Những loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng đã ảnh hưởng, tác động xấu như thế nào tới người dân, và xã hội khi các ứng dụng bị sập?
Trong một vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép có dấu hiệu nở rộ và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Có những vụ việc có người tham gia rất lớn, lên tới hàng chục ngàn người và các đối tượng chủ mưu thì kịp thời rút lui và không để lại dấu vết, các nạn nhân thậm chí không cung cấp được bằng chứng về thiệt hại khi các cơ quan quản lý nhà nước chính thức vào cuộc. Các đối tượng này đã làm thế nào để có thể vận động và lôi kéo được số lượng người tham gia lớn đến như vậy?
Qua quá trình theo dõi và giám sát, có thể thấy thủ đoạn của các dự án và các đối tượng này được lặp đi lặp lại như là một công thức hay một kịch bản được dàn dựng sẵn, nhưng lại vô cùng hiệu quả:
1. Những lời quảng cáo về dự án
Đây là cách những đối tượng này giới thiệu ngắn gọn nhất về "ứng dụng" hay "dự án" này với những thông tin cô đọng nhưng gợi sự tò mò cho người tiếp nhận, ví dụ như: "thu nhập thụ động 500.000 -700.000 đồng/ngày", "Đối tác của triệu phú đô la" "chơi game mà có tiền", …. Những nội dung quảng cáo này được đăng tải và chia sẻ rất nhanh thông qua các phương tiện Internet.
Thành công của những đoạn giới thiệu này là đánh trúng vào nhu cầu của người nghe, người đọc như: "thu nhập thụ động", "giải pháp tài chính", "không thể thua lỗ", "đầu tư ngắn hạn lợi nhuận cao"… Và sau đó người tiếp nhận các thông tin này sẽ bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu và có thể "tham gia thử".
2. Người dẫn dắt và người bảo chứng giả
Đây là nhân vật không thể thiếu của "dự án" này, "người dẫn dắt" là những người có khả năng thuyết trình, dẫn dắt nội dung chuyên nghiệp. Có rất nhiều danh hiệu của những nhân vật "người dẫn dắt" này, kể cả danh hiệu tự phong như: Coach, Leader, Dimond, Upline, Master trainer, Vua truyền lửa, Diễn giả…
Sau đó kết hợp với nhiều thủ thuật khác của người dẫn dắt như mời người tham gia dự sự kiện tại những nơi rất sang trọng, hay mời nạn nhân tham gia các hoạt động với nhiều trò chơi, hô hào tập thể … "những diễn giả" này sẽ biến những người tò mò ở trên từ những người có tâm lý "đề phòng", "dè dặt" chuyển sang trạng thái hưng phấn, nhiệt tình tham gia "dự án" và thậm chí sau này còn sẵn sàng chống lại những người ngăn cản mình.
Tiếp đó, "người bảo chứng giả" hay chính là "chim mồi" sẽ xuất hiện dưới dạng là một tấm gương "đầu tư" đi từ nghèo đói để trở thành người có thu nhập "khủng", hay một người mẹ có người con thành đạt nhờ đầu tư, một người bệnh đã khỏi bệnh nan y nhờ dùng sản phẩm… và kèm theo đó là những "minh chứng" thêm phần thuyết phục như: Ảnh chụp sao kê tài khoản với số tiền lớn, những chiếc ô tô sang trọng (thậm chí đi mượn), những tài liệu y khoa giả…
3. Người tham gia – nạn nhân
Đây là "vai diễn" bị động nhưng lại có số lượng đông nhất trong màn kịch trên. Ban đầu chỉ là những người xem, người ngoài lề, họ bị những nội dung quảng cáo đầu tiên kích thích sự tò mò, họ bị chính người thân quen, người mình tin tưởng lôi kéo để nghe chia sẻ cơ hội "đầu tư làm giàu" từ những người dẫn dắt kia. Họ trải qua đầy đủ các giai đoạn từ những người "có tâm lý đề phòng", rồi thử thành người tham gia và nhận được một ít tiền thưởng ban đầu để kích thích sự "tự tin" đi giới thiệu cho người khác về "dự án", thậm chí sau này họ phản sẽ bác quyết liệt đối với những lời cảnh báo về "dự án".
Người tham gia có thể là mọi thành phần, mọi đối tượng: Người già, sinh viên, phụ nữ, nam giới, từ những người có sẵn tiền tiết kiệm, đến những người nghèo đi vay lãi để tham gia… Nhưng những người này đều có những điểm chung đó là "lòng tham" đã lớn hơn "sự sợ hãi", họ quyết định bỏ số tiền rất lớn đầu tư vào một thứ mà chính họ chỉ hiểu "mù mờ", tất cả để đổi lấy một "cơ hội phù phiếm" về sự "giàu có và an nhàn mà không cần phải làm gì".
4. Cái kết luôn được dự báo trước
Bằng cách này hay cách khác, thực chất của những màn kịch này là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người trước, đến khi không có người nộp tiền tiếp theo thì hệ thống người tham gia sẽ bị vỡ. Và cái kết chắc chắn sẽ đến đó là phần lớn những người tham gia trên kia sẽ không thể thu hồi được "khoản đầu tư" ban đầu của mình: Không hợp đồng, nếu có hợp đồng thì cũng chỉ tượng trưng không có nội dung gì rõ ràng, không có hóa đơn, chứng từ nhận tiền, nạp tiền vào "hệ thống" thì hệ thống bây giờ không hoạt động, tìm "tuyến trên", người bảo trợ thì những người này cũng đi tìm những tuyến trên cao hơn để đòi tiền cho mình.
Và thậm chí những nạn nhân này cũng không khiếu nại, khiếu kiện tới các cơ quan chức năng vì họ không có bằng chứng gì liên quan đến các giao dịch nộp tiền. Một phần bản thân họ cũng đã đi dụ dỗ người khác tham gia nên có thể coi là người tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.
Để kiểm soát xử lý kinh doanh đa cấp biến tướng Cục đã có những giải pháp gì?
Thời gian gần đây, với việc các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận theo quy định bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi để lừa đảo có xu hướng gia tăng rất nhanh, phức tạp và đa dạng về hình thức hoạt động: Từ kêu gọi đầu tư thông qua việc mua cổ phần, mua phân quyền kinh doanh, rồi huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, đầu tư dự án vùng nguyên liệu… đến những hình thức lợi dụng thương mại điện tử như mua sắm hoàn tiền, mạng xã hội, bán khóa học online…
Hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu cho xã hội, do vậy việc cảnh báo và xử lý các đối tượng này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công thương mà cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị truyền thông, và việc xử lý không chỉ sử dụng biện pháp hành chính mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.
Với sự phát triển của công nghệ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có thể cho phép bất kỳ ai, lứa tuổi nào cũng dễ dàng tiếp nhận và trao đổi thông tin mọi lúc mọi nơi. Do đó, việc vận động, kêu gọi và tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng này có thêm công cụ thuận lợi qua các nền tảng như mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại đến các công cụ thanh toán trực tuyến. Các hoạt động trao đổi, giao dịch đều chủ yếu thực hiện thông qua môi trường mạng Internet.
Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý hành chính trong việc thu thập thông tin và chứng cứ để xử lý do hạn chế về thẩm quyền. Ngoài ra, hầu hết các vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp không phép khi phát hiện đều thuộc quy mô xử lý hình sự (Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Quy mô mạng lưới 100 người trở lên).
Chính vì vậy, để xử lý triệt để và đảm bảo tính răn đe, các cơ quan công an cần vào cuộc mạnh mẽ, và ngay từ đầu để thu thập chứng cứ làm căn cứ xử lý theo chế tài hình sự, theo các tội danh khác nhau: Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 290 (theo Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp) của Bộ luật hình sự.