Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): khơi thông điểm nghẽn và tạo thuận lợi cho CĐS
Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ mở rộng và tăng cường khung pháp lý cho lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), góp phần khơi thông điểm nghẽn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho biết, Luật GDĐT (sửa đổi) mới được thông qua gồm 08 chương, 53 điều, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật có một số điểm mới so với luật hiện hành, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật GDĐT năm 2005 và cũng thể hiện được những nội dung chính sách lớn.
Giải pháp thể chế CĐS
Về giải pháp thể chế CĐS, Luật đã quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Luật đã bỏ các đối tượng bị hạn chế, loại trừ trong Luật GDĐT năm 2005 để mở ra việc áp dụng GDĐT cho tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội.
Một luật nhưng giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số. Luật nào trước đây chưa quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật GDĐT. GDĐT có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức không thể viện dẫn việc chưa có quy định để từ chối giá trị pháp lý của GDĐT.
Giá trị pháp lý cho các thành tố cơ bản của GDĐT
Trong quá trình xây dựng Luật GDĐT (sửa đổi) có một cụm từ rất độc đáo và đặc biệt đã được Bộ TT&TT đưa ra đó là “những thành tố cơ bản”. Luật quy định về giá trị pháp lý của những thành tố cơ bản phục vụ GDĐT.
Theo bà Hương, “những thành tố cơ bản” là cụm từ được Bộ TT&TT sử dụng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật để thuyết phục Chính phủ, Quốc hội cũng như các bộ, ngành liên quan, trong bối cảnh Luật GDĐT khi ban hành quy định sẽ ảnh hưởng và bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của các bộ, ngành khác.
Chính vì vậy với cụm từ “thành tố cơ bản”, Luật chỉ quy định về những “thành tố cơ bản”, đảm bảo giá trị những “thành tố cơ bản” phục vụ cho GDĐT.
Chúng ta có thể hình dung đơn giản như sau, những gì trong môi trường thực khi đưa lên môi trường điện tử nó sẽ là phiên bản điện tử. Chẳng hạn như, chữ viết, hình ảnh, âm thanh khi đưa lên môi trường điện tử sẽ là các thông điệp dữ liệu; chữ ký tay, con dấu khi GDĐT sẽ là chữ ký số (CKS), chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn; hợp đồng giấy thì sẽ là hợp đồng điện tử (HĐĐT); thẻ khách hàng sẽ là tài khoản giao dịch điện tử…
Chính sách thúc đẩy CĐS
Lần đầu tiên cụm từ “toàn trình” cũng được đưa vào Luật để thể hiện mức độ GDĐT từ đầu tới cuối.
GDĐT toàn trình giúp tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục tình trạng GDĐT phức tạp, lâu hơn, đắt đỏ hơn và hiện nay vẫn tồn tại song song cả 2 hình thức (giấy và điện tử), làm chậm tiến trình CĐS.
Ngoài ra, trong Luật cũng quy định việc chuyển đổi giữa văn bản giấy và điện tử thông suốt, không rào cản; cũng như các quy định an toàn cho việc chuyển đổi này.
Đặc biệt, dịch vụ tin cậy lần đầu tiên đưa vào Luật để tạo niềm tin thúc đẩy GDĐT. Theo bà Hương, trước đây, trong dịch vụ tin cậy chỉ có dịch vụ chứng thực CKS, hiện nay chúng ta đã có dịch vụ chứng thực CKS công cộng, dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu là những dịch vụ tin cậy cơ bản để giúp cho người dân, doanh nghiệp, xã hội thực hiện trên môi trường điện tử.
Chứng thư điện tử lần đầu tiên được đưa vào Luật, đại diện cho tất cả các loại giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận để giải quyết các điểm vướng mắc lớn nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.
Cơ sở pháp lý thực hiện HĐĐT
Ngoài ra, Luật GDĐT (sửa đổi) cũng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quy định các giao kết HĐĐT.
Trước đây, khi triển khai HĐĐT trong các lĩnh vực như lao động, giao thông và các lĩnh vực khác, gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc do thiếu quy định để các đơn vị thẩm quyền, bộ, ban ngành có thể quy định việc giao kết HĐĐT.
Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn này bằng việc đưa ra cơ sở pháp lý để các Bộ trưởng các Bộ có thể ban hành theo thẩm quyền các quy định về HĐĐT trong ngành, lĩnh vực của mình.
Ví dụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể ban hành Thông tư về hợp đồng lao động điện tử; hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể ban hành Thông tư về hợp đồng du lịch điện tử…
Luật cơ bản thúc đẩy CĐS
Bên cạnh đó, Luật GDĐT (sửa đổi) cũng quy định các vấn đề liên quan đến nền tảng số, hạ tầng số, hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu và các chi phí để đảm bảo cho việc xây dựng vận hành, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan Nhà nước, cũng như mở dữ liệu tạo thành nguồn tài nguyên để phát triển ngành công nghiệp số sau này.
Theo bà Hương, Luật GDĐT sửa đổi có thể coi là đạo luật cơ bản thúc đẩy CĐS. Việc thực thi Luật này sẽ tạo cơ sở thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Luật Chuyển đổi số ở giai đoạn sau.
“Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/7/2024. Hiện nay, Bộ TT&TT đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư và Bộ TT&TT cũng rất mong các Bộ, ngành sẽ quan tâm và chung tay đóng góp để chúng ta có một đạo luật đi vào cuộc sống thúc đẩy CĐS hiệu quả hơn”, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia nhấn mạnh./.