Kinh tế sáng tạo và những thách thức phát triển tại Việt Nam

Bảo Bình| 17/06/2021 11:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo thống kê của hãng đầu tư mạo hiểm SignalFire, trên thế giới đang có khoảng hơn 50 triệu người xem mình là “người sáng tạo”. Mặc dù nền kinh tế sáng tạo chỉ mới ra đời cách đây một thập kỷ nhưng nó đã trở thành loại hình kinh doanh nhỏ phát triển nhanh nhất. Có một cuộc khảo sát đã cho rằng có 29% trẻ em Mỹ muốn trở thành ngôi sao YouTube, nhiều hơn số trẻ em (11%) mơ ước trở thành phi hành gia khi chúng lớn lên.

Kinh tế sáng tạo và những thách thức phát triển tại Việt Nam - Ảnh 1.

Kinh tế sáng tạo là loại hình kinh doanh nhỏ phát triển nhanh nhất. Ảnh minh hoạ

Kinh tế sáng tạo là gì?

Nền kinh tế sáng tạo (Creative economy), còn được gọi là nền kinh tế đam mê (passion economy), là loại hình doanh nghiệp xoay quanh những người sáng tạo nội dung độc lập, người quản lý và người xây dựng cộng đồng, bao gồm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, người viết blog và nhà quay phim, cộng với sự hỗ trợ của công cụ tài chính và phần mềm được thiết kế để giúp họ tăng trưởng và kiếm tiền.

Nói một cách đơn giản, nền kinh tế sáng tạo là một nền kinh tế được tạo ra bởi những người sáng tạo. Trong trường hợp này, những người sáng tạo không phải là các công ty truyền thông hay truyền hình lớn mà là những cá nhân độc lập, nhiều người trong số họ có một "studio" cơ bản, có thể được thiết lập ngay trong phòng ngủ.

Dễ hiểu hơn, chính các nhà sáng tạo nội dung sử dụng và kiếm tiền thông qua các nền tảng như YouTube, Instagram, Snapchat, Twitch, TikTok... đã tạo ra nền kinh tế này.

Có nhiều cách để các nhà sáng tạo kiếm tiền trên các nền tảng đó, chẳng hạn như chia sẻ doanh thu quảng cáo; phát nội dung được tài trợ; đăng ký trả phí; bán nội dung kỹ thuật số; buổi gặp mặt VIP...

Nền kinh tế sáng tạo vận hành như thế nào?

Nguyên tắc đằng sau nền kinh tế sáng tạo khá đơn giản. Đó là tạo ra các nội dung mới, sử dụng nó để kiếm tiền và tạo ra nền kinh tế của chính bạn

Những gì bạn tạo ra tùy thuộc vào bản thân bạn, nó có thể là những video hài hước, blog, vlog, âm nhạc, lớp học yoga, video "cách thực hiện". Đương nhiên, danh sách này là vô tận. Sau đó, bạn xuất bản nội dung bằng cách phân phối nội dung đó trên một trong các nền tảng kinh tế sáng tạo có sẵn như YouTube, Instagram, Clubhouse hay TikTok. Và rồi, những nội dung này có thể tạo ra nguồn thu nhập béo bở cho cá nhân người sáng tạo.

Quả thực Internet đã thay đổi mọi thứ và mở ra một nền kinh tế mới - nền kinh tế sáng tạo. Nhưng tại sao nền kinh tế sáng tạo lại phát triển nhanh chóng như thế? Một phần, là do công nghệ ngày càng phát triển, những tính năng ngày càng được cải tiến và cũng do nhu cầu tiếp cận thông tin của người sử dụng đã thúc đẩy sự nở rộ của nền kinh tế mới này.

Bạn muốn trở thành một nhà sáng tạo và thiết kế nội dung? Vậy tất cả những gì bạn cần là tham gia câu lạc bộ của những người sáng tạo, thiết bị thông minh, ý tưởng và sự sẵn sàng được người lạ đánh giá. Tất nhiên, không phải đơn giản! Để thành công, người sáng tạo phải là người kể chuyện một cách khác lạ, đáng kinh ngạc, làm việc hối hả không ngừng và là người lãnh đạo cộng đồng người hâm mộ của họ

Nền kinh tế sáng tạo cũng là một chủ đề chính trong một cuộc nói chuyện hồi tháng 3/2021 của PressClub với các diễn giả là Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Spotify, Daniel Ek và Giám đốc điều hành Shopify, Tobi Lütke. Theo Josh Constine, người dẫn chương trình của PressClub. Ông và ba diễn giả đã tìm hiểu lý do tại sao các nhà sáng tạo lại đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, làm thế nào mọi người có thể biến đam mê thành nghề nghiệp của họ và tại sao các nền tảng lại bổ sung ngày càng nhiều tính năng kiếm tiền hơn.

Mark Zuckerberg cũng cho rằng có rất nhiều thứ đang diễn ra trong nền kinh tế sáng tạo. Mạng xã hội Facebook hay Spotify và Shopify đều là những nền tảng quan trọng, mà trên đó người dùng có thể sáng tạo, biến đam mê sáng tạo đó của họ thành tiền, thành sự nghiệp. Josh Constine cho rằng nền kinh tế sáng tạo là một sự kết hợp văn hóa và thực tế là tất cả mọi người đều có thể cân nhắc gia nhập vào thế giới này, họ không cần phải có sáng tạo ở mọi lĩnh vực. Đôi khi, họ có thể chỉ cần thêm một chú thích hoặc một câu chuyện cười mới. Chẳng hạn, Mark Zuckerberg thích "thịt xông khói". Anh nói: "Tôi yêu thích nấu ăn và nướng thịt". Nếu không còn là CEO Facebook nữa, rất có thể Mark Zuckerberg sẽ nhận được khoản tài trợ lớn và trở thành một nhà sáng tạo trên các nền tảng và kiếm tiền từ sở thích nấu nướng đó!

"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều hy vọng rằng trong tương lai, nền kinh tế sẽ là nơi mà mọi người có thể theo đuổi sở thích và sự sáng tạo của mình, từ đó có thể có những công việc thú vị hơn", CEO Facebook nói. "Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào xây dựng được các mô hình kinh tế hỗ trợ một cách cơ bản tất cả những điều đó?" Và nền kinh tế sáng tạo là tất cả mọi thứ, tất cả các thể loại nội dung, chứ không chỉ có các nhạc sĩ hay những người tạo ra video và nội dung trực tuyến.

Mark cho rằng nhiều bài báo dạng "long-form" chi tiết, chuyên sâu và mang tính báo chí cao cũng là một dạng nội dung sáng tạo, và các tác giả có thể biến những tác phẩm đó thành sản phẩm trong nền kinh tế sáng tạo. Những công cụ trên mạng Internet, mà cụ thể là các nền tảng như Facebook hay Spotify, sẽ hỗ trợ biến nội dung, tác phẩm thành sản phẩm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, một điều quan trọng nữa của bất kỳ nền kinh tế nào, trong đó bao gồm cả nền kinh tế sáng tạo. Đó là sự phát triển sâu rộng và ổn định. Điều này sẽ có được theo thời gian. CEO Facebook cho biết mạng xã hội này có khoảng 200 triệu doanh nghiệp. Phần lớn họ là các doanh nghiệp nhỏ, sử dụng Facebook miễn phí. Facebook cũng chưa thống kê chính xác có bao nhiêu nhà sáng tạo trên nền tảng của họ. Ngoài những doanh nghiệp nhỏ góp mặt trên các nền tảng, còn có một số lượng lớn những người sử dụng chính cá tính, danh tính cá nhân của họ như một thương hiệu và họ đang sử dụng những nền tảng, dịch vụ để gia tăng sức ảnh hưởng cá nhân hoặc xây dựng cộng đồng, kiếm tiền như một công việc toàn thời gian.

"Tôi nghĩ trong những năm tới, xu hướng này sẽ còn mở rộng. Một phần lớn mọi người có thể trở thành những ông chủ hay nhân viên toàn thời gian trên nền kinh tế sáng tạo. Điều đó thật sự tuyệt vời", CEO Facebook nói. Biến đam mê thành sự nghiệp và nhiều người sẽ không còn muốn có một công việc truyền thống trong văn phòng nữa

Trong khi đó, Daniel Ek của Spotify cũng cho biết trong lĩnh vực audio này, họ đã có hơn 8 triệu nhà sáng tạo trên nền tảng và đến năm 2025, con số đó sẽ là khoảng 50 triệu nhà sáng tạo. Daniel Ek cho rằng sự bùng nổ số lượng nhà sáng tạo và những người đang thể hiện bản thân qua âm nhạc, qua podcasting, qua âm thanh, thật đáng kinh ngạc.

Nền kinh tế sáng tạo lớn như thế nào?

Theo thống kê và phân tích của SignalFire, có khoảng 50 triệu nhà sáng tạo trên mạng Internet toàn cầu. Trong đó, các nhà sáng tạo cá nhân chuyên nghiệp là khoảng 2 triệu, họ sản xuất nội dung toàn thời gian. Cụ thể, trên YouTube, trong số 31 triệu kênh trên YouTube, có gần 1 triệu người sáng tạo có hơn 10 nghìn người đăng ký. Trên Instagram, trong số 1 tỷ tài khoản trên Instagram, có khoảng 500 nghìn tài khoản có hơn 100 nghìn người theo dõi và được coi là những người có ảnh hưởng lớn. Trên Twitch, trong số 3 triệu người phát trực tiếp trên Twitch, có khoảng 300 nghìn người có trạng thái Đối tác hoặc Liên kết. Ngoài ra, có một số nhà sáng tạo cá nhân chuyên nghiệp khác, bao gồm các nhạc sĩ, người làm podcast, nhà văn, họa sĩ …, tổng cộng chiếm khoảng 200 nghìn người.

Trong khi đó, phần lớn các nhà sáng tạo trong nền kinh tế này là những cá nhân nghiệp dư, chiếm khoảng gần 46,7 triệu người. Họ kiếm tiền từ việc tạo nội dung bán thời gian.

Ban đầu, nền kinh tế sáng tạo chủ yếu bao gồm những người có một năng lực cụ thể nào đó và họ chia sẻ chúng trực tuyến. Tuy nhiên, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội sáng tạo, chẳng hạn như TikTok và YouTube, các ngôi sao mới đã xuất hiện mặc dù thiếu các kỹ năng sáng tạo, chẳng hạn như chuyên môn làm video. 2 triệu nhà sáng tạo cá nhân chuyên nghiệp có thể kiếm hơn 100 triệu USD/năm. Dịch COVID-19 trong năm qua thậm chí còn giúp các nhà sáng tạo nội dung tăng thu nhập.

Kinh tế sáng tạo và những thách thức phát triển tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiếm tiền từ việc dạy các kỹ năng của mình trực tuyến. Teachable, một nền tảng trong đó các thành viên thường phát các video hướng dẫn, đã phát hành dữ liệu liên quan đến người sáng tạo trên nền tảng của nó vào năm 2020. Theo đó, những người sáng tạo đã kiếm được tổng cộng 456,7 triệu USD trong năm 2020. Họ đã tung ra 183.744 khóa học mới và 17.686 sản phẩm huấn luyện. Giá trung bình của một sản phẩm huấn luyện là 167 USD và khoản thanh toán trung bình một lần cho một khóa học là 120 USD. Teachable đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD cho người sáng tạo vào năm 2021.

Vai trò của mạng xã hội trong nền kinh tế sáng tạo

Sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo. Chìa khóa để thành công với tư cách là người sáng tạo không phải là tạo nhiều nội dung mà chính là mạng xã hội phân phối. Mạng xã hội đã phát triển thành một phương pháp chia sẻ và phân phối nội dung mạnh mẽ do người sáng tạo sản xuất. Hơn hết, người sáng tạo cần một cộng đồng người hâm mộ gắn bó và mạng xã hội giúp cung cấp điều này.

Ngày nay, hầu hết các mạng xã hội đều khuyến khích chia sẻ video. Mặc dù ban đầu các nhà phát triển của YouTube không nghĩ rằng nền tảng của họ là một mạng xã hội, nhưng bây giờ đó thực chất là một mạng xã hội video. Mạng xã hội có thể là một nền tảng để người dùng chia sẻ ảnh, viết blog, chơi trò chơi xã hội, chia sẻ video, mạng kinh doanh, thế giới ảo, đánh giá và hơn thế nữa.

Thậm chí, mạng xã hội còn tăng gấp đôi vai trò, trở thành nền tảng lưu trữ cho người sáng tạo. Như chúng ta đã thấy, một số lượng lớn người sáng tạo đã trở thành người có ảnh hưởng, đặc biệt là trên Instagram và YouTube.

Ngoài ra, những người sáng tạo chia sẻ nội dung trực tiếp trên các trang như YouTube, Instagram và Twitch còn thường xuyên chia sẻ liên kết qua các trang xã hội khác như Facebook, Pinterest, Reddit và Twitter.

nền kinh tế sáng tạo giúp chính phủ giải quyết các vấn đề thất nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm

Những thách thức phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam

Nền kinh tế sáng tạo đã được nhiều quốc gia trên thế giới nhận thức rõ hơn, giúp phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia. Nghiên cứu của Công ty Tư vấn PwC cho thấy nền kinh tế sáng tạo sẽ có mức tăng trưởng cao hơn cả mức tăng trưởng trung bình của nền kinh tế thế giới nói chung. Cụ thể, kinh tế sáng tạo sẽ có mức tăng trưởng đạt 4,6% trong năm 2021; trong khi mức tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình năm 2021 được dự đoán là 4,2%.

Rõ ràng, nền kinh tế sáng tạo giúp các chính phủ giải quyết vấn đề thất nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm. Như trên đã nói, thống kê cho thấy hiện có khoảng 50 triệu người tham giao vào nền kinh tế sáng tạo, trong đó có 2 triệu người làm chuyên nghiệp toàn thời gian, số còn lại làm theo cách bán thời gian và tăng thêm thu nhập.

Việt Nam không thể nằm ngoài vòng quay phát triển của nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt trong thời đại kinh tế số, nhằm khuyến khích sáng tạo và phát triển kinh tế, tận dụng khai thác cơ hội công nghệ số.

Điểm đặc biệt của nền kinh tế sáng tạo là không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào năng suất lao động hay tài nguyên thiên nhiên, mà phần lớn dựa vào các ứng dụng công nghệ, các nền tảng mạng xã hội, các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Do vậy, để thúc đẩy kinh tế sáng tạo phát triển, chính sách, môi trường cạnh tranh bình đẳng, khả năng học hỏi và áp dụng công nghệ tối tân với tư duy đột phá sẽ là các yêu cầu cần có để nhiều cá nhân trở thành các nhà sáng tạo, trở thành ông chủ của chính mình trong nền kinh tế sáng tạo.

Vấn đề bản quyền và vi phạm bản quyền cũng là một thách thức của nền kinh tế sáng tạo. Thực tế cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam, việc vi phạm bản quyền sáng tạo của tác giả vẫn rất phổ biến. Do vậy, cần có các quy định pháp luật gắn với các chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan.

Ngoài ra, trong thời đại kỹ thuật số, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu "khởi nghiệp" kinh tế sáng tạo dễ dàng chỉ với một thiết bị thông minh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về quản lý: đó là quản lý thuế và đánh thuế với nguồn thu nhập được tạo ra trên các nền tảng mạng xã hội.

Thậm chí, quản lý nội dung cũng là một vấn đề đặt ra với nhà quản lý trong phát triển nền kinh tế sáng tạo. Câu chuyện về YouTuber Thơ Nguyễn tại Việt Nam vừa qua là một ví dụ. Rõ ràng, Thơ Nguyễn là một nhà sáng tạo nội dung trong nền kinh tế sáng tạo.

Theo trang Social Blade, website theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội, kênh YouTube của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỉ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng. Doanh thu có thể tương đương 16 tỉ đồng/năm, mỗi tháng khoảng 1,3 tỉ đồng.

Thơ Nguyễn, tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ, là một nữ YouTuber, nhà sản xuất video nổi tiếng với các video dành cho trẻ em được đăng tải lên kênh YouTube chính thức của mình với hơn 8 triệu người đăng ký và đã giành nút kim cương. Hồi tháng 3, YouTuber Thơ Nguyễn bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xử phạt 7,5 triệu đồng do có hành vi cổ xúy mê tín dị đoan thông qua video "xin vía học giỏi" trên mạng xã hội. Việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh xử phạt, YouTuber Thơ Nguyễn còn vấp phải sự phản đối từ dư luận do nhiều nội dung mang tính nhảm nhí, không phù hợp với đối tượng công chúng của kênh là trẻ em. Sau án phạt, gần 1.000 video trên kênh đã bị ẩn, chỉ còn video giải thích, tạm biệt và đến nay là video thông báo trở lại.

Câu chuyện về Thơ Nguyễn, cũng như những trường hợp YouTuber Việt trước đó từng bị cơ quan quản lý "tuýt còi" đặt ra bài toán quản lý nội dung cho nền kinh tế sáng tạo, làm sao để vừa đảm bảo chất lượng, vừa khuyến khích phát triển, sáng tạo nội dung và cuối cùng là thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo phát triển tại Việt Nam.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế sáng tạo và những thách thức phát triển tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO