Thiếu nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp là điều dễ hiểu
Qua một số kết quả khảo sát thực tế cho thấy, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào; chỉ cao hơn Campuchia 1,6 lần. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, nhìn tổng quát thì lực lượng lao động của chúng ta phục hồi nhanh sau COVID-19, bởi lẽ cách đây một năm, chúng ta đã rất lo lắng khi đại dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi thành trì của phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng, đến nay quy mô lao động đã đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3 đến thời điểm này là 2,28%. Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Về công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh.
"Chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. "Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Đây là vấn đề phải nhìn nhận một cách đầy đủ và xác đáng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.
Dù năng suất lao động được xem là "chìa khóa" để Việt Nam phát triển bền vững nhưng về thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, vẫn chưa có hành động cụ thể nào được triển khai…
Chỉ gần 30% lực lượng lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp; trong khi nhân sự qua đào tạo lại chưa phù hợp với thực tiễn… khiến nhiều công việc không hiệu quả, dẫn đến năng suất lao động thấp. Do đó, lao động có kỹ năng được coi là một trong những "chìa khóa" giúp nâng cao năng suất lao động.
Tại hội thảo "Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, ông Đặng Đức Anh, Viện phó CIEM, cho biết dù năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện trong 10 năm trở lại đây nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, theo ông Đặng Đức Anh, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6%. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5%; giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4%, (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của WB, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 (tính theo PPP năm 2017) là 18,4 nghìn USD, thấp hơn so với Ấn Độ (20,3 nghìn USD), Philippine (21,3 nghìn USD), Malaysia (55,8 nghìn USD) và thua xa Hàn Quốc (80,2 nghìn USD) và Singapore (162,6 nghìn USD)…
Đáng lo ngại, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là chất lượng nguồn lao động.
Dẫn số liệu từ Báo cáo Tình hình lao động và việc làm 2021, ông Lâm cho biết chất lượng lao động của Việt Nam nhiều năm liền không có sự chuyển biến rõ rệt, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ trình độ 'sơ cấp' trở lên trong năm 2021 là 26,1%, chỉ tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ lao động phi chính thức bao gồm cả nông nghiệp là 68,5%, cũng chỉ giảm 1,8 điểm phần trăm so với năm trước.
Chúng ta muốn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Nhưng với tỷ lệ lao động qua đào tạo như trên thì chúng ta có thể đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất được không?", ông Lâm đặt câu hỏi và cho rằng: "Đây phải là điểm bắt đầu để Việt Nam nâng cao năng suất nếu không 5 năm tới, bức tranh năng suất lao động của Việt Nam vẫn sẽ như thế này".
Cần có cơ quan thực thi
Theo TS. Đặng Đức Anh, năng suất lao động được xác định là "chìa khóa" để Việt Nam "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong cuộc đua tăng trưởng với các nước trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh dư địa tăng trưởng truyền thống dần hạn hẹp.
Trước thực tế này, khung chính sách nền tảng cho cải thiện năng suất lao động đã được ban hành theo nhiều nhóm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách cụ thể hỗ trợ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Quan trọng hơn cả, tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới đã bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến năng suất lao động và đổi mới sáng tạo, và động lực cho doanh nghiệp.
"Tuy vậy, thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp và chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo thực hiện thực chất và hiệu quả", ông Đức Anh nhận định.
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng thực thi chính sách mới là lý do chính "cản trở" nâng cao năng suất. Kể từ sau Chỉ thị 07/2020/CT-TTg về thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, vẫn chưa có hành động cụ thể nào được triển khai ngoại trừ nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao.
Do vậy, cần thành lập một ủy ban về nâng cao năng suất lao động quốc gia bao gồm các cơ quan quản lý có liên quan, các chuyên gia, doanh nghiệp và đặc biệt là công đoàn… Ủy ban này có thể được dẫn dắt bởi một Phó Thủ tướng. Nhưng quan trọng là phải có cơ chế đặc thù để ủy ban có thể triển khai nhiều hoạt động mà quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn./.