Khi các cửa hàng không thể hoạt động do thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, nhiều DN, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã phải thay đổi, chuyển sang hoạt động bán hàng trực tuyến để tồn tại.
Trong khi nhiều DN lớn có khả năng xây dựng trang web bán hàng của riêng họ, các SME phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào kinh doanh. Không chỉ đơn giản là thiếu chuyên môn về kỹ thuật, mà đa số SME còn không biết đến cả những quy trình liên quan.
Khi các SME hiểu biết về công nghệ, xây dựng và vận hành các ứng dụng dựa trên cloud-native, họ có thể triển khai các ý tưởng đến thị trường nhanh hơn và đáp ứng sớm hơn các yêu cầu của khách hàng cũng như hòa nhập tốt hơn với những quy tắc trong tình hình bình thường mới.
Ngược lại, các SME không hiểu biết về công nghệ và không biết tận dụng lợi thế của các loại hình kỹ thuật số có thể sẽ sớm bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vừa qua, nhờ có mạng xã hội, các DN này đã có thể bán sản phẩm của mình trên các nền tảng xã hội hay các sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada.
Theo một cuộc khảo sát của PayPal, ở Singapore, mạng xã hội đã nổi lên như một phương thức hàng đầu để phát triển DN trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.
Trên thực tế, mạng xã hội đang là kênh bán hàng ưa thích của những người bán hàng trực tuyến, với 53% người được khảo sát cho biết hiện đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để bán các sản phẩm của họ.
Cụ thể, các SME đưa ra những lý do lựa chọn hình thức bán hàng qua mạng xã hội như cơ hội sử dụng lớn (53%), chi phí vận hành thấp (44%) và phí bảo trì thấp hơn (47%) so với các kênh bán hàng trực tuyến khác.
Facebook, Instagram và TikTok là những nền tảng mạng xã hội lớn nhất mà cả các SME và các tập đoàn lớn đã và đang dựa vào để giúp tăng doanh số bán hàng trong thời kỳ đại dịch. Thị trường thương mại xã hội toàn cầu cũng được dự đoán sẽ đạt quy mô thay đổi là 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026.
Điều thú vị là cuộc khảo sát cho thấy 43% SME bán hàng trực tuyến đã không nhận thấy những tác động tiêu cực từ đại dịch. Đối với vấn đề thanh toán, các SME cho rằng việc sử dụng nhiều hơn các phương thức thanh toán kỹ thuật số là sự thay đổi hàng đầu trong hành vi của người tiêu dùng ở Singapore kể từ khi COVID-19 bắt đầu.
Bên cạnh đó, số liệu của cuộc khảo sát cũng cho thấy 81% SME đã và đang có kế hoạch tham gia vào thương mại xuyên biên giới. Đồng thời, 78% SME được khảo sát cho biết họ quan tâm đến việc đầu tư vào nhiều tùy chọn thanh toán hơn để nâng cao trải nghiệm người dùng, với 49% người được hỏi bày tỏ sẵn sàng chuyển đổi sang PayPal như một trong hai tùy chọn thanh toán hàng đầu cung cấp các khoản thanh toán đáng tin cậy, an toàn và toàn cầu.
Rakesh Krishnamuti, Giám đốc kinh doanh DN của PayPal Đông Nam Á cho biết: "Trong khi các biện pháp hạn chế COVID-19 đặt ra những thách thức đáng kể cho nhiều DN, các SME ở Singapore đã cho thấy khả năng phục hồi của họ bằng cách thích ứng nhanh và đẩy mạnh hình thức bán hàng trên các nền tảng trực tuyến. Họ đã biết tận dụng mạng xã hội để quảng bá và bán sản phẩm, đồng thời thu hút thêm khách hàng mới ở các thị trường khác thông qua thương mại xuyên biên giới".
Đặc biệt, thực tế cho thấy các phương thức thanh toán số cũng đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhấn mạnh về điều này, Rakesh Krishnamuti khẳng định: "Nền tảng thanh toán số vẫn là một phần quan trọng và ngày càng trở nên liền mạch hơn trong hành trình mua sắm trực tuyến; và các SME cũng ngày càng có nhiều cơ hội phát triển hơn cả ở trong nước và quốc tế"./.