Khởi nghiệp

Kỳ vọng thị trường đầu tư startup tại Việt Nam khởi sắc trở lại từ 2024

Thế Phương 13:50 09/02/2024

Nếu như năm 2023 là một năm “ảm đảm’ thì sang năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu dần hồi phục, quỹ đầu tư ThinkZone kỳ vọng thị trường đầu tư startup Việt Nam sẽ khởi sắc hơn từ thời điểm 6 tháng cuối năm.

Xe điện, AI, chuyển đổi xanh sẽ là “đại dương xanh” về thu hút đầu tư

Đánh giá về thị trường đầu tư khởi nghiệp năm 2023 tại Việt Nam, ông Đoàn Hải Nam, Quản lý Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của ThinkZone Ventures cho biết, năm nay, hoạt động này có sự sụt giảm đáng kể, trong đó tổng giá trị vốn đầu tư giảm 34% và số lượng thương vụ đầu tư giảm 11% so với 2022. AI

Lý do chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm này đến từ tình trạng lãi suất cao trong năm 2023 làm tăng chi phí vốn của các doanh nghiệp (DN) lớn trong nhiều lĩnh vực chiếm cơ cấu cao trong nền kinh tế như tài chính, sản xuất, bán lẻ,… Chi phí vốn tăng khiến biên lợi nhuận của các DN này giảm mạnh, từ đó giảm lượng vốn dành cho đầu tư.

“Trong khi đó, nhóm các DN lớn này lại chính là nguồn vốn của các quỹ đầu tư khởi nghiệp, khiến quy mô đầu tư khởi nghiệp ở cả thế giới và Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2023”, ông Nam chia sẻ thêm.

Dù vậy, so với năm 2022, một số lĩnh vực có quy mô thị trường lớn như công nghệ tài chính (Fintech) và công nghệ giáo dục (Edtech) trong năm 2023 vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư của các quỹ đầu tư.

Nếu như Fintech vẫn nhận được sự quan tâm từ trước đến giờ thì sự thu hút nhà đầu tư của Edtech đến từ việc giáo dục vẫn luôn là một thị trường lớn ở Việt Nam, với tổng chi tiêu cho giáo dục năm 2022 lên tới 15,1 tỷ USD. Đồng thời, chủ trương chuyển đổi số (CĐS) và nâng cao hiệu quả giáo dục của chính phủ mở ra nhiều cơ hội cho các startup Edtech, đưa thị trường đạt quy mô ước tính 3 tỷ USD năm 2023, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20,2%.

screenshot-2024-02-06-at-10.02.39.png
Chủ trương CĐS và nâng cao hiệu quả giáo dục của chính phủ mở ra nhiều cơ hội cho các startup Edtech, đưa thị trường đạt quy mô ước tính 3 tỷ USD năm 2023.

Thêm vào đó, sự đề cao giáo dục trong văn hóa gia đình Việt Nam, thể hiện qua tỷ lệ chi tiêu cho việc học của con cái chiếm từ 30 - 40% tổng thu nhập, tạo nên một nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường giáo dục.

“Mặc dù nền kinh tế năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức, giáo dục vẫn là lĩnh vực thiết yếu trong mỗi gia đình. Sự ổn định trong chi tiêu của phụ huynh đối với giáo dục giúp các công ty Edtech duy trì được mức tăng trưởng ổn định và thu hút được nguồn vốn đầu tư cần thiết”, ông Nam chia sẻ thêm.

Ngoài ra, một số lĩnh vực mới nổi lên trong 2023 như xe điện, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh,… cũng thu hút vốn đầu tư. Các lĩnh vực này nổi lên do sự phát sinh của các nhu cầu thị trường mới hay sự ra đời của các công nghệ mới. Điều này cũng giúp mở ra cơ hội cho cả startup và các nhà đầu tư muốn khai phá những “đại dương xanh” này.

Kỳ vọng vào sự quan tâm của DN lớn trong nước từ vòng Series B

Khi được hỏi về việc “mùa đông gọi vốn” ảnh hưởng như thế nào đến việc xuất hiện thêm những kỳ lân công nghệ ở Việt Nam, ông Nam cho rằng, trong bối cảnh gọi vốn trở nên thách thức, các nhà đầu tư thường hướng tới các khoản đầu tư có quy mô nhỏ hơn nên đã gây khó khăn cho các startup giai đoạn trưởng thành trong việc huy động vốn lớn. Hệ quả là quá trình xuất hiện các kỳ lân công nghệ tại Việt Nam diễn ra chậm hơn, do việc tiếp cận nguồn vốn cần thiết để tăng trưởng và mở rộng gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện tại, việc huy động vốn cho các dự án Series B trở lên thường yêu cầu quy mô vốn đáng kể. Đáng chú ý, phần lớn nguồn vốn này đến từ các nhà đầu tư quốc tế, bởi sự tham gia của các DN lớn trong nước vào lĩnh vực đầu tư startup vẫn còn khá hạn chế.

Tuy nhiên, ThinkZone lạc quan về triển vọng trong thời gian tới. Khi mà các startup công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được quy mô lớn hơn và khẳng định giá trị trong quá trình CĐS. Đồng thời, các startup còn có khả năng hỗ trợ các DN truyền thống cải thiện dịch vụ khách hàng.

“Nhờ đó, chúng ta có thể kỳ vọng gia tăng sự quan tâm từ các DN trong nước tham gia vào quá trình đầu tư cho giai đoạn Series B, Series C…”, ông Nam bày tỏ.

Sự tham gia tích cực của các DN lớn không chỉ mang lại nguồn vốn mạnh mẽ cho các startup mà còn mở ra cơ hội hợp tác, kết nối các startup với hệ sinh thái rộng lớn của các DN này. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho các startup mà còn tạo ra cơ hội thoái vốn hấp dẫn cho các nhà đầu tư, góp phần nuôi dưỡng một môi trường đầu tư đa dạng và phong phú.

396863432_665968715517262_185796596049259692_n.jpg
Theo quỹ ThinkZone, GIMO là một trong những startup đáng chú ý của năm 2023 khi đã duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng và gọi vốn hơn 17 triệu USD thành công vào tháng 7.

Sẽ có thêm kỳ lân công nghệ thuộc lĩnh vực Fintech, Edtech

Về thị trường đầu tư năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu dần hồi phục, cùng với nhiều dự báo từ giới chuyên gia cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất, ThinkZone kỳ vọng thị trường vốn sẽ dần năng động trở lại từ nửa cuối năm 2024.

“Dự kiến, hoạt động đầu tư vào các startup sẽ có sự tăng trưởng so với năm 2023. Mặc dù có thể chưa đạt đến mức quy mô và số lượng của năm 2022, nhưng triển vọng này vẫn là tín hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi và động lực mới cho thị trường”, ông Nam chia sẻ thêm.

Tiếp theo, trong khoảng 3 - 5 năm tới, những startup có tiềm năng trở thành kỳ lân thường là những công ty đã giai đoạn trưởng thành, với thị trường tiềm năng rộng lớn và đã chứng minh được khả năng tăng trưởng bền vững ở quy mô lớn. Tại Việt Nam, các startup này chủ yếu thuộc những lĩnh vực có quy mô thị trường đáng kể, nổi bật là các ngành Edtech và Fintech với các sản phẩm và dịch vụ đã tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng.

Trong danh mục đầu tư của ThinkZone, GIMO là một trong những startup đáng chú ý của năm 2023 khi đã duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng và thành công trong việc gọi vốn Series A với số tiền lên tới 17 triệu USD vào tháng 7.

Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công này, nhưng điểm nổi bật là sản phẩm nhận lương linh hoạt của GIMO đáp ứng nhu cầu thiết yếu và phổ biến của người lao động chưa được tiếp cận với các sản phẩm tài chính đa dạng. Điều này giúp công ty không chỉ duy trì mà còn tăng trưởng mạnh mẽ, ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.

Cùng với đó, GIMO đã quản trị dòng tiền một cách hiệu quả, tối ưu hóa chi phí hoạt động, làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư trong quá trình gọi vốn.

Bên cạnh đó, GIMO cũng thể hiện tầm nhìn xa trong việc phát triển sản phẩm, nhằm giải quyết các khó khăn tài chính cho hàng triệu người lao động Việt Nam. Chiến lược sáng tạo và thấu đáo của công ty đã thuyết phục được các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đầu tư vào tầm nhìn lớn và tiềm năng của GIMO./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam - Khẳng định thương hiệu quốc gia
    Trên hành trình dài của mình, thương hiệu Bưu điện Việt Nam (BĐVN) khẳng định vai trò là một doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bưu chính, trở thành biểu tượng tin cậy của khách hàng, người dân và xã hội và được sự công nhận của Chính phủ và chính quyền các cấp.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng thị trường đầu tư startup tại Việt Nam khởi sắc trở lại từ 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO