Chuyển động ICT

Khủng hoảng rác thải điện tử và hồi chuông cảnh báo

Ngọc Diệp 17:10 25/03/2024

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, hàng núi rác thải điện tử, từ máy tính đến điện thoại bỏ đi, đang chất đống trên toàn thế giới, gây ô nhiễm môi trường và khiến hàng tỷ USD vật liệu có giá trị bị vứt bỏ.

shutterstock_1675112317-1024x683.jpeg
Lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn thế giới đang tăng 2,6 triệu tấn

Cuộc khủng hoảng rác thải điện tử toàn cầu đang gia tăng

Báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Viện Nghiên cứu và Đào tạo LHQ (UNITAR) công bố cho thấy lượng rác thải điện tử đang gia tăng nhanh gấp 5 lần so với tỷ lệ tái chế chính thức được công bố trên thế giới. Cụ thể, số liệu cho thấy trong năm 2022, lượng rác thải điện tử tạo ra trên thế giới đạt 62 triệu tấn, đủ để lấp đầy 1,55 triệu xe tải 40 tấn. Nếu xếp các xe tải này nối tiếp nhau, chúng có thể tạo thành một vòng bao quanh trái đất tại đường xích đạo.

Nhìn chung, lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn thế giới đang tăng 2,6 triệu tấn và đang trên đà đạt 82 triệu tấn vào năm 2030, tăng 33% so với con số năm 2022.

Trong số rác thải điện tử được thải ra trên toàn cầu năm 2022, kim loại chiếm khoảng một nửa ở mức 31 triệu tấn, nhựa là 17 triệu tấn và 14 triệu tấn là vật liệu khác như khoáng chất và thủy ngân. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 22% khối lượng rác thải điện tử này được ghi nhận là đã được thu gom và tái chế đúng cách, từ đó “gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái chế trị giá tới 62 tỷ USD và làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường cho cộng đồng trên toàn thế giới”.

Theo báo cáo, hoạt động tái chế rác điện tử đang có xu hướng giảm dần. Đơn cử như năm 2022, chỉ khoảng 22,3% trong tổng khối lượng rác điện tử được thu thập và tái chế. Đến năm 2030, LHQ dự đoán tỷ lệ này giảm xuống còn 20%. Điều này được cho là do sự khác biệt ngày càng lớn trong các nỗ lực tái chế so với tốc độ gia tăng đáng kinh ngạc của rác thải điện tử. Những nguyên nhân khác góp phần làm gia tăng khoảng cách bao gồm tiến bộ công nghệ, mức tiêu thụ cao hơn, lựa chọn sửa chữa hạn chế, vòng đời sản phẩm ngắn hơn, điện tử hóa ngày càng tăng của xã hội, thiếu sót trong thiết kế và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải điện tử không đầy đủ.

Thực trạng tái chế rác thải điện tử

Trong năm 2022, tỷ lệ thu gom và tái chế được ghi nhận chính thức ở châu Âu đạt 42,8% trong khi đạt 11,8% tại châu Á và dưới 1% tại châu Phi.

Báo cáo cho biết việc nhiều người sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị điện tử cùng khả năng kết nối ngày càng tăng giữa các khu vực thành thị và vùng sâu vùng xa cũng dẫn đến sự gia tăng số lượng thiết bị được kết nối với Internet. Chúng bao gồm máy tính và điện thoại thông thường, nhưng danh sách các thiết bị này ngày càng tăng gồm cả thiết bị gia dụng, xe đạp điện và xe tay ga điện tử, máy theo dõi sức khỏe, cảm biến môi trường, thiết bị điện tử gắn trong đồ nội thất và quần áo, ngày càng nhiều đồ chơi và dụng cụ, thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn LED, quang điện và bơm nhiệt. Sự gia tăng này đồng thời thúc đẩy sự gia tăng lượng rác thải điện tử.

Tuy nhiên, một số lượng lớn rác thải điện tử, thay vào đó, được tái chế một cách không chính thức trên khắp thế giới, ví dụ như 18 triệu tấn được tiêu hủy ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp không có cơ sở hạ tầng quản lý rác thải điện tử. Điều đáng lo ngại là các hoạt động này có thể gây độc hại cho người lao động và gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo của LHQ nhận định: “Việc tái chế không chính thức thường dẫn đến tỷ lệ sử dụng tài nguyên rất thấp và do đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe và an toàn”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi chất thải điện tử được tái chế không chính thức, nó có thể thải ra tới 1.000 chất hóa học vào môi trường, bao gồm cả các chất độc thần kinh có hại như chì. Hàng năm, hàng triệu tấn rác thải điện tử được tái chế bằng các phương pháp không thân thiện với môi trường và có thể được lưu trữ trong nhà và nhà kho, chôn lấp, xuất khẩu hoặc tái chế trong điều kiện kém hơn. Phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rác thải điện tử.

Ngược lại, hệ thống quản lý chất thải điện tử thân thiện với môi trường có tác dụng đáng kể trong ngăn ngừa thiệt hại cho môi trường và giúp thu hồi nguyên liệu thô thứ cấp và tránh phát thải.

Ví dụ, việc tái sử dụng kim loại sẽ loại bỏ nhu cầu xử lý hàng triệu tấn quặng từ các mỏ, giảm suy thoái môi trường do khai thác và cắt giảm khí thải bằng cách loại bỏ việc vận chuyển và chế biến quặng khoáng sản.

Báo cáo của LHQ cũng cho biết, nếu các quốc gia có thể nâng tỷ lệ thu gom và tái chế rác thải điện tử lên 60% vào năm 2030, thì lợi ích mang lại, bao gồm giảm thiểu rủi ro sức khỏe con người, sẽ vượt quá chi phí hơn 38 tỷ USD.

gettyimages-1909094498-594x594-1.jpeg

Cosmas Luckyson Zavazava, Giám đốc Cục Phát triển Viễn thông ITU (ITU-D), cho biết thêm: “Nghiên cứu mới nhất cho thấy thách thức toàn cầu do rác thải điện tử đặt ra sẽ ngày càng gia tăng".

“Chưa đến một nửa thế giới áp dụng và thực thi các phương pháp quản lý vấn đề này đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về các quy định cần thiết để thúc đẩy việc thu gom và tái chế rác thải điện tử”.

Có khoảng 1/3 (20 triệu tấn) rác thải điện tử trên thế giới ở dạng thiết bị nhỏ như đồ chơi, lò vi sóng, máy hút bụi và thuốc lá điện tử, “tuy nhiên, tỷ lệ tái chế đối với loại thiết bị này vẫn rất thấp”, chỉ ở mức 12%.

5 triệu tấn rác thải điện tử khác đến từ các thiết bị CNTT và viễn thông nhỏ, bao gồm máy tính xách tay, điện thoại di động, thiết bị GPS và bộ định tuyến; chỉ có 22% được thu thập và tái chế chính thức. Thông thường, tỷ lệ thu gom và tái chế đối với các loại thiết bị nặng và cồng kềnh hơn như thiết bị trao đổi nhiệt độ, màn hình đạt cao nhất

Các nguyên tố đất hiếm rất quan trọng đối với các công nghệ trong tương lai bao gồm sản xuất năng lượng tái tạo và di động điện tử. Tuy nhiên, việc tái chế các nguyên tố này gặp thách thức lớn về mặt kinh tế vì giá thị trường của các nguyên tố đất hiếm vẫn còn quá thấp so với chi phí để triển khai hoạt động tái chế thương mại quy mô lớn hơn.

Chung tay hành động

Theo ước tính của LHQ, có hơn 550.000 tấn rác điện tử được vận chuyển từ nước này sang nước khác mỗi năm nhưng việc theo dõi lại hết sức khó khăn bởi đa phần các lô hàng được xuất khẩu trái phép.

Trong số 193 quốc gia được phân tích, chỉ có 81 nước áp dụng chính sách, luật pháp hoặc quy định về rác điện tử. Nhưng nỗ lực này cũng hết sức lỏng lẻo khi nhiều nước không đặt mục tiêu thu gom và tái chế chất thải. Do đó, không có gì lạ khi các hoạt động xuất khẩu trái phép rác thải điện tử dễ dàng được thông quan.

Báo cáo trích dẫn sự gia tăng vận chuyển rác thải điện tử trong nội bộ châu Phi giữa các quốc gia như Nam Phi, Nigeria và Tunisia và các quốc gia khác như Cộng hòa Dân chủ Congo, Zimbabwe và Mozambique.

Trong đánh giá chung, LHQ nhấn mạnh cần có sự quan tâm và hành động ngay lập tức để giải quyết mối lo ngại chất thải điện tử gia tăng tràn lan.

“Báo cáo mới này đưa ra lời kêu gọi ngay lập tức về việc đầu tư nhiều hơn vào tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hơn nữa việc sửa chữa và tái chế đồ điện tử, xây dựng năng lực và các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu các lô hàng rác thải điện tử bất hợp pháp”, Kees Baldé, tác giả chính tại UNITAR, nhấn mạnh./.

Theo theregister, mg.co.za
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng rác thải điện tử và hồi chuông cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO