Lễ cúng rừng của người Mông và điệu "lượn" tinh hoa của người Tày
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Cúng rừng của người Mông (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên) và Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” của người Tày (huyện Lục Yên, huyện Yên Bình) tỉnh Yên Bái vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Khắp Cọi” - làn điệu “lượn” tinh hoa
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, "Khắp cọi" là làn điệu vô cùng độc đáo, thuộc vào hàng tinh hoa trong kho tàng dân ca Tày với những làn lượn then, lượn quanh làng, lượn phuốc pác, lượn phong slư…
"Khắp cọi" có hình thức biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc, đó là lời ca, tiếng hát với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình diễn xướng. Có thể đối đáp giữa hai người, hai bên hoặc trình diễn cá nhân, tập thể. Nhạc cụ được sử dụng khi trình diễn "Khắp cọi” phổ biến có: nhị hai dây, sáo ngang và trống.
Nghệ thuật "Khắp cọi" vốn gắn bó với đồng bào Tày huyện Yên Bình và huyện Lục Yên trong đời sống hàng ngày từ xa xưa. Không gian diễn xướng của "Khắp cọi” khá rộng. Người người "Khắp cọi” trong những ngày hội vui của cộng đồng làng bản, trong hội xuân, đám cưới, lên nhà mới, hát giao duyên, đối đáp, tìm hiểu, hát đón khách, thăm hỏi khi đến nhà nhau chơi.
Chỉ là những điệu hát giao duyên đối đáp của người Tày nhưng "Khắp cọi" rất độc đáo. Khắp cọi đã sống và lưu giữ hàng nghìn năm trong những bản làng người Tày và cho đến ngày nay, lượn “Khắp Cọi” của người Tày vùng sông Chảy ở Yên Bình, Lục Yên vẫn da diết, đằm thắm ngân lên vào ngày cưới xin, lễ hội, du xuân.
Qua thời gian, "Khắp cọi” đã thể hiện sức sống mãnh liệt, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, vốn di sản này đã ngày càng dày, số người thực hành ngày càng đông đảo, phổ biến, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy. Tất cả đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu xa, thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân - thiện - mỹ.
Trai thanh nữ tú hát Khắp Cọi đối đáp nhau mà vấn vương nhung nhớ. Khắp Cọi nói lời ước hẹn, gửi gắm, chuyên chở lời tỏ tình theo khẩu khiếu, chất giọng từng người hoặc từng vùng. Nhưng thú vị là, nếu quan họ ở Bắc Ninh khi các liền anh, liền chị có tình cảm, hát đôi với nhau không được phép lấy nhau, thì ở đây người Tày hát khắp cọi là đi đến hôn nhân bền chặt.
“Con đường ba mươi ngả/ Bản người chín mươi lối/ Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Chỉ đường anh thăm bản táng mường em ơi…”, hay là “Em ơi bó mạ bao nhiêu nhánh/ Để anh cùng một nhánh được không?”, hoặc như “Em ơi! Nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không/ Đội được cho anh chung lối bước…”.
Nhóm trai làng cứ tiếp tục hát, đám gái bản sao nỡ không đáp lời, một giọng nữ cất lên: “Ơn anh ở khác bản lại thăm/ Ơn người từ khác mường mới đến/ Lời hay em không cho rơi giát/Lời ngọt em không để rơi bùn/ Em đem vào hòm bạc em khóa/ Hôm nào về nhà chồng mới mở... Nhà em cột sa nhân/ dựng dỏng dảnh trên đường/ giát nhà bằng cây nứa/ không chê dặm là ở anh ơi”.
Riêng trong năm 2024, đã có 4 di sản được công nhận là Lễ hội "Gầu tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; Tập quán xã hội và tín ngưỡng "Lễ Xên đông" còn gọi là Lễ Cúng rừng của người Thái Nghĩa Lộ; " Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
“Khắp Cọi” bắt nguồn từ tiếng Tày cổ. Cũng giống như điệu "sli" của người Nùng, hay điệu "khắp" của người Thái, tất cả có điểm cơ bản giống nhau là nét giao duyên, tức cùng một gốc mà ra, tựa một sợi dây nối kết tình cảm dân tộc.
“Khắp Cọi” vùng sơn thạch Lục Yên của người Tày là gạch nối huyền diệu giữa điệu "khắp” của người Thái Tây Bắc và điệu "lượn” của vùng Tày Đông Bắc. Làn điệu còn ẩn chứa những kiến thức sâu sắc về tự nhiên, lý giải về nguồn gốc của sự vật, mà lại răn dạy về quy tắc ứng xử được thể hiện rõ nét qua từng câu hát.
“Miếng nào nên gắp là gắp/Đừng chép miệng người cười/Miếng nào ăn nên ăn/Không ăn thì anh đặt xuống mâm trả em”. Ấy là lời mời khách ăn cơm, phải theo thứ tự trên dưới, ăn uống phải có nét duyên…
Nghe và xem “Khắp Cọi” mà thấy lời ướm hỏi của trai làng đã được người con gái đáp lại, mời tới chơi nhà. Cứ thế họ hát đối đáp nhau từ mừng bản, mừng nhà, mừng lúa nương, thăm hỏi cha mẹ. Hát một đêm không hết hát tiếp các đêm sau.
Trong nhiều diễn xướng, cô gái chủ động giao duyên khiến “Khắp Cọi” càng hấp dẫn. Nhạc cụ diễn xướng là “dỉ dèn”, tựa như cây nhị của người miền xuôi, chỉ cần một người kéo có thể phối âm cho cả giọng nam và nữ. Thêm một cái “biẻm” (giống như cây sáo), và nếu đó là lễ hội thì sẽ có trống cái to đệm vào khiến Khắp Cọi huyên náo, sôi nổi.
Lễ Cúng rừng độc đáo của người Mông ở Nà Hẩu
Với Lễ "Cúng rừng” và Nghệ thuật "Khắp cọi” vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đến nay, tỉnh Yên Bái có tổng số 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tết rừng hay lễ "Cúng rừng” của người Mông ở Nà Hẩu, huyện Văn Yên được coi là nghi lễ tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông ở xã Nà Hẩu trong dịp đầu năm mới. Đây là dịp để cúng tạ trời đất, thần linh, Thần rừng phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy chuồng.
Có thể nói, di sản là điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người Mông, là nơi thực hành và trao truyền trực tiếp vốn văn hóa của cộng đồng.
Với người Mông của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái), rừng được coi là nguồn sống, là sinh kế, là mái nhà chở che và cũng là chỗ dựa tinh thần cho 484 hộ, 2.490 con người.
Người Mông tin rằng thần rừng chính là thần hộ mệnh bảo vệ thôn bản, giúp cho mùa màng tươi tốt, tránh được mọi thiên tai dịch bệnh. Chính vì vậy, những tục lệ, hương ước, tín ngưỡng thờ thần rừng như sợi dây tâm linh nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với họ, rừng không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường mà rừng cũng chính là cội nguồn của văn hóa.
Người Mông quan niệm rừng là cha, đất là mẹ, khi sống đất là của ta, rừng nuôi sống, khi chết ta là của đất, rừng chôn cất. Quan niệm sinh ra từ rừng và khi chết tất cả lại chở về với rừng đã trở thành niềm tin, tín ngưỡng trong tâm thức của đồng bào nơi đây. Từ đó, rừng trở thành mảnh đất thiêng nơi có các vị thần linh cai quản, bảo vệ cho dân làng và là nơi diễn ra lễ cúng rừng để cầu phúc, tạ ơn, ăn thề theo luật tục và quy ước của thôn bản.
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, đồng bào dân tộc Mông xã Nà Hẩu tổ chức Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng”, một nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây.
Thông qua Lễ hội Tết rừng, đồng bào dân tộc Mông cầu mong thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản.
Sau lễ hội Tết rừng, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần Rừng. Trong 3 ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục.
Đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo.
Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống-mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.
Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời Thần Rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Là nơi thực hành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người, Tết rừng gắn với nhiều sản phẩm tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian được thể hiện xuyên suốt quá trình chuẩn bị và thực hành lễ hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi lễ hội nói chung trở thành nhu cầu tinh thần đối với nhiều người, đặc biệt đối với cộng đồng người Mông - một tộc người không có nhiều nghi lễ thì Tết rừng ngày càng càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn bao giờ hết./.