Lực lượng chữa cháy ở cơ sở, quan trọng là trang bị kỹ năng và trang thiết bị
Theo Luật PCCC, Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở. Tuy nhiên, thiếu các trang thiết bị cần thiết, thiếu cả kỹ năng nên hầu hết các đội dân phòng chưa phát huy hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thiếu kỹ năng, thiếu trang thiết bị chữa cháy
Theo Thông tư số 150/2020/TT-BCA, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ được trang bị cho một đội dân phòng gồm 5 bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg; 5 bình khí chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít; 2 đèn pin; 1 rìu cứu nạn; 1 xà beng; 1 búa tạ; 1 kìm cộng lực; 1 túi sơ cứu loại A; 1 cáng cứu thương. Tùy theo tình hình thực tế, lực lượng dân phòng có thể được trang bị thêm các loại phương tiện cần thiết khác.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, hiện hầu hết lực lượng dân phòng vẫn chưa có các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác PCCC theo quy định. Dân phòng ở các nơi hầu như đều dùng nhà văn hoá khu dân cư làm nơi trực, hội họp hoặc tập trung khi cần.
Do không có đầy đủ trang thiết bị phục vụ PCCC khiến việc tổ chức tập huấn gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra cháy, đội dân phòng cũng khó can thiệp từ đầu, khó phối hợp với lực lượng PCCC tại địa phương. Đây cũng là thực trạng chung trong hoạt động của nhiều đội dân phòng hiện nay.
Thời gian qua, sau nhiều vụ cháy xảy ra ở khu dân cư, người ta luôn đặt câu hỏi lực lượng dân phòng đang ở đâu. Trong PCCC, phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) thể hiện rõ tầm quan trọng của đội dân phòng. Lực lượng tại chỗ gồm tất cả người dân sinh sống trên địa bàn thôn, khu dân cư mà nòng cốt là lực lượng dân phòng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, kỹ năng PCCC của thành viên đội dân phòng còn hạn chế.
Nhưng trong thực tế, các vụ cháy nổ nhà dân vừa qua đều cho thấy tầm quan trọng của đội dân phòng các thôn, khu dân cư trong việc phát hiện, báo cháy và tham gia chữa cháy, nhất là công tác phối hợp với lực lượng chữa cháy do đội ngũ này là người dân địa phương, hiểu rõ về địa lý, tình hình dân cư nơi xảy ra cháy.
Nhiều đội Dân phòng được thành lập còn mang tính hình thức; chưa được trang bị phương tiện PCCC và CNCH; nhiều thành viên của đội Dân phòng vẫn chưa được tham gia huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện về PCCC và CNCH theo quy định; chưa chủ động xây dựng phương án PCCC và CNCH tại địa bàn quản lý; việc tổ chức thực tập, diễn tập phương án PCCC và CNCH chưa được lực lượng Dân phòng thực hiện thường xuyên dẫn đến không có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để xử lý kịp thời khi có cháy, nổ, xảy ra.
Một số đội Dân phòng được thành lập còn chưa làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác PCCC; chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nguồn kinh phí phục vụ cho công tác PCCC và CNCH tại các xã, phường, thị trấn còn hạn chế, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất còn khó khăn nên việc đầu tư trang bị phương tiện, việc đáp ứng các chế độ chính sách, cơ sở vật chất cũng như việc triển khai bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH đối với lực lượng này chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Ra đời lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở
Trên địa bàn các xã, phường, thị trấn vẫn còn tồn tại nhiều lực lượng với các tên gọi khác nhau như: Bảo vệ dân phố, đội dân phòng, lực lượng tự quản và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở… và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng gây mâu thuẫn, chồng chéo.
Ở cấp cơ sở, không ít người dân còn nhầm lẫn giữa lực lượng dân phòng và lực lượng bảo vệ dân phố. Mặc dù Luật PCCC qui định nhiệm vụ của dân phòng và Nghị định của Chính phủ qui định nhiệm vụ của bảo vệ dân phố rất rõ ràng.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn, còn do ở không ít nơi, đội dân phòng được thành lập trên cơ sở thành viên của đội bảo vệ dân phố. Tức là cũng là những con người ấy, được đưa vào danh sách cả hai bên.
Trong khi đó, theo Luật PCCC, lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân.
Tại thôn phải thành lập đội dân phòng và đội này sẽ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
Đối tượng được tham gia vào đội dân phòng là công dân từ 18 tuổi trở lên, thường xuyên có mặt tại nơi cư trú, có đầy đủ sức khoẻ thì có nghĩa vụ phải tham gia đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy tại nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc nếu được yêu cầu.
Đội dân phòng sẽ có biên chế từ 10 - 20 người, trong đó có 1 đội trưởng và 1 đội phó. Nếu trên 20 người - 30 người thì được biên chế thêm 1 đội phó.
Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng và biên chế của các tổ này sẽ là từ 5 - 9 người, trong đó có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó.
Quy định về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng như sau:
+ Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.
+ Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
+ Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
+ Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lực lượng dân phòng được thành lập theo quy định của Luật PCCC không phải nơi nào cũng thực hiện.
Và sở dĩ có sự nhầm lẫn, chồng chéo giữa dân phòng và bảo vệ dân phố là do bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì nhiều địa phương còn giao cho lực lượng dân phòng thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những nhiệm vụ này có tính chất tương đồng so với nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố.
Để đảm bảo sự thống nhất, khắc phục tình trạng hiện nay, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023, đã quy định thành lập Tổ Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có gồm: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách (đã kết thúc nhiệm vụ do hiện nay công an chính quy đã được đưa về các xã).
Như vậy, trong thời gian tới, với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa được thông qua, thì ở khu dân cư chỉ thành lập và duy trì một lực lượng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, kiêm nhiệm công tác PCCC và CNCH là phù hợp với tình thực tế tại địa phương cũng như đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ, cũng như kinh phí hoạt động.
Riêng đối với công tác PCCC, quan trọng nhất vẫn là tập huấn kỹ năng và trang bị thiết bị PCCC cho lực lượng tại chỗ. Thiếu các yếu tố này, lực lượng ở cơ sở dù nhập các đầu mối lại cũng chưa chắc đã phát huy hiệu quả.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương , trong năm 2023, còn có nhiều vụ cháy khác cũng được lực lượng chữa cháy tại chỗ huy động nhanh có hiệu quả các phương tiện PCCC tại chỗ để khống chế, dập tắt hoàn toàn đám cháy; không để xảy ra cháy lớn, cháy lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và cứu được nhiều tài sản giá trị lớn.
Theo thống kê tại Bình Dương có hơn 60% số vụ cháy được lực lượng PCCC tại chỗ và quần chúng nhân dân dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng./.