Khuyến nghị hợp tác công - tư để xây dựng điện toán đám mây

Hữu Tuấn| 23/02/2022 14:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều khuyến nghị từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2022 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Khuyến nghị hợp tác công - tư để xây dựng điện toán đám mây - Ảnh 1.

Tiềm năng kinh tế số Việt Nam

Chia sẻ tại VBF 2022, ông Bruno Sivanandan, đại diện Nhóm công tác kinh tế số VBF cho biết, trong khi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trực tiếp và tại chỗ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, thì những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến, dịch vụ giao nhận đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo. Vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4 tỷ USD trong năm 2021, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư.

“Với xu hướng này, Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế số và phát triển phần mềm”, ông Bruno nhận định.

Còn theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á “Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực, sau Indonesia. Theo đó, năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% và dự báo đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến chuyển đổi số.

Liên quan việc thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Ngọc cho hay, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện. Bộ cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các hợp tác xã, hộ kinh doanh…, thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số thông qua mạng lưới đối tác.

“Có thể thấy, dư địa hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số thời gian tới là rất rộng mở”, bà Ngọc đánh giá.

Covid-19 đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, dịch vụ số tăng trưởng rất mạnh. Các tổ chức, doanh nghiệp đã tận dụng sự linh hoạt, ưu việt của công nghệ để xử lý khủng hoảng, duy trì sản xuất, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên. Tuy nhiên, trọng tâm hiện nay đã chuyển sang nhu cầu chuyển đổi số dài hạn hơn, tăng trưởng đột phá hậu đại dịch dựa trên nền tảng số. Cơ hội là rất lớn, song cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Khuyến nghị đầu tư cho kinh tế số

Các hiệp hội tham gia VBF 2022 đã đề xuất các ưu tiên hàng đầu, cấp bách trong việc xây dựng môi trường khuyến khích hợp tác số giữa Chính phủ, khu vực tư nhân trong nước và quốc tế, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào hạ tầng số của Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiến nghị, Chính phủ cần tiên phong định hướng dịch vụ công, cần tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí và cho phép đổi mới.

“Chúng tôi khuyến nghị hợp tác công - tư để xây dựng điện toán đám mây cho các cơ quan chính phủ, áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây thông minh và giảm chi phí bằng cách áp dụng các cơ chế công nhận, tuân thủ và bảo mật trên đám mây được quốc tế công nhận”, ông Alain Cany đề xuất.

Còn ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi. AmCham khuyến khích một môi trường pháp lý mở và tương thích, cho phép truy cập thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và thương mại dịch vụ kỹ thuật số tự do, công bằng và cùng có lợi.

“Các công ty thành viên của chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số”, ông John Rockhold chia sẻ.

Cùng với đó, AmCham khuyến khích mở rộng các mối quan hệ đối tác bằng cách đảm bảo các quy định không ngăn cản sự phát triển. Luồng dữ liệu miễn phí, cho phép các công ty Việt Nam tiếp cận các dịch vụ toàn cầu như trung tâm dữ liệu và tài chính quốc tế trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, là yếu tố quan trọng để tiếp tục phát triển nhanh chóng nền kinh tế số của Việt Nam.

Ở lĩnh vực giáo dục, ông Nitin Kapoor, thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kỹ năng và ngôn ngữ. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy nhu cầu lớn về trình độ giáo dục quốc tế ở mọi lứa tuổi để đảm bảo rằng, nhân tài của Việt Nam có thể đóng góp và đạt được mục tiêu quốc gia.

Còn ông Bruno Sivanandan cho rằng, Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ các ý tưởng có khả năng khởi động lại nền kinh tế. Các start-up và doanh nghiệp nhỏ và vừa là trọng tâm của các giải pháp sáng tạo này và là động lực tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam có thể tiên phong ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào chính sách, giúp các start-up tận dụng đầy đủ lợi ích của những công nghệ mới đó”, ông Bruno khuyến nghị.

Cùng với đó, Nhóm công tác kinh tế số VBF cũng kiến nghị nhiều vấn đề như đổi mới không gian số thông qua hệ thống thuế; một số biện pháp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam, thúc đẩy chia sẻ hạ tầng và hợp tác trong nền kinh tế số, tham gia các hiệp định kinh tế số…

Tại Diễn đàn, Các hiệp hội thành viên liên kết của VBF cũng đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến việc sửa đổi khung khổ pháp lý cho các lĩnh vực kinh tế số; hợp tác công - tư trong dịch vụ công; cải thiện thủ tục đầu tư trực tuyến; hỗ trợ hơn nữa cho các mô hình kinh doanh fintech, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với một số mô hình…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Vô địch cuộc thi bảo mật triệu đô, Viettel Cyber Security tìm kiếm chiến thắng lớn hơn
    Các thiết bị lưu trữ hình ảnh, dữ liệu nhạy cảm như điện thoại di động, camera an ninh không an toàn như nhiều người vẫn nghĩ, như đã được chứng minh qua 9 lỗ hổng zero-day mà Viettel Cyber Security (VCS) tìm ra tại Pwn2Own 2024. Và mục tiêu dài hạn của VCS là làm thế nào để những sản phẩm này an toàn hơn cho người dùng.
  • Trên 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số”
    Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2024, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” – iHanoi đã đã có khoảng 14 triệu lượt người dân truy cập khai thác, sử dụng. Tổng số người dùng đăng ký tài khoản trên ứng dụng này lên tới 1.043.724.
  • Sắp diễn ra Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2024
    UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024) với chủ đề "Hà Nội kết nối năm châu".
  • Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
Đừng bỏ lỡ
Khuyến nghị hợp tác công - tư để xây dựng điện toán đám mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO