Truyền thông

Kinh tế báo chí – Những góc khuất và hướng đi mới

TS. Nguyễn Tri Thức 21/08/2023 12:55

Kể từ khi báo điện tử xuất hiện, báo in truyền thống bị đánh mất khá nhiều thị phần quảng cáo, tài trợ. Khi mạng xã hội phát triển bùng nổ trong khoảng 15 năm trở lại đây, tất cả các loại hình báo chí đều bị chia sẻ miếng bánh kinh tế báo chí một cách đầy áp lực.

Tóm tắt:
- Biến động về kinh tế, chính trị toàn cầu ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí tại Việt Nam.
- Nhiều cơ quan báo chí đã xa rời tôn chỉ mục đích thậm chí vi phạm pháp luật khi “làm kinh tế báo chí”.
- Một trong những hướng đi, bài học quý là thu phí đọc báo điện tử.
- Tuy nhiên việc “bán báo điện tử” đang gặp phải một số khó khăn: Thói quen của công chúng, chất lượng thông tin…

Điều không mong muốn ấy buộc các loại hình báo chí đều phải nỗ lực thay đổi hướng đi để có thể giải quyết được bài toán kinh tế. Trong sự chuyển mình thay đổi ấy, báo chí cũng nảy sinh, tồn tại những hạn chế, góc khuất cần khắc phục, đẩy lùi.

Những mặt trái cần nhận diện, ngăn chặn

Không thể chỉ ngồi im đổ lỗi cho mạng xã hội đã “giành” mất miếng bánh kinh tế vốn béo bở trước đây; các cơ quan báo chí, kể cả được nhà nước “bao cấp” hay hạch toán một phần hoặc toàn bộ đều phải thay đổi, chuyển mình để có thể thích ứng, tồn tại trong bối cảnh mới đầy biến động.

Kinh tế báo chí trở thành vấn đề đau đầu với các cơ quan báo chí, với từng cán bộ, phóng viên, nhân viên, nhất là lãnh đạo mỗi tòa soạn. Việc tìm kiếm nguồn kinh phí để trang trải, vận hành bộ máy tòa soạn, từ việc thuê văn phòng (nhiều cơ quan báo chí không có trụ sở được cấp), chi trả lương, thưởng đến nhuận bút... cho đội ngũ cán bộ, nhân viên là việc không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp trong vòng 2 năm nay. Khó khăn xảy đến cũng là cơ hội, nhưng cũng khiến có nhà báo, cơ quan báo chí nhanh chóng, táo tợn tìm những phương cách phi báo chí, phi đạo đức nghề nghiệp để tác nghiệp, kiếm tìm nguồn lực vật chất để duy trì hoạt động nghề nghiệp, cũng như sự vận hành của bộ máy.

f6b0926b6794d720b18b454d75f48084.jpg
(Ảnh minh họa: nangluongcuocsong.vn)

Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận, không ít hạn chế, tiêu cực trong báo chí đã được “điểm mặt chỉ tên”, gióng lên những tiếng chuông báo động. Nổi cộm là hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; là sự thương mại hóa báo chí; là sự sa đà vào tuyên truyền, phản ánh các hạn chế, mặt trái, tiêu cực của đời sống xã hội; là sự “giật gân, câu khách” để câu view mà xao nhãng, lơ là việc chú trọng nội dung từng tác phẩm báo chí, cũng như các ấn phẩm báo chí thuộc các loại hình khác nhau.

Như chúng ta đã biết, kinh tế báo chí được hình thành từ các nguồn chủ yếu sau: Ngân sách nhà nước (đối với các cơ quan báo chí được bao cấp), bán báo (đối với báo in), quảng cáo, tài trợ, hợp tác tuyên truyền... Thế nhưng, trước sự “bành trướng” của mạng xã hội thời đại công nghệ số, nguồn thu từ bán báo, từ quảng cáo, tài trợ, hợp tác tuyên truyền... đều bị ảnh hưởng rất tiêu cực. Điều đó tác động trực tiếp đến nghề báo, đến từng thành viên trong mỗi cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh khó khăn ấy, không ít mặt trái, tiêu cực, góc khuất trong làng báo đã xuất hiện, với những “nhà báo đếm tầng”, “phóng viên IS”, “nhà báo kền kền”, hay những “thuật ngữ” làm hoen ố, vấy bẩn làng báo chân chính, như “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”... Việc lợi dụng nghề báo để “làm kinh tế báo chí” khiến không ít phóng viên, cộng tác viên của nhiều tờ báo bị sa lưới pháp luật vì các hành vi liên quan đến tống tiền doanh nghiệp, đơn vị, địa phương... Sự thật đáng xấu hổ này không khó kiểm chứng, bởi chỉ cần tìm kiếm trên Google trong thời gian ngắn có thể cho ra nhiều kết quả.

