Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, CĐS
Triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số, tài khoản điện tử đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về CĐS. Như vậy, Lạng Sơn là một trong sáu tỉnh trong cả nước đã ban hành Nghị quyết về CĐS.
Suốt từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhiều dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh đã bị ngừng trệ, hoạt động y tế, giáo dục, dân sinh… đảo lộn, phương thức truyền thống không thể giải quyết những vấn đề này. Trong bối cảnh ấy, công nghệ số nổi lên, đi vào cuộc sống với vai trò là sứ mệnh, là giải pháp hữu hiệu thích ứng với những khó khăn, thách thức.
Năm 2021, công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, CĐS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã đẩy mạnh các cuộc họp trực tuyến, đẩy mạnh triển khai 100% dịch vụ công (DVC) đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; các hệ thống dùng chung của tỉnh đảm bảo duy trì, hoạt động tốt phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống DVC trực tuyến và một cửa điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến,... hoàn thành Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành thông minh (IOC) của UBND tỉnh; hoàn thành xây dựng cổng khai thác dữ liệu CĐS tỉnh Lạng Sơn.
"Hệ thống IOC đi vào hoạt động truyền đi thông điệp mang ý nghĩa lớn lao thể hiện sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh trong việc xây dựng một chính quyền phục vụ người dân và vì người dân. Hệ thống IOC là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy CĐS, tạo ra sự thay đổi đột phá trong hoạt động của chính quyền tỉnh Lạng Sơn. Nhiệm vụ CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có 5 trụ cột thực hiện triển khai đồng thời là CĐS trong cơ quan Đảng; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số", ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh tại lễ khai trương Trung tâm IOC tỉnh Lạng Sơn.
Kết quả xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (ICT INDEX) trong năm 2020, Lạng Sơn xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 01 bậc so với năm 2019).
Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ TT&TT đánh giá chỉ số CĐS (Digital Transformation Index - DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Lạng Sơn xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lạng Sơn là tỉnh nhanh nhất về xây dựng chính quyền số, và là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đưa 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4. Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai tập trung thống nhất trong toàn tỉnh tại 228 cơ quan, đơn vị (trong đó có 17 sở, ngành; 11 huyện, thành phố; 200 xã, phường, thị trấn). Ngoài ra, còn tích hợp DVCTT của Kho bạc Nhà nước Lạng Sơn và Điện lực Lạng Sơn để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện tại, Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh cung cấp 1.773 DVCTT, trong đó có 479 DVCTT mức độ 2, 326 DVCTT mức độ 3 và 968 DVCTT mức độ 4. Thống kê trên Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, từ ngày 01/01/2021 đến nay đã tiếp nhận 105.413 hồ sơ, đã giải quyết 100.217 hồ sơ; tổng số hồ sơ tiếp nhận mức độ 3, 4 là 89.079 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 20.452 hồ sơ (đạt 19,4%).
CĐS toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, chương trình CĐS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng được nền tảng số dùng chung 06 ngành: ngành Giao thông vận tải quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cầu đường, bến bãi; ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quản lý thông tin về tài nguyên, khoáng sản, môi trường, quy hoạch và sử dụng đất; ngành Nội vụ quản lý địa giới hành chính; ngành TT&TT quản lý hạ tầng viễn thông thụ động; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nông nghiệp, thủy lợi, đê điều, quản lý rừng; ngành Xây dựng quản lý quy hoạch.
Về CĐS ngành TN&MT, tỉnh đã xây dựng nền tảng số cho hệ thống mạng lưới IoT quan trắc môi trường. Mục tiêu 100% các điểm quan trắc môi trường được triển khai, thiết lập mạng lưới IoT để thu thập thông tin lấy mẫu từ xa, khí thải, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường để đưa ra cảnh báo, dự báo dựa trên AI, dữ liệu lớn. Hiện nay, đã thực hiện khảo sát xong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, môi trường, khoáng sản; đang triển khai thí điểm Cổng thông tin dữ liệu đất đai tỉnh Lạng Sơn.
Về CĐS ngành Tài chính - Kế hoạch, nền tảng số quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản được xây dựng để quản lý, ứng dụng cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị nhằm theo dõi toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (hồ sơ, giấy tờ, thẩm định, tổng mức đầu tư, tiến độ giải ngân...) triển khai đến các Chủ đầu tư/BQL dự án.
Bên cạnh đó, nền tảng số quản lý giá (quản lý giá vật liệu, vật tư, giá đất....) cũng được đưa vào sử dụng, tạo kho dữ liệu về giá trên toàn tỉnh để để các Sở, ban, ngành khai thác dữ liệu về giá thuộc phạm vi của ngành; xây dựng, nâng cấp CSDL quản lý dự toán và điều hành quyết toán thu - chi ngân sách trên nền tảng di động, lập dự toán, giao dự toán, các khoản chi trong năm, các khoản chi đã thực hiện; xây dựng nền tảng số quản lý tài sản công tập trung, quản lý tài sản công của các đơn vị dự toán, cơ quan tài chính trên địa bàn toàn tỉnh để theo dõi được số liệu tổng hợp thông tin tình hình tăng giảm tài sản.
Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc đưa toàn bộ hoạt động quản lý dạy, học của 675/675 trường, với gần 20.000 giáo viên, 200.000 học sinh, hơn 8.000 lớp lên một nền tảng số. 100% giáo viên được cấp chữ ký số (CKS) miễn phí để sử dụng học bạ điện tử và bảng điểm điện tử, tăng gấp 10 lần so với trước đây. Việc sử dụng nền tảng số dùng chung và CKS trong 05 năm giúp tiết kiệm được 130 tỷ đồng ngân sách. Tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% các trường học sử dụng nền tảng số, công nghệ số trong công tác quản lý dạy và học trước 4 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Văn phòng UBND tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai xây dựng Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; xây dựng phương án kết nối, liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử để thống nhất xử lý hồ sơ công việc trên một hệ thống (chuyển hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) từ iGate sang iOffice để xử lý); xây dựng trợ lý ảo để mỗi người dân có 01 trợ lý ảo hướng dẫn thực hiện TTHC trên Cổng DVC của tỉnh.
Về CĐS ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đã xây dựng hệ thống du lịch thông minh giai đoạn 2021-2025; triển khai hệ thống phần mềm quản lý di sản văn hoá tỉnh Lạng Sơn. Trong khi đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai phần mềm quản lý nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn; xây dựng hệ thống quản lý toàn diện hồ sơ Người có công trên địa bàn tỉnh; hoàn thành xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu trẻ em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Về CĐS ngành Y tế, 100% các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế (TTYT) huyện tại Lạng Sơn đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai hệ thống quản trị ứng dụng CNTT bệnh viện thông minh (giai đoạn II) cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. 100% các bệnh viện tuyến tỉnh và TTYT huyện phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh với bảo hiểm xã hội.
Triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" đối với 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 TTYT huyện với mục tiêu tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, đến nay, tỉnh Lạng Sơn có 98,6% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế. Tỉnh cũng đã triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn tỉnh theo lộ trình triển khai trên toàn quốc của Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại tất cả các báo cáo thống kê y tế từ tuyến xã trở lên đều thực hiện báo cáo điện tử tại website http://baocao.tkyt.vn/.
Lạng Sơn cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước triển khai nền tảng cửa khẩu số, toàn bộ quy trình hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số, loại bỏ hoàn toàn việc kê khai giấy, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, cơ quan quản lý sử dụng chung một nền tảng số duy nhất. Đây là nền tảng dùng chung, chia sẻ cho các lực lượng Cảnh sát giao thông, Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch Y tế, động, thực vật, thuế, Ban quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, Các DN bến bãi, vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa trên cùng 1 nền tảng.
Nền tảng cửa khẩu số giúp tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho DN thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn, cùng với đó là thay đổi quy trình để tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, cung cấp dịch vụ số tốt nhất cho các DN xuất nhập khẩu dựa trên nền tảng cửa khẩu số.
Lạng Sơn còn là tỉnh duy nhất đã phát triển, triển khai được nền tảng số ATM mềm đến 100% xã trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sử dụng DVC trực tuyến mức 4, kinh tế số, cửa hàng số và giúp cho giáo viên, nhân dân thuận tiện trong cuộc sống. Theo đó, các điểm giao dịch của Bưu điện Việt Nam (VNPost) có người phục vụ (tổng số 200 điểm) thực hiện chức năng nạp, rút tiền mặt các tài khoản ngân hàng của công chức, viên chức, người dân thông qua nền tảng công nghệ số (ATM mềm). So với triển khai ATM cứng mỗi điểm chi phí khoảng 500 triệu đồng/1 ATM, phí duy trì 200 triệu đồng/1 ATM/năm thì triển khai ATM mềm cho 200 xã tiết kiệm được 300 tỷ đồng trong 05 năm kinh phí đầu tư, triển khai, duy trì.
"Tỉnh có nhiều chỉ đạo quyết liệt về CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số. Kinh tế, xã hội trên các nền tảng số tiếp tục phát triển mở rộng, dòng chảy vật chất tiếp tục được quản lý, khơi thông, phát triển tích cực song hành với dòng chảy số", ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành TT&TT tỉnh Lạng Sơn năm 2021./.