Làm bạn với sách và những ngày đầu gian nan
Dự án làm bạn với sách (LBVS) được triển khai đầu tiên vào năm 2008. Bối cảnh cách đây 15 năm mang lại nhiều thách thức cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu của dự án.
Tại thời điểm đó, người Việt Nam được đánh giá là đọc sách quá ít, khoảng 4 cuốn/năm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM) công bố, dẫn lại từ báo Vietnamnet bản tiếng Anh đăng ngày 8/6/2016, số đầu sách bình quân một người Việt Nam đọc hàng năm là khoảng 4 cuốn, trong đó có 2,8 cuốn sách giáo khoa, còn lại khoảng 1,2 cuốn sách loại khác.
Một thống kê khác được đăng trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị ngày 19/4/2019 cho thấy người Việt Nam đọc bình quân khoảng 4,2 cuốn sách và chỉ bằng 1/3 số đầu sách mà người Malaysia đọc trong một năm (12 cuốn). Cũng theo báo này nếu xét về số giờ hàng tuần dành cho việc đọc sách con số này đối với người Việt Nam rất khiêm tốn (1 giờ/tuần) so với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác (Ấn Độ 11 giờ/tuần, Nhật Bản 4 giờ/tuần...).
Thậm chí, theo số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê trong ba năm 2016, 2017 và 2018 cho thấy bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách, trong đó trên 300 triệu bản là các loại sách giáo khoa, giáo trình phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu cho 2,2 triệu học sinh (HS), sinh viên trên cả nước. Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách (theo báo điện tử VOV đăng ngày 15/4/2019).
Báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/ năm, tức là đọc chưa đến 1 cuốn sách (báo Vietnamnet.vn đăng ngày 12/4/2013). Đó là những thông tin và vài kết quả thống kê về việc đọc sách của người Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2019. Từ thực trạng đó, có thể nhận định rằng trong bối cảnh trước khi Dự án LBVS triển khai tại các trường (trước năm 2008) thì những con số này còn khiêm tốn hơn.
Thứ hai, rào cản về nhận thức của các đơn vị giáo dục, bao gồm cả Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, ban giám hiệu và thầy cô ở các trường học, nhất là giai đoạn đầu khi triển khai Dự án LBVS. Việc thuyết phục các trường học đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa không dễ dàng vì không ít giáo viên cho rằng đây là việc làm thêm giờ, làm mất thời gian, lãnh đạo trường gặp khó khăn trong việc tìm nguồn lực hỗ trợ nên chỉ dừng lại ở việc động viên, khuyến khích là chính.
Thứ ba, chương trình học chính khóa ở các trường chưa có tiết đọc sách và thiếu vắng các hoạt động liên quan đến đọc sách. Theo mô hình hoạt động của thư viện trường học kiểu truyền thống, cán bộ thư viện ở các trường học thường tập trung làm nghiệp vụ như ghi chép biên mục sách, lập danh sách mượn - trả mà thiếu vắng năng lực tổ chức hoạt động thư viện như hướng dẫn việc đọc sách, kể chuyện và các hoạt động sáng tạo khác liên quan đến sách,... Chính sự nghèo nàn về lượng sách và thiếu vắng các hoạt động đọc sách ở trường học đã không tạo được môi trường lành mạnh để bồi dưỡng thói quen đọc sách của HS.
Thứ tư, không gian thư viện trường học thường nhỏ hẹp, phần lớn tận dụng từ phòng học cũ, vị trí không phù hợp; đầu sách hạn chế, phần lớn là sách giáo khoa và sách tham khảo. Cơ sở vật chất có nhiều hạn chế nên không đáp ứng được nhu cầu đọc của HS. Vị trí không phù hợp làm cho HS ngại đến thư viện. Bên cạnh đó, sách trong thư viện thường rất nghèo nàn và chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo nên không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí HS, nhất là HS cấp tiểu học. Điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc HS ít mặn mà với sách và không muốn đọc sách tại trường học.
Thứ năm, gia đình chưa chú trọng bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con em mình, điều này được thể hiện ở thực trạng đầu tư tủ sách, kệ sách và thói quen đọc sách trong gia đình. Tivi, tủ rượu hoặc thậm chí những thiết bị đắt tiền thường hiện diện ngay trong nhà nhưng lại thiếu vắng giá sách, tủ sách, ngay cả đối với nhiều gia đình ở các vùng đô thị. Ba mẹ không đọc sách hoặc rất ít đọc sách cũng khó làm gương cho con cái trong khi môi trường gia đình đóng vai trò rất quan trọng để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam trước bối cảnh trước khi thực hiện Dự án LBVS nhận định: "Khi bắt đầu dự án, chúng tôi truy cập internet thì thấy con số thống kê đọc sách bình quân của người dân Việt Nam là 0,8 cuốn/người/năm. Và lực lượng đọc chủ yếu là học sinh sinh viên. Trong số đó phần lớn là sách giáo khoa.
Ở các trường, việc đọc sách ít diễn ra mặc dù có thư viện. Thư viện chỉ là một kho chứa sách, và phần lớn sách trong thư viện là sách tham khảo. Đầu sách hạn chế dẫn đến việc đọc của HS theo đó cũng hạn chế.
Các trường cũng chưa có giờ đọc sách chính khóa, cho nên có ít HS đến đọc sách ở thư viện. Một số trường có tổ chức đọc sách nhưng vì HS chưa hiểu được lợi ích của việc này nên các bạn tham gia rất miễn cưỡng...".
Đại diện BGH Trường TH Số 2 Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: "Trước đó, nhà trường chủ yếu đầu tư vào công tác dạy học, ít quan tâm đến việc đọc sách nên số lượng học sinh tham gia đọc cũng ít. Sau khi dự án triển khai tại trường, số lượng học sinh tham gia đọc sách đông hơn. Học sinh hào hứng hơn với việc đọc sách nhờ những thay đổi về cơ sở vật chất, nhờ vào việc gia tăng số lượng sách cũng như nhờ vào sự đa dạng về đề tài sách...".
BGH Trường TH Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Khó khăn ban đầu là thời gian dành cho việc đọc sách còn ít. Trước khi thực hiện dự án, nhà trường chưa có tiết đọc sách chính khóa và nguồn sách còn rất hạn chế. Sự quan tâm của gia đình về việc đọc sách của các em là rất thấp. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn có suy nghĩ rằng chỉ muốn con em mình tập trung việc học. Họ sợ con em mình đọc sách nhiều sẽ xao nhãng việc học...".
Một hành trình dựng xây văn hóa đọc đầy nỗ lực
Năm 2008, dự án LBVS bắt đầu thí điểm hỗ trợ cho 10 trường tiểu học tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế với hoạt động chủ yếu là trao tặng miễn phí sách, truyện thiếu nhi để các trường tổ chức đọc sách cho HS. Các hoạt động diễn ra khá đơn điệu và gặp thách thức do ngành giáo dục chưa có chủ trương đưa tiết đọc sách vào chính khóa, nhà trường thiếu cơ sở vật chất, cán bộ thư viện kiêm nhiệm nhiều việc… Trong muôn vàn khó khăn, khó nhất là làm sao tạo được sự nhận thức và đồng thuận giữa dự án với nhà trường và trong hội đồng sư phạm nhà trường.
Ban điều hành dự án cùng các thầy cô giáo đã thảo luận và cuối cùng quyết định chọn cụm từ "Làm bạn với sách" từ gợi ý của giáo viên để làm tên cho dự án với mong muốn học sinh được tiếp cận nhiều hơn và gần gũi hơn với sách.
Dùng hành động để lay động: Nhằm làm phong phú hoạt động đọc sách và kích thích hứng thú đọc sách cho HS, ngoài hỗ trợ sách dự án còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ khác cho các trường tham gia dự án. Ban điều phối Dự án LBVS đến tận trường học để tìm hiểu thực trạng, hướng dẫn cho nhà trường tổ chức hoạt động đọc sách, kể chuyện sách bằng phần mềm trình chiếu Powerpoint cho HS khối lớp 1 và lớp 2, thi kể chuyện sách cho toàn khối. Những hoạt động hỗ trợ này khiến cho thầy cô giáo cảm động, đồng thời giúp giáo viên các trường có điều kiện thâm nhập vào việc tổ chức thực hiện hoạt động đọc sách, hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa của việc tổ chức hoạt động đọc sách trong nhà trường.
Vươn lên tầm mới: Đến cuối năm 2010, khi hoạt động đọc sách tại các trường ở huyện Quảng Điền từng bước đi vào nề nếp, Dự án LBVS chuyển sang hỗ trợ nhà trường xây dựng thư viện. Sau nhiều lần thảo luận với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường, "Thư viện thân thiện" là cái tên được lựa chọn với mong muốn là xóa bỏ mọi rào cản về không gian, thời gian, phương tiện, thái độ và cách thức phục vụ… để giúp học sinh tiếp cận sách một cách thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, mô hình thư viện thân thiện lúc đó còn khá mới mẻ, chưa từng có tổ chức nào triển khai nên mọi công việc liên quan đều bắt đầu từ con số không. Với sự nỗ lực của tổ chức và các trường học, cuối năm 2010, thư viện thân thiện đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế do Zhi-Shan tài trợ được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Trên cơ sở thành công mô hình thí điểm đầu tiên, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như sự tích cực phối hợp về kinh phí đối ứng từ các địa phương và nhà trường, dự án đã nhanh chóng nhân rộng, hỗ trợ trang thiết bị thư viện thân thiện cho các trường còn lại trên địa bàn huyện Quảng Điền.
Dự án LBVS hướng đến ba mục tiêu chính: tạo hứng thú và bồi dưỡng thói quen đọc sách cho HS; rèn luyện và trang bị cho HS các kĩ năng học tập cơ bản (lắng nghe, tập trung, quan sát, lí giải, suy luận, biểu đạt và sáng tạo); hỗ trợ nhà trường cải thiện môi trường dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Những con số đáng mừng
Sau 15 năm triển khai mô hình đầu tiên tại ở huyện Quảng Điền, cho đến nay Dự án LBVS đã và đang mở rộng quy mô ra sáu tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi. Dự án LBVS đã góp phần bồi dưỡng thói quen đọc sách và xây dựng môi trường đọc sách cho 466 trường, tạo cơ hội cho gần 200.000 lượt HS tiếp cận và có cơ hội đọc sách hàng năm.
Ngoài các điểm trường mà Zhi-Shan hỗ trợ, nhiều địa phương đã không ngừng nhân rộng mô hình tủ sách lớp học, thư viện thân thiện và áp dụng các phương pháp của Zhi-Shan vào hoạt động của mình.
Hành trình của Dự án LBVS trải qua bốn giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2008 - 2010): tặng sách, túi sách, thùng sách cho các trường; tổ chức hoạt động đọc và kể chuyện cho HS theo phương pháp truyền thống; Giai đoạn 2 (từ năm 2010): hỗ trợ xây dựng thư viện thân thiện và thuyết phục ngành giáo dục ở các địa phương, các trường đưa đọc sách vào tiết học chính khóa; Giai đoạn 3 (từ năm 2017 - 2018): tham khảo, nghiên cứu và áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động đọc sách, chia sẻ và kể chuyện sách của tổ chức Reading Dreams (Hồng Kông) vào các trường học; Giai đoạn 4 (từ năm 2019 - nay): tham quan, tìm hiểu và học tập mô hình tổ chức đọc sách của Đài Loan (Trung Quốc); chỉnh lí và biên soạn các tài liệu liên quan đến hoạt động đọc sách; tập huấn kĩ năng tổ chức hoạt động đọc sách cho các trường học.
Hiện nay, dự án LBVS đã gây dựng được ở 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi) với 466 trường các cấp (TH, THCS và THPT). Thông qua dự án, gần 200.000 lượt HS hưởng lợi/năm học với 282 thư viện thân thiện được xây mới và sửa chữa bàn giao cho các trường. Dự án cũng đã trao tặng 2.485 tủ sách cho 184 trường. Đặc biệt 316.334 sổ tay đọc sách và cẩm nang bồi dưỡng thói quen và phương pháp đọc sách được trao tặng cho HS từ lớp 2-5.
Theo thống kê, tại các trường triển khai dự án LBVS, có đến gần 2,4 triệu lượt HS lên thư viện/năm học đọc, chia sẻ và kể chuyện mỗi năm. Gần 400.000 lượt học sinh chia sẻ sách/năm học; Gần 11.000 lần giáo viên kể chuyện sách/năm học. Bình quân hằng năm mỗi học sinh đọc 67 quyển sách. 20 tập thể trường, 20 giáo viên tổ chức hoạt động hiệu quả, và 3.500 HS có thành tích đọc xuất sắc được khen thưởng hàng năm.
Trong 15 năm thực hiện Dự án LBVS, tổng số kinh phí được Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tài trợ cho các trường học đối tác là 30,3 tỷ đồng. Số tiền tài trợ tăng trưởng nhanh qua từng năm với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 48,2%. Bên cạnh ngân sách tài trợ từ Dự án LBVS, những trường học là đối tác ở các địa phương tham gia chi đối ứng khoảng 35% để cùng thực hiện Dự án LBVS.
Số tiền tài trợ cho các trường trong Dự án LBVS trong giai đoạn 2008 - 2022 xét theo địa bàn lần lượt: hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 30% cho mỗi tỉnh, tương đương khoảng 9 tỷ đồng; hai tỉnh có tỷ trọng cao thứ hai là Nghệ An và Quảng Bình với khoảng 17% cho mỗi tỉnh, tương đương 5 tỷ đồng; tiếp theo là Quảng Trị với 3,9%, tương đương 1,2 tỷ đồng; cuối cùng là Quảng Ngãi với 2,6%, tương đương gần 800 triệu đồng.
Những dự án đọc sách hỗ trợ cộng đồng của Zhi-Shan Foundation Taiwan đã tạo đà cho những hoạt động đọc sách cho các trường học đi vào thực chất, không chỉ có tác động đối với những trường được dự án đầu tư mà còn lan tỏa đến những trường khác. Từ viện thân thiện đã cho ra đời những thư viện xanh, tủ sách lớp học, thư viện ngày hè. Đó là những đóng góp xã hội thiết thực và ý nghĩa.
Từ khi thành lập đến nay, Zhi-Shan Foundation Taiwan đã và đang triển khai hàng chục hợp phần dự án hỗ trợ về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ tái thiết… cho các khu vực khó khăn ở châu Á. Zhi-Shan được cấp phép hoạt động tại Việt Nam vào năm 1995. Đến năm 2004, Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam được chính thức thành lập tại thành phố Huế.
Hoạt động của Zhi-Shan tại Việt Nam được triển khai trên phạm vi sáu tỉnh miền Trung, bao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi với bảy dự án: Học bổng vượt khó, Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các trung tâm bảo trợ, Hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Phẫu thuật chỉnh hình miễn phí, Làm bạn với sách, Tình nguyện viên nước ngoài.../.