Truyền thông

“Kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21” từ góc nhìn của năng lực hiểu biết về truyền thông

ThS. Nguyễn Thị Hồng Chi - Giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh 28/03/2024 14:18

Mạng xã hội đã và đang chứa đầy thông tin sai lệch. Để tồn tại và phát triển tích cực trong một thế giới đầy ắp thông tin và luôn luôn biến động không ngừng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những hiểu biết cơ bản về các kỹ năng thẩm định, phân tích thông tin, phân biệt giữa các hình thức truyền thông với những mục đích khác nhau.

Tóm tắt:
- Thế giới ngày càng gia tăng lo ngại về thông tin sai lệch và “ô nhiễm thông tin”.
- Cần nâng cao nhận thức về kiến thức và tầm quan trọng của kỹ năng hiểu biết về thông tin và truyền thông.
- Tham khảo và áp dụng một số quy tắc xác minh nguồn tin để không trở thành nạn nhân của thông tin xuyên tạc, sai lệch.
- Mối quan tâm về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nền tảng và phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự cởi mở và đối thoại trong không gian kỹ thuật số.

Thông tin sai lệch, tin giả có chủ đích hoặc không chủ đích đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia. Chính vì vậy, một cách để cố gắng hạn chế tác động tiêu cực của thông tin sai lệch, tin giả trong xã hội hiện đại chính là năng lực hiểu biết về truyền thông và thông tin. Đây chính là một kỹ năng không thể thiếu trong xã hội hiện nay và là “kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21”.

Gia tăng lo ngại về thông tin sai lệch và “ô nhiễm thông tin”

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện bởi Liên Hợp Quốc, hơn 85% người dân lo lắng về tác động của thông tin sai lệch trên môi trường trực tuyến và tin rằng nó đã gây tổn hại đến chính trị đất nước họ.

Trong một thế giới được thúc đẩy bởi sự kết nối và chia sẻ thông tin, con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng. Báo cáo công bố vào năm 2022 của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, thanh thiếu niên là lực lượng chính, là động lực kết nối toàn cầu, với 75% thanh niên từ 15 đến 24 tuổi trực tuyến vào năm 2022. Kịch bản này đã tạo ra những cơ hội chưa từng có để họ giao tiếp, học hỏi và giao lưu, chia sẻ thông tin, dữ liệu. Tính đến tháng 4 năm 2023, số lượng người dùng Internet trên toàn cầu đạt 5,18 tỷ, đương đương 64,6% dân số thế giới. Trong tổng số này, 59,9% là người dùng mạng xã hội tích cực.

Trong tương quan này, một cuộc khảo sát do Ipsos Group S.A (Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở chính tại Pháp) với 8.000 người ở các quốc gia bao gồm Áo, Croatia, Mỹ, Algeria, Mexico, Ghana và Ấn Độ cho thấy 56% người dùng Internet nhận được tin tức chủ yếu từ mạng xã hội, nhiều hơn so với TV (44%).

Phương tiện truyền thông xã hội là nguồn tin tức chính ở hầu hết mọi quốc gia, dù độ tin cậy vào thông tin mạng xã hội cung cấp thấp hơn đáng kể so với phương tiện truyền thông truyền thống.

Số người được hỏi cho biết mạng xã hội là nơi tin tức giả phổ biến nhất, trước các ứng dụng nhắn tin (38%), một niềm tin “phổ biến ở tất cả các quốc gia, nhóm tuổi, thành phần xã hội và sở thích chính trị”. Thông tin sai lệch phần lớn được coi là mối đe dọa cụ thể, nhất là những tác động tiêu cực, sai lệch đến tình hình chính trị của quốc gia. Đáng chú ý, những người trẻ tuổi và những người có thu nhập thấp cho biết, họ cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương trước điều này.

Bản tóm tắt chính sách về tính toàn vẹn thông tin trên nền tảng kỹ thuật số do Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 6/2023 nhấn mạnh, 75% văn phòng quốc gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về tình trạng “ô nhiễm thông tin”.

Tầm quan trọng của kỹ năng hiểu biết về thông tin và truyền thông

Thông hiểu kiến thức truyền thông đã trở thành một kỹ năng rất quan trọng mà thế hệ người tiêu dùng tin tức hiện nay cần phải nắm vững. Trước bối cảnh mọi cá nhân đều có thể dễ dàng trở thành nhà báo công dân hoặc người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, nơi thông tin có sẵn ở hầu hết mọi nơi. Việc nâng cao hiểu biết về truyền thông sẽ có thể đảm bảo rằng, người dùng sẽ biết cách thu thập, tiếp nhận, tiêu thụ và đọc thông tin từ các kênh phù hợp, chính xác và đưa ra quyết định sáng suốt.

Khả năng thẩm định thông tin là một trong những kỹ năng then chốt trong thế giới hiện đại. Khi có kỹ năng này, người dùng có thể thực hiện để phân biệt sự thật với những thông tin sai lệch, dối trá hoặc đã bị thao túng.

Khi các nền tảng trực tuyến trở nên dễ tiếp cận hơn để tạo nội dung và chia sẻ thông tin, thì sự gia tăng các chiến dịch đưa thông tin sai lệch và sự lan truyền của các thuyết âm mưu có đà phát triển. Do đó, đòi hỏi cơ quan chức năng ở các quốc gia buộc phải tăng cường nỗ lực cải thiện kỹ năng tư duy phản biện của cá nhân ở mọi lứa tuổi trong môi trường kỹ thuật số và nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng tin tức về các thuật toán bị chi phối trên không gian mạng.

Việc thiếu nhận thức về kiến thức thông tin và truyền thông dẫn dến nhiều cá nhân cho rằng nếu một cái gì đó có trên Internet thì nó vốn là sự thật.

UNESCO xác định năng lực hiểu biết về thông tin và truyền thông là khả năng khám phá, đánh giá và áp dụng thông tin cần thiết một cách thành thạo và có đạo đức; hiểu vai trò của các nhà cung cấp thông tin và truyền thông; đánh giá nội dung truyền thông một cách phê phán; và tương tác với các nguồn này để thể hiện bản thân, học hỏi liên tục và tạo ra nội dung đương đại. Nó liên quan đến một loạt năng lực và kỹ năng cần thiết để điều hướng bối cảnh kỹ thuật số rộng lớn và choáng ngợp, đưa ra quyết định sáng suốt và tham gia vào nội dung trực tuyến một cách có trách nhiệm.

Vấn đề đặt ra ở đây là để kiểm chứng được mức độ tin cậy của thông tin, cần có những nguyên tắc đáng lưu ý nào? Làm thế nào để không trở thành nạn nhân của thông tin xuyên tạc, sai lệch?

Một số quy tắc cơ bản, hữu ích được khuyến nghị giúp người dùng có thể dựa vào đó để tham khảo và áp dụng cho việc xác minh nguồn tin bao gồm: (1) Xác minh xem nguồn thông tin có đáng tin cậy hay không; (2) Kiểm tra tính trung thực và logic của tình huống, câu chuyện được trình bày; (3) Cần đảm bảo được rằng thông tin tương tự được đăng tải, được xác nhận từ một nguồn khác có tính tin cậy; (4) Cần phân biệt rõ ý kiến chủ quan của người phát tán thông tin, của tác giả - opinion với sự thật – fact; (5) Đặc biệt cần chú ý đến khuôn mặt, giọng nói giả hoặc cách thức hoạt động của Deepfake.

a1.png
Ảnh minh họa

Nâng cao cảnh giác, trang bị thêm kiến thức về Deepfake

Gần đây, mọi người bày tỏ lo ngại nhiều hơn về Deepfake, Cheapfake và sự lừa đảo trên mạng xã hội diễn ra ngày một tinh vi hơn. Cheapfake là thao tác đơn giản bằng hình ảnh và giọng nói bằng cách sử dụng các công cụ phổ biến hiện có, chẳng hạn như chương trình đồ họa hoặc ứng dụng di động. Những sửa đổi như vậy có thể được tạo ra chỉ vài phút. Trong hầu hết các trường hợp, chúng rất không hoàn hảo và một người có khả năng nhận thức trung bình sẽ nhận ra rằng chúng sai và bị dẫn dắt vào những hậu quả nghiêm trọng.

Mọi người đã biết cách tạo ra các bức ảnh ghép từ thế kỷ 19. Các bức ảnh đã được chỉnh sửa lại hoặc một số đoạn cắt được ghép lại thành một tổng thể. Điều này được thực hiện vì mục đích nghệ thuật và tuyên truyền, nhưng cũng nhằm mục đích thao túng. Ví dụ, có những tình huống được biết đến khi những người không mong muốn bị “cắt” trong các bức ảnh lịch sử. Tương tự, âm thanh có thể được chỉnh sửa theo cách tương tự - một tuyên bố hoàn toàn mới có thể được tạo ra từ các đoạn băng.

Trước đây, chỉ có các chuyên gia mới chịu trách nhiệm chỉnh sửa hình ảnh và âm thanh hiệu quả. Với sự ra đời của các chương trình và ứng dụng chỉnh sửa, bất kỳ ai cũng có thể chỉnh sửa tại nhà. Sửa đổi các tính năng ngoại hình, chỉnh sửa các thành phần nền, tăng tốc hoặc làm chậm video, thay đổi thứ tự các cảnh, ngày nay không có gì khó khăn.

Ngoài ra, âm thanh (riêng lẻ hoặc kết hợp với hình ảnh) có thể được cắt và “dán” lại với nhau để tạo ra chất lượng mới. Cách đây một thời gian, một đoạn video lan truyền trên Internet trong đó Greta Thunberg nói rằng cuộc khủng hoảng khí hậu không tồn tại. Video đã được chỉnh sửa và câu văn được đưa ra khỏi ngữ cảnh và trình bày theo cách giống như quan điểm của nhà hoạt động khí hậu này.

Làm cách nào để biết ảnh hoặc video đã được chỉnh sửa hay chưa? Như thường lệ, khi gặp những tài liệu có vấn đề, người tiêu dùng tin tức được khuyên là nên sử dụng tư duy phản biện và hoài nghi về nội dung tìm thấy. Trước hết, cần xem xét liệu rằng những gì chúng ta thấy và nghe có ý nghĩa hay không. Chúng ta cũng nên kiểm tra nguồn, tác giả, ngày tháng và bối cảnh xuất bản, và chú ý kiểm tra, xác minh xem nó có xuất hiện trong các nguồn đáng tin cậy khác hay không. Ai đó có thể đã xác định hình ảnh hoặc video đó là giả mạo.

Trẻ em, thanh thiếu niên và người già đặc biệt dễ bị lừa đảo Deepfake. Thông thường nguyên nhân là do kiến thức kém về công nghệ hoặc thiếu nhận thức về những rủi ro liên quan đến việc phát tán Deepfake.

Mối quan tâm về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nền tảng

Không thể phủ nhận Internet, phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp. Đây cũng là môi trường lý tưởng, thuận tiện để trao đổi thông tin do đặc trưng bởi tính tương tác và khả năng xuất bản nội dung nhanh chóng.

Nhưng “Internet đã thay đổi xã hội của chúng ta một cách sâu sắc như báo in đã làm, đòi hỏi phải hình dung lại sâu sắc về đạo đức và tư duy mà chúng ta tiếp cận kiến thức, giao tiếp và gắn kết.” - Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Do đó, đòi hỏi mối quan tâm về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nền tảng và phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự cởi mở và đối thoại trong không gian kỹ thuật số.

Để trở thành một người trưởng thành hoạt động trong một xã hội thông tin và trung gian, người ta cần có khả năng phân biệt giữa các hình thức truyền thông khác nhau và biết cách đặt những câu hỏi cơ bản về mọi thứ chúng ta xem, đọc hoặc nghe. Năng lực hiểu biết về truyền thông giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thông điệp mà chúng ta đang nhận được từ các phương tiện truyền thông. Đây cũng là một phần không thể thiếu của “kỹ năng thế kỷ 21”. Để hạn chế việc lây lan tin giả, ảnh hưởng xấu đến xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến thông tin sai lệch, đòi hỏi nỗ lực từ chính phủ, nền tảng kỹ thuật số, trường học, thư viện, giới học thuật và truyền thông. Tất cả phải nỗ lực liên kết nhằm trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng liên quan đến truyền thông, đến thẩm định tin tức.

Hiểu biết về truyền thông cho phép mọi người có những kỹ năng, năng lực và sự hiểu biết về cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng, cách đánh giá thông tin tốt nhất, cách tạo ra các thông điệp và cách chúng được trình bày để phù hợp với các mối quan tâm khác nhau. Những nỗ lực và quan tâm này góp phần củng cố việc trang bị kiến thức đảm bảo thế hệ tương lai của chúng ta có thể vượt qua nghịch cảnh và kiên cường trước những rủi ro mà họ gặp phải.

Tài liệu tham khảo:

1. Ahmed, S. (2021b). Navigating the maze: Deepfakes, cognitive ability, and social media news skepticism. New Media & Society, 14614448211019198.

2. Ahmed, S. (2021c). Who inadvertently shares deepfakes? Analyzing the role of political interest, cognitive ability, and social network size. Telematics and Informatics, 57, 101508

3. Gosse, C., & Burkell, J. (2020). Politics and porn: How news media characterizes problems presented by deepfakes. Critical Studies in Media Communication, 37, 497–511.

4. Graber, D. A. (1990). Seeing is remembering: How visuals contribute to learning from television news. Journal of Communication, 40, 134–155.

5. Gregory, S. (2021). Deepfakes, misinformation and disinformation and authenticity infrastructure responses: Impacts on frontline witnessing, distant witnessing, and civic journalism. Journalism, 14648849211060644.

6. https://www.theguardian.com/technology/2023/nov/07/85-
of-people-worry-about-online-disinformation-globalsurvey-fids

7. https://www.un.org/en/countering-disinformation?gclid=
Cj0KCQiA4NWrBhD-ARIsAFCKwWsH6b8SPC75Q82_5JB4_
YArCiLnIf1ofgsl_bUdwV11drj0jw6kVowaAgYyEALw_wcB

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
“Kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21” từ góc nhìn của năng lực hiểu biết về truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO