẽ làm gì để cùng "dọn sạch không gian mạng"?
Là một người tham gia mạng xã hội, cá nhân tôi luôn hướng theo kim chỉ nam là giúp ích cộng đồng, giúp ích các bạn trẻ trong cách nhìn nhận vấn đề ở xã hội sao cho đúng.
Và qua các chương trình thiện nguyện do mình đứng ra làm cầu nối, sẽ giúp lan tỏa thông điệp yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tới được nhiều nhiều người, đặc biệt là tới các bạn trẻ.
Mỗi người sử dụng mạng xã hội hãy ý thức trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi của mình cho đúng, thì trên mạng xã hội mới không còn "đất sống" cho những nội dung vô bổ, nhảm nhí, cũng như những hành vi lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Có như vậy môi trường, không gian mạng xã hội của chúng ta mới lành mạnh, văn minh, đúng pháp luật được.