Thật vậy, AI đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả các thành phần trong xã hội thông qua những đổi mới như chăm sóc sức khỏe, giáo dục thích ứng và ứng phó khủng hoảng tối ưu. Chẳng hạn, cơ quan sức khỏe quốc gia Anh đã thiết lập cơ sở dữ liệu nhằm chia sẻ các hình ảnh chụp X-quang, chụp CT và MRI để hỗ trợ thử nghiệm và phát triển các công nghệ AI điều trị COVID-19 và một loạt các tình trạng sức khỏe khác.
Về phía sản xuất, các DN đã tăng năng suất và hoạt động hiệu quả thông qua việc sử dụng robot tự động trong sản xuất, chuỗi cung ứng được tối ưu hóa bằng AI và định tuyến hàng hóa thông minh với các phương tiện tự động, cùng nhiều sáng kiến khác. Ví dụ, nhiều công ty hậu cần đang sử dụng robot phân loại do AI hỗ trợ để tối ưu hóa hoạt động kho hàng của họ.
Các chính phủ cũng có thể khai thác sức mạnh của AI thông qua các dịch vụ được cá nhân hóa và các quy trình tự động. Hãy xem xét "Ask Jamie" của Singapore, một trợ lý ảo giúp công dân và DN điều hướng các dịch vụ của chính phủ trên khoảng 70 cơ quan chính phủ thông qua trò chuyện và giọng nói được hỗ trợ bởi AI.
Nhưng các chính phủ phải đối mặt với nhiều rào cản - bao gồm việc thiếu nhân tài chuyên môn, đầu tư hạn chế vào nghiên cứu và đổi mới AI, các quy định chưa rõ ràng về việc ứng dụng AI, liên quan đến vấn đề đạo đức, an toàn, minh bạch và lấy con người làm trung tâm trong tất cả các lĩnh vực - điều đó có thể ngăn chính phủ áp dụng AI và nắm bắt giá trị của AI. Thật vậy, khi phát triển các trường hợp sử dụng AI, điều quan trọng là các chính phủ phải chủ động xem xét và giải quyết các vấn đề như quyền riêng tư, rủi ro bảo mật và cạm bẫy đạo đức …
AI có thể có ý nghĩa khác nhau đối với những người, lĩnh vực khác nhau. Hệ thống AI có thể hiểu là bao gồm thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và robot tiên tiến. Chúng vừa tự chủ (thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà không có sự giám sát của con người) vừa thích ứng (cải thiện bằng cách "học hỏi" từ nhiều dữ liệu hơn).
Theo McKinsey Global Institute, trong tổng thể và tính toán các tác động cạnh tranh và chi phí chuyển đổi, bằng chứng ban đầu cho thấy rằng AI có thể mang lại sản lượng kinh tế toàn cầu khoảng 13.000 tỷ USD vào năm 2030, thúc đẩy GDP toàn cầu khoảng 1,2%/năm.
Những vấn đề các chính phủ cần xem xét cẩn thận khi ứng dụng AI
Tất nhiên, các chính phủ phải xem xét cẩn thận và giải quyết những rủi ro tiềm ẩn khi triển khai công nghệ AI. Những rủi ro này bao gồm những điều sau đây:
Sự riêng tư. Quyền riêng tư của khách hàng có được bảo vệ thông qua việc tuân thủ các quy định về quyền riêng tư dữ liệu của địa phương và toàn cầu không?
Bảo vệ. Mô hình AI có được bảo vệ toàn diện trước các lỗ hổng và rủi ro an ninh mạng không?
Công bằng. Mô hình AI có công bằng và hoàn toàn không thiên vị đối với tất cả các phân khúc khách hàng không?
Tính minh bạch và khả năng giải thích. Liệu chính phủ có thể giải thích cách thức hoạt động của mô hình AI và phương pháp mà nó sử dụng không?
An toàn và hiệu suất. Mô hình AI đã được kiểm tra đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu suất mong muốn chưa?
Rủi ro của bên thứ ba. Tất cả các nhà cung cấp và đối tác bên thứ ba có tuân theo các tiêu chuẩn quản trị và giảm thiểu rủi ro không?
Tăng cường năng lực AI thông qua con người, quan hệ đối tác, mua sắm
Carlos Santiso, người đứng đầu đơn vị phát triển chính phủ số trong ban giám đốc quản trị công của OECD, đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc thúc đẩy việc sử dụng AI hiệu quả, có trách nhiệm và đạo đức trong khu vực công. Theo ông, cuộc tranh luận hiện tại về AI có xu hướng tập trung vào tiềm năng của công nghệ đối với nền kinh tế số, tầm quan trọng của các quy định phù hợp với mục đích và vai trò của các chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý.
Thật vậy, các chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng dụng AI vì sự đổi mới, tăng trưởng và giá trị công cộng. Thông thường, mọi người chủ yếu nghĩ chính phủ có vai trò là những người triệu tập, xây dựng thỏa thuận xung quanh các định hướng chiến lược và cam kết thúc đẩy AI; hoặc chính phủ là các nhà tài chính, cung cấp kinh phí để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và áp dụng, bao gồm thông qua các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp dựa trên AI; hoặc các cơ quan quản lý, đảm bảo sự nhất quán của chính sách trên phạm vi quốc gia với các giá trị cơ bản của xã hội và quốc tế thông qua hợp tác quản lý.
Tuy nhiên, các chính phủ cũng là những tổ chức sử dụng chính AI để cải thiện hoạt động của bộ máy chính phủ và việc cung cấp dịch vụ công. Trọng tâm công việc của ban giám đốc quản trị công OECD là thúc đẩy vai trò của các chính phủ với tư cách là người sử dụng và cung cấp dịch vụ AI trực tiếp, từ đó các chính phủ sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho hoạt động nội bộ của chính phủ mà còn cho xã hội. AI, như một nhân tố thay đổi cuộc chơi cho các chính phủ, có khả năng thiết lập lại những điều này.
Để AI hoạt động thành công trong khu vực công, OECD đã chỉ ra 3 yếu tố cơ bản đối với các chính phủ trong quá trình theo đuổi AI. Đó là con người, quan hệ đối tác và quy trình mua sắm.
Con người
Thứ nhất, các chính phủ cần đầu tư vào con người và nâng cao năng lực nội bộ, đặc biệt là kỹ năng của công chức. AI sẽ vô nghĩa nếu không có trí thông minh của con người để ứng dụng đúng.
Điều kiện tiên quyết cơ bản để đổi mới với AI là hiểu được những ứng dụng tiềm năng của nó trong khu vực công, cũng như những tác động tiềm ẩn và sự đánh đổi. OECD nhấn mạnh thách thức trọng tâm này đối với nhiều chính phủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Không phải ai cũng nên trở thành chuyên gia về AI, nhưng hiểu được tiềm năng của AI rất quan trọng. Vì vậy, cần có những chương trình, những khóa bồi dưỡng về AI, như khóa học mở và miễn phí Elements of AI của Phần Lan giúp cả công dân và công chức hiểu rõ về AI.
Quan hệ đối tác
Thứ hai, các chính phủ cũng cần tăng cường năng lực hợp tác với các đối tác bên ngoài, chẳng hạn như các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ chính phủ (govtech) và các startup công nghệ, có thể tạo điều kiện thuận lợi hấp thụ các đổi mới kỹ thuật số trong các chính phủ, đặc biệt là ở cấp địa phương.
Những quan hệ đối tác như vậy có thể mang lại những cách giải quyết vấn đề mới. Ví dụ, CitizenLab, một startup govtech của Bỉ, sử dụng AI để tự động phân loại và phân tích hàng nghìn ý kiến đóng góp thu thập trên các nền tảng tham gia của công dân. Sau đó, công chức có thể dễ dàng xác định các ưu tiên của công dân và đưa ra quyết định phù hợp.
Quy trình mua sắm, đấu thầu
Quá trình tìm kiếm, thực hiện các điều khoản mua sắm, đầu tư vào công nghệ AI của chính phủ rất quan trọng. Đó là một công cụ chính sách trung tâm mà chính phủ có thể triển khai để thúc đẩy sự đổi mới và tác động đến việc phát triển các giải pháp phù hợp với chính sách và các giá trị cơ bản của xã hội.
Các công chức sẽ cần học các phương pháp và cách tiếp cận mua sắm mới. Ví dụ, Chỉ thị đổi mới mua sắm công của Chi-lê giúp các công chức tận dụng các cách tiếp cận đổi mới hơn đối với mua sắm công và đáp ứng các nhu cầu về sản phẩm và công nghệ mới. Sổ tay TechFAR của Mỹ cũng nêu bật tính linh hoạt trong các quy định mua sắm, cho phép các cơ quan làm việc với các công ty khởi nghiệp và tiến hành phát triển dịch vụ theo hướng người dùng.
Các chính phủ cũng cần nỗ lực tập trung hơn để tạo điều kiện hợp tác nhiều hơn giữa các cơ quan chính phủ và các công ty khởi nghiệp govtech để thúc đẩy đổi mới số, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và đa dạng hóa các nhà cung cấp công nghệ.
Theo tư vấn của OECD, các chính phủ nên tư duy việc mua sắm AI như một chiến lược, chẳng hạn như xây dựng các chiến lược quốc gia về công nghệ chính phủ. Chiến lược đổi mới công nghệ của chính phủ Anh là một ví dụ hàng đầu, đề cập đầy đủ các khía cạnh về con người, quy trình, dữ liệu và công nghệ để thúc đẩy các nỗ lực govtech, bao gồm cả AI.
Hạn chế lớn nhất trong việc xây dựng quan hệ đối tác và mua sắm AI tốt hơn, đặc biệt là với các công ty khởi nghiệp govtech, là chuyên môn bên ngoài cần phải phù hợp với chuyên môn nội bộ. Nghĩa là, các công chức và nhà lãnh đạo cần có các kỹ năng phù hợp để có thể hợp tác và gắn kết với các đối tác bên ngoài./.