Liệu Web 3.0 có thực sự là giải pháp cho quyền riêng tư người dùng?

Tâm An| 14/02/2022 06:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Hoạt động dựa trên blockchain, Web 3.0 được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa Internet bằng cách thay đổi quyền sở hữu và quyền lực của dữ liệu cá nhân đối với người dùng.

Thuật ngữ Web3 hay là Web 3.0 gần đây đã thu hút được nhiều sự chú ý của thế giới trực tuyến. Mặc dù không phải là một điều gì mới, nhưng cốt lõi của nó là tương lai của Internet thúc đẩy các khái niệm phi tập trung giúp giảm sự phụ thuộc vào "ông lớn" công nghệ như Meta, Google và Amazon.

Internet mà hầu hết chúng ta tham gia ngày nay được gọi là Web2 - một thời đại Internet được định hình bởi những gã khổng lồ công nghệ Google, Facebook và Amazon. Web2 là sự kết nối mọi người - chính tại đây các trang mạng xã hội đã ra đời. Trong những năm qua, các công ty Big Tech đã tạo ra hệ sinh thái khổng lồ, sở hữu rất nhiều dịch vụ quan trọng của Internet.

Và cũng chính trong thời đại Web 2.0, các vấn đề được đặt ra không phải là tin tức. Những lo ngại về quyền riêng tư, sử dụng sai thông tin người dùng và độc quyền dữ liệu chính là những vấn đề hàng đầu trong các cuộc thảo luận trong những năm gần đây.

Với Web 2.0, dữ liệu cá nhân của người dùng được những đại gia công nghệ khai thác triệt để để tạo ra các quảng cáo và chiến dịch tiếp thị phù hợp. Như Facebook, công ty hiện được gọi là Meta, đã bị chú ý bởi vô số lần vì vi phạm luật bảo mật dữ liệu người dùng.

Các quốc gia trên thế giới đang cố gắng kiềm chế những "ông lớn" công nghệ bằng các quy định mới, và chính bản thân các công ty cũng bắt đầu thực hiện các bước bảo vệ dữ liệu để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Và khi các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng điều chỉnh những hạn chế của Web2 cuộc cách mạng tiếp theo cũng đang diễn ra. Kỷ nguyên của Web2, có thể sớm kết thúc vì gần đây chúng ta đã đạt đến thời điểm quan trọng cho một mạng Internet mới hơn, phi tập trung hơn được gọi là Web 3.0.

Như Avivah Litan, Phó Chủ tịch của Gartner, định nghĩa Web 3.0 là một web phi tập trung, trong đó người dùng có thể kiểm soát dữ liệu và danh tính của riêng họ. Nó tìm cách loại bỏ các tương tác qua các nền tảng trung gian - nghĩa là thay thế các tổ chức tập trung hóa như Amazon, Facebook và Google.

Web 3.0 được xây dựng trên công nghệ dựa trên blockchain, trong đó mọi người hoạt động trên các nền tảng phi tập trung, gần như ẩn danh, thay vì phụ thuộc vào những gã khổng lồ công nghệ như Web 2.0.

Bằng cách chuyển lại dữ liệu vào tay của các thực thể sở hữu nó, một web phi tập trung trao quyền cho người dùng xác định cách nó có thể được chia sẻ. Nhưng liệu điều đó có nghĩa là những lo ngại về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng đã được loại bỏ hoàn toàn với Web3?

Tính hai mặt của Web 3.0: Quyền riêng tư hay tính minh bạch?

Trên thực tế, thời gian vừa qua những người ủng hộ thì cho rằng Web3 sẽ cải thiện quyền riêng tư của người dùng bằng cách đưa các cá nhân vào quyền kiểm soát dữ liệu của họ, thông qua các kho dữ liệu cá nhân phân tán. Trong khi đó, các nhà phê bình lại đưa ra quan điểm cho rằng bản chất minh bạch của sổ cái là phân phối công khai, giúp tất cả những người tham gia có thể nhìn thấy các giao dịch, và điều này hoàn toàn trái ngược với quyền riêng tư.

Thực tế này đặt ra vấn đề, liệu Web3 có thực sự là giải pháp cho quyền riêng tư người dùng Internet trong tương lai hay không?

Thuật ngữ Web3 lần đầu tiên được đặt ra bởi người đồng sáng lập Ethereum Gavin Wood từ 8 năm trước. Về cơ bản, ông cho rằng tương lai của Internet là nơi mà quyền sở hữu và quyền lực được phân bổ rộng rãi và đồng đều hơn.

Nói một cách đơn giản, Web3 là một tầm nhìn phi tập trung của Internet, mong muốn tạo ra một hệ thống hợp đồng hoàn toàn mới và thay đổi cách thức mà các cá nhân và tổ chức đạt được các thỏa thuận.

Web 3.0 mang lại kiến trúc phi tập trung của Web 1.0, phiên bản đầu tiên của Internet, với đầy đủ các blog và nguồn cấp RSS do người dùng lưu trữ, đồng thời kết hợp nó với trải nghiệm tương tác phong phú của các ứng dụng web Web 2.0 như các nền tảng truyền thông xã hội để cung cấp hệ sinh thái kỹ thuật số nơi dữ liệu thuộc sở hữu của người dùng và các giao dịch được bảo đảm bằng mật mã.

Nói một cách chính xác, tầm nhìn của Wood dựa trên các sổ cái kỹ thuật số minh bạch được gọi là blockchain - công nghệ làm nền tảng cho tiền điện tử - và cùng với đó, các công ty công nghệ lớn sẽ bị cạnh tranh bởi các hình thức quản trị Internet công khai và minh bạch hơn, nơi người dùng sẽ có những quyền lợi và tiếng nói nói riêng.

"Thông tin mà chúng ta cho là được công khai, chúng sẽ được công khai. Thông tin mà chúng ta cho là đã được thống nhất, chúng ta đặt trên một sổ cái đồng thuận. Thông tin mà chúng ta cho là riêng tư, chúng ta giữ bí mật và không bao giờ tiết lộ. Giao tiếp luôn diễn ra trên các kênh được mã hóa và chỉ với danh tính giả làm điểm cuối; không có bất kỳ thứ gì có thể theo dõi được (chẳng hạn như địa chỉ IP)", Wood nhấn mạnh.

Nói tóm lại, Web3 hứa hẹn sẽ giải phóng người dùng khỏi những "ông lớn" công nghệ bằng cách cho phép mọi người truy cập vào dữ liệu hoạt động trên blockchain. Và một điều chắc chắn rằng với Web3, các tổ chức sẽ không còn quyền giữ độc quyền và khai thác dữ liệu của người dùng nữa, tuy nhiên điều quan trọng cần phải xem xét là: bản chất công khai và minh bạch của Web3 có ý nghĩa như thế nào đối với quyền riêng tư của người dùng?

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tor Bair, người đồng sáng lập của Secret Network nhận định, "Web3 yêu cầu bạn từ bỏ hoàn toàn quyền riêng tư. NFT và blockchains đều là công khai theo mặc định và rất tệ đối với quyền sở hữu và bảo mật".

Trong khi đó, theo một bài viết trên blog của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), các lo ngại về bảo mật dữ liệu sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn với Web3.

NUS cho biết, quá trình chuyển đổi là một sự thay đổi mô hình, và sự thay đổi này sẽ thách thức các mô hình cũ. Các vấn đề bảo mật trong giai đoạn Internet tiếp theo sẽ vượt ra ngoài dữ liệu. Ví dụ, giao dịch ẩn danh trên sổ cái phân tán hiện đi kèm với những rủi ro như hack hợp đồng thông minh và thiếu sự bảo vệ của pháp luật khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn.

Bên cạnh đó, từ góc độ pháp luật về quyền riêng tư, phân quyền sẽ gây khó khăn cho việc xác định người kiểm soát thông tin nhận dạng cá nhân (PII) và người xử lý PII. Đặc biệt, do không có quyền kiểm soát trung tâm và quyền truy cập vào dữ liệu, Web3 có thể gây khó khăn hơn cho việc điều tra tội phạm mạng, bao gồm cả quấy rối trực tuyến, ngôn từ kích động thù địch và hình ảnh lạm dụng trẻ em.

Một web phi tập trung sẽ định hình lại cách chúng ta tổ chức thông tin trên web, với công nghệ blockchain có tiềm năng tái tạo các tổ chức. Khi Web2 nhường chỗ cho Web3, toàn bộ các ngành có thể được chuyển đổi và chúng ta cần phải sẵn sàng cho mọi sự thay đổi đó. Tuy nhiên, NUS cho rằng các nhà quản lý, các doanh nghiệp và thậm chí cả người dùng sẽ phải bắt đầu suy nghĩ lại về cách các vấn đề an toàn thông tin và quyền riêng tư được xử lý thông qua lăng kính của Web3 - để bắt kịp với bối cảnh đang phát triển./.

Bài liên quan
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Liệu Web 3.0 có thực sự là giải pháp cho quyền riêng tư người dùng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO