Đổi mới là điều rất quan trọng đối với tầm nhìn về một “Ấn Độ kỹ thuật số” (Digital India). Các công nghệ trực tuyến, di động, phân tích cơ sở dữ liệu (CSDL) và đám mây là những nền tảng tiếp sức cho giấc mơ Digital India, chiến lược này sẽ cung cấp các dịch vụ quản trị và dịch vụ theo yêu cầu, đồng thời hỗ trợ người dân một cách sát sao, chi tiết, ủng hộ các kế hoạch thay đổi xã hội của chính phủ.
Nhanh chóng áp dụng các phương tiện số để phục vụ mục đích công
Kể từ khi Kế hoạch quản trị điện tử quốc gia (National e-Governance Plan - NeGP) được khởi động vào năm 2006, chính phủ Ấn Độ đã thúc đẩy một số sáng kiến quản trị điện tử như Digital India, Aadhaar, MyGov và Mobile Sewa DigiLocker, cùng nhiều sáng kiến khác. Với nhóm các chương trình kỹ thuật số, sứ mệnh hàng đầu của chính phủ Ấn Độ là “Digital India” hướng tới việc thúc đẩy tầm nhìn về chính phủ số.
Tại hội nghị trực tuyến về quản trị diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã chia sẻ tầm nhìn về lộ trình cách mạng hóa quản trị điện tử của chính phủ Ấn Độ. Các phiên thảo luận đã đi sâu vào việc áp dụng nhanh chóng các phương tiện số để phục vụ những mục đích công cũng như vượt qua những thách thức và tận dụng lợi thế của đất nước.
Các chuyên gia cho rằng những công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, thực tế tăng cường (AR) và máy học (ML) dường như là câu trả lời về một tương lai tốt đẹp hơn, hứa hẹn cung cấp các dịch vụ công (DVC) như giáo dục, y tế, an sinh xã hội và giao thông một cách dễ dàng và hiệu quả, các chuyên gia cũng đã chia sẻ một số quan điểm quan trọng phù hợp với đất nước đang phát triển.
Ashish Srivastava, Giám đốc cơ quan phát triển CNTT và Mugdha Sinha đến từ Bộ Khoa học & Công nghệ đều khẳng định công nghệ là một công cụ quan trọng đối với hệ thống quản trị điện tử và đang ngày càng thu hút sự tham gia, tương tác của người dân, cũng như mang lại sự hài lòng cho họ.
Ashish chỉ ra rằng thật khó để xem phản hồi do người dân đưa ra theo cách thủ công, nêu bật tầm quan trọng của các công cụ như ML cho phép các cơ quan cấp cao hơn kiểm tra phản hồi một cách liền mạch.
Công nghệ đã và đang định hình lại khu vực công của Ấn Độ. Đại dịch COVID-19 giống như một chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình áp dụng CNTT và khiến các mô hình số của các DVC diễn ra suôn sẻ, thân thiện với người dân.
“Nếu bạn có smartphone, bạn có thể có hộ chiếu. Ý tưởng đó chính là nền tảng để chúng tôi thâm nhập công nghệ nhiều hơn và làm cho các dịch vụ trở nên dễ tiếp cận hơn”, Golok Kumar nói.
Golok Kumar là nhà lãnh đạo công nghệ của chính phủ từng đoạt giải thưởng, là nhà tiên phong trong lĩnh vực quản trị điện tử. Từng gắn bó với “Kế hoạch quản lý điện tử quốc gia” của Ấn Độ từ giai đoạn hình thành ý tưởng năm 2005-06, những nỗ lực của ông đối với chuyển đổi số (CĐS) trong các lĩnh vực công đã được ca ngợi rộng rãi.
Ông đã triển khai 'Chương trình Hộ chiếu Seva' - một trong những chương trình quản trị điện tử thành công nhất của Ấn Độ - để cung cấp các dịch vụ hộ chiếu một cách suôn sẻ ngay tại nhà của mọi công dân ở Ấn Độ và cộng đồng người Ấn Độ trên toàn cầu.
“Cuối cùng, vấn đề nằm ở quần chúng, và nếu họ không hài lòng thì mọi thứ đều vô nghĩa”, ông nói thêm khi chia sẻ suy nghĩ của mình về tầm nhìn đằng sau lộ trình CĐS của Ấn Độ.
Gần đây, Ấn Độ cũng đã công bố khởi động chương trình “Ease of Doing Business 2.0”, kêu gọi sự tham gia tích cực của các bang, số hóa các quy trình thủ công và tích hợp các hệ thống cấp trung ương và cấp nhà nước thông qua các cầu nối CNTT, truy cập một điểm cho tất cả các dịch vụ, lấy công dân làm trung tâm.
Quản trị điện tử đang thay đổi chính quyền Ấn Độ
Nhờ có sự đổi mới sáng tạo, quản trị điện tử (e-Governance) đang thay đổi chính quyền của người dân Ấn Độ bằng cách chia sẻ và công nhận nền tảng CSDL dùng chung, phối hợp các khuôn khổ, quy định và chính sách quản lý giữa chính phủ và công dân, nhờ đó sẽ cho phép và nâng cao chất lượng xã hội và tài chính của công dân.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã dẫn đầu trong quá trình số hóa, xây dựng CQĐT, thay đổi xã hội, thông qua các động lực như “Digital India”, “Make in India” và “Skill India”. Jitendra Joshi, Giám đốc, Probity Soft, cho biết CQĐT Ấn Độ đã trao quyền cho công dân theo nhiều cách khác nhau.
Các dịch vụ của chính phủ như cấp giấy khai sinh và khai tử, giấy phép thương mại, giấy phép xây dựng, các loại giấy phép khác đều có thể cung cấp nhanh và hiệu quả hơn qua hình thức trực tuyến.
Nếu cung cấp ngoại tuyến, công dân/doanh nghiệp (DN) sẽ phải đến các văn phòng của cơ quan chính phủ, tìm phòng ban phù hợp, xếp hàng, điền biểu mẫu, nộp lệ phí, photocopy và đính kèm các tài liệu để hoàn thành hồ sơ, công việc. Quá trình này tốn nhiều thời gian và nếu người dân mắc lỗi trong khi điền biểu mẫu hoặc đính kèm tài liệu thì quy trình này lại phải làm lại.
Quản trị điện tử biến đổi trải nghiệm này bằng cách cung cấp dịch vụ công dân trực tuyến. Công dân có thể điền vào biểu mẫu trực tuyến, đính kèm các bản sao tài liệu đã quét, thực hiện thanh toán và gửi yêu cầu một cách thoải mái ngay tại nhà của họ.
Quy trình trực tuyến tiết kiệm đáng kể thời gian và không phải mất công đi lại. “Cung cấp các dịch vụ này trên các ứng dụng dành cho thiết bị di động thậm chí còn dễ dàng hơn vì giờ đây, dịch vụ này có thể được sử dụng ngay trên thiết bị di động”, Jitendra Joshi nói.
Trao quyền cho công dân thông qua quyền tiếp cận thông tin
Công dân Ấn Độ được trao quyền nhờ việc cập nhật chính sách, thông tin chính xác và kịp thời. Điều này mang lại những lựa chọn tốt hơn, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Việc phổ biến thông tin chính xác, kịp thời có thể được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử như email, SMS, Whatsapp, mạng xã hội, v.v. . Ví dụ, các chính sách của chính phủ xung quanh những biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 đã chủ yếu được truyền đạt thông qua các phương tiện điện tử. Cách làm này cũng cho phép người dân nhận thức được cách họ có thể đóng góp cùng với chính phủ và toàn xã hội để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã thông báo về chương trình ngân sách cấp phát smartphone cho phụ nữ theo chương trình Digital India. Từ tháng 6/2022, phụ nữ Ấn Độ sẽ được tặng điện thoại miễn phí. Theo chương trình Digital India, những chiếc smartphone sẽ được trao cho một người đứng đầu là nữ trong gia đình.
Smartphone sẽ có kết nối Internet miễn phí và gọi điện miễn phí trong 3 năm. Người dùng sẽ có 5 - 10 GB dữ liệu Internet/tháng. Dữ liệu này cũng có thể được gia hạn sau khi kết thúc đấu thầu. Smartphone sẽ được sản xuất tại Ấn Độ và có màn hình 5,5 inch.
Điện thoại sẽ có ít nhất bộ vi xử lý lõi tứ 1,2-1,6 GHz, RAM 2 GB, bộ nhớ 32 GB, pin 3200 mAh, hai SIM và ít nhất một camera 8 megapixel. Các ứng dụng của chính phủ tiểu bang sẽ được cài đặt sẵn. Thông qua đó, phụ nữ sẽ có thể nhận được thông tin về các kế hoạch của chính phủ.
Giảm tình trạng tham nhũng trong chính quyền
Các mô-đun quản trị điện tử cho phép hoạt động tương tác từ xa giữa công dân/DN với các văn phòng chính phủ. Điều này loại bỏ các khâu/người trung gian khỏi vòng liên lạc và cũng vô hiệu hóa nạn tham nhũng (nếu có) các các quan chức biến chất muốn sử dụng quyền lực của mình để thu lợi cá nhân bất hợp pháp. Sự tương tác trực tiếp như vậy cho phép người dân và DN nhận được thông tin và dịch vụ chính xác mà không cần phải làm hài lòng bất kỳ ai trong các cơ quan nhà nước.
Các DVC của chính phủ được cung cấp thông qua con đường giấy tờ truyền thống không hiệu quả, tốn nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót. Quá trình này thường bị đình trệ do những thành kiến cá nhân của các cán bộ liên quan. Trong khi đó, các ứng dụng quản trị điện tử chuyển quá trình này từ con người sang máy móc.
Điều này giúp tăng tính hiệu quả và tốc độ giải quyết công việc, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, việc phân phối các DVC qua các hệ thống trực tuyến cũng sẽ tăng tính chính xác, minh bạch của các “cuộc hẹn”, trong đó dịch vụ sẽ được cung cấp cho người dân trong đúng khung thời gian quy định, loại bỏ sự can thiệp “thành kiến” của con người.
Giảm chi phí và tăng doanh thu
Các ứng dụng quản trị điện tử mang lại trải nghiệm cung cấp dịch vụ công dân theo quy mô kinh tế. Chi phí cung cấp dịch vụ trên mỗi ứng dụng thấp hơn đáng kể khi thực hiện bằng phương thức điện tử. Chính phủ điện tử (CPĐT) có thể thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của chính phủ cả bên trong và bên ngoài.
CPĐT không chỉ là một công cụ giúp giảm thiểu chi phí dịch vụ và nâng cao chất lượng, mà còn là một mô hình mang đến sự thay đổi về chiều sâu cho chính phủ. Do đó, CPĐT gắn liền với việc thay đổi cách thức mà cơ quan công quyền thực hiện công việc và chuyển tải hệ thống hành chính./.