Chuyển động ICT

Mở rộng ứng dụng chatbot để cung cấp các dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam

Hoàng Linh 24/02/2023 15:33

Ứng dụng chatbot đã mang lại hiệu quả quan trọng để Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 từ sớm, từ xa và được khuyến nghị mở rộng ứng dụng.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Liên minh viễn thông châu Á - Thái Bình Dương (APT), Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (NIICS) - Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu phát triển nền tảng ứng dụng chatbot trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ kiểm tra triệu chứng COVID-19 và điều tra xã hội học trực tuyến tại Việt Nam” (Developing Chabot based E-services Platform for Providing Online Services to Support COVID19 Symptom Checker and E-survey in Vietnam). Hội thảo báo cáo kết quả dự án và thảo luận về xu hướng chatbot thế hệ mới với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam và đại diện ban thư ký APT.

cac-dai-bieu-tham-gia-hoi-thao-apt-24022023.jpg
Các chuyên gia tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo này có các chuyên gia cấp cao về CNTT-TT và chuyên gia y tế, các nhà hoạch định chính sách về CNTT-TT và lĩnh vực y tế tại Nhật Bản và Việt Nam bao gồm đại diện từ các đơn vị liên quan của Bộ TT&TT, Bộ Y tế Việt Nam, APT và Quỹ KDDI.

Các giải pháp tiết kiệm chi phí CNTT-TT như AI, chatbot rất hiệu quả

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT, đơn vị chủ trì dự án cho biết mục tiêu của dự án là phát triển nền tảng dịch vụ điện tử dựa trên chatbot tích hợp trên website của các cơ quan nhà nước (CQNN) để tương tác trực tiếp với người dân thông qua hệ thống trả lời câu hỏi/tin nhắn tự động và thực hiện khảo sát điện tử giúp người dân biết về triệu chứng, kế hoạch phòng ngừa và điều trị. Dự án cũng hỗ trợ các cơ quan hữu quan tiếp cận người dân kịp thời nhất, phát hiện và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao cũng như đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời.

ong-nguyen-thanh-phuc-24022023_1.jpg
Viện trưởng Nguyễn Thành Phúc: Việt Nam hiểu khá rõ tầm quan trọng và hiệu quả của các giải pháp tiết kiệm chi phí CNTT-TT như AI, chatbot

Là một quốc gia đang phát triển, Viện trưởng Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh: Việt