Ví dụ như các vụ việc xảy ra tại các địa phương như: Quảng Ninh (tháng 9/2020, liên quan đến phóng viên một tờ báo điện tử); Đắk Nông (đầu tháng 11/2020, liên quan đến trưởng đại diện khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và phóng viên một tạp chí điện tử); Ninh Bình (đầu tháng 12/2020, liên quan đến một số đối tượng có thẻ phóng viên của một cơ quan báo chí); Bắc Giang (cuối tháng 12/2020, liên quan đến phóng viên một tạp chí)... Ở những vụ việc đã bị cơ quan pháp luật phát hiện này, đa phần những người làm báo đã có hành vi lợi dụng quyền hạn của báo chí, nhũng nhiễu, đe đọa các tổ chức, cá nhân có sai phạm để vụ lợi.

Thực tế, ngoài những vụ vi phạm đã bị phát hiện, xử lý, dư luận xã hội và cả các cơ quan quản lý cũng đã không ít lần thừa nhận về thực trạng hết sức nhức nhối như đã nêu trên. Điều đó chỉ dấu nhiều âu lo, nhem nhuốc, đáng báo động trong hoạt động báo chí những năm gần đây.

Thực ra, cụm từ “nhà báo đếm tầng”, “nhà báo IS”, “đánh hội đồng”... là để chỉ những phóng viên xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo để vi phạm pháp luật, trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Với việc lợi dụng nghề nghiệp, dưới chiêu bài, mục đích cao cả, đại loại như: Điều tra, làm rõ, vạch trần, bóc gỡ, phanh phui sự thật..., không ít nhà báo đã tạo ra thứ gọi là “quyền lực đen” nhằm thực hiện các hành vi tống tiền cá nhân, tập thể, những quan chức lãnh đạo các cấp, các tập thể có vi phạm trong quá trình hoạt động.

Một số nhà báo tự cho mình có quyền lực để tự tung tự tác, thậm chí hoạt động vi phạm pháp luật như tìm kiếm thông tin về các tổ chức, cá nhân có vi phạm, sai phạm, thông qua hoạt động báo chí (yêu cầu làm việc để cung cấp, xác minh thông tin, thậm chí tổ chức viết, đăng tải thông tin...) nhằm đe dọa, tạo sức ép, buộc đối tượng có dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm, sai phạm phải ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông hoặc trắng trợn hơn là “tống tiền”.

Bên cạnh đó, việc quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo, thậm chí có cơ quan báo chí giao khoán nguồn thu, đặt nặng kinh tế báo chí dẫn đến việc cấp giấy giới thiệu không đúng quy định, không phù hợp tôn chỉ, mục đích. Đó là chưa kể đến việc một bộ phận cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí theo đuổi mục đích kiếm tiền, biến các cơ quan đại diện, nhà báo, cộng tác viên thành công cụ kiếm tiền cho tờ báo. Điều này buộc một số nhà báo bằng mọi cách phải kiếm tiền để phục vụ cho tờ báo của mình, đồng thời thực hiện hành vi trục lợi cá nhân...

Việc làm kinh tế báo chí như vậy chính là mặt trái của nghề báo, là góc khuất, khoảng tối trong hoạt động của một số nhà báo, cơ quan báo chí hiện nay. Tuy các biểu hiện, hành vi trên chỉ là cá biệt, là số ít, không phổ biến nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của đội ngũ những người làm báo chân chính, các cơ quan báo chí nói riêng cũng như bản chất tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. Hoạt động kinh tế báo chí như vậy rõ ràng là vụ lợi, phạm pháp, rất cần nhận diện, ngăn chặn kịp thời.

Hướng đi đáng tham khảo

Tuy nhiên, trong cơn khó khăn chung của báo chí - truyền thông, không ít hướng đi mới đã hé lộ. Hồi tháng 01/2021, Viện Nghiên cứu truyền thông Reuters và Đại học Oxford (Anh) công bố kết quả khảo sát về dự đoán và xu hướng công nghệ, truyền thông và báo chí 2021 cho thấy không ít số liệu đáng tham khảo về nhiều lĩnh vực, nhất là ứng dụng AI, Big Data, thu phí đọc báo trực tuyến.

Ví dụ, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của The New York Times Company, tờ New York Times đã lập kỷ lục cho hoạt động kinh doanh thuê bao của mình trong năm 2020. Cụ thể, trong quý IV/2020, doanh thu đăng ký kỹ thuật số (thu phí đọc báo điện tử) là 167 triệu USD, tăng 37% so với những tháng cuối năm 2019. Tính cả năm 2020, con số đó là 598,3 triệu USD, tăng 30% so với năm 2019...

Trước đó, New York Times cũng đứng đầu trong danh sách các cơ quan báo chí có nguồn thu từ việc kinh doanh thuê bao khi Mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP) công bố báo cáo đầu tiên về tình hình thu phí digital, vào tháng 6/2018. Trong số gần 10 triệu người trả phí để đọc báo điện tử, ngoài New York Times còn có một số tờ nhiều người đọc khác là: Wall Street Journal, Washington Post (Mỹ), Bild (Đức), Financial Times, Economist, Times of London (Anh), Aftonbladet (Thụy Điển). Hơn 1 năm sau, vào tháng 11/2019, bản cập nhật của FIPP cho thấy con số này đã tăng lên hơn 20 triệu thuê bao, gấp hơn 2 lần so với thời điểm tháng 6/2018.

thu-phi.jpg

Trong khi đó, báo cáo thường niên năm 2020 của Viện Nghiên cứu truyền thông Reuters và Đại học Oxford có công bố kết quả khảo sát về dự đoán và xu hướng công nghệ, truyền thông, báo chí cho thấy có tới 52% số lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định rằng, thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới...

Tất nhiên, việc thu phí không phải là dễ dàng, và không phải cơ quan báo chí nào cũng có thể thành công trong vấn đề này. Đơn giản, ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thói quen, nhu cầu, đối tượng công chúng, mỗi tờ báo cần có thông tin có giá trị thực sự, những tác phẩm báo chí độc quyền khiến công chúng buộc phải vui vẻ đăng ký trả tiền đọc tin tức dài hạn trên báo mạng điện tử (digital subscription), hay các hình thức thanh toán khác, thậm chí đọc bài nào trả tiền bài đó...

Ở Việt Nam, vào cuối tháng 3/2021, Tạp chí điện tử Ngày nay (ngaynay.vn) chính thức ra mắt báo thu phí trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một tạp chí điện tử tại Việt Nam ứng dụng các công nghệ số để tương tác và tìm kiếm sự ủng hộ từ bạn đọc.

Cụ thể, nếu muốn đọc, lưu trữ những sản phẩm được cho là đặc biệt trên chuyên mục Special Today (chuyên mục thu phí) trên ngaynay.vn, bạn đọc sẽ phải trả phí thông qua các nền tảng thanh toán trực tuyến như ViettelPay, Bank Plus, thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế... Trước đó, Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) là một trong những cơ quan báo chí trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thu phí bạn đọc đối với những sản phẩm báo chí mang tính chất chuyên biệt, chuyên sâu, độc quyền, được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí.

Nhìn chung, việc thu phí đọc báo điện tử ở Việt Nam vấp phải rào cản rất lớn là thói quen “đọc chùa” của đa số người đọc, trong khi các cơ quan báo chí lại chưa mạnh dạn tạo sự đột phá, khẳng định việc “bán” từng bài trên báo mạng điện tử có thể mang lại nguồn thu cho tòa soạn. Một vấn đề khác, nhiều cơ quan báo chí vẫn đang cố gắng thu hút bạn đọc miễn phí càng nhiều càng tốt, để có thể tìm kiếm từ các nguồn khác, như quảng cáo, hợp tác truyền thông, tài trợ...

Có thể cho rằng, dẫu còn không ít trở ngại, thách thức, khó khăn, nhưng việc thu phí báo điện tử chắc chắn là hướng đi rất đáng tham khảo trong việc đa dạng hóa nguồn thu của mỗi cơ quan báo chí, cũng như cả nền báo chí.

Vượt qua những trở lực này, chắc chắn một ngày nào đó bạn đọc muốn đọc thông tin đặc biệt trên báo điện tử cũng sẽ phải trả phí như khi đặt mua báo in truyền thống. Và khi ấy, rõ ràng, chất lượng báo chí cũng “đáng đồng tiền bát gạo” mới có thể khiến bạn đọc “móc hầu bao” trả phí, khiến các doanh nghiệp bỏ kinh phí để quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông vì những giá trị cốt lõi, thực tế chứ không phải chỉ là lượng người đọc, người xem, người nghe... cảm tính, khó đoán định./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)

Bài liên quan
  • Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí
    Bên cạnh những thành công nhất định trong thời gian qua, hiện nay, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, thậm chí là có biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ để tác động vào báo chí truyền thông nhằm những mục đích vụ lợi đang diễn ra.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế báo chí – Những góc khuất và hướng đi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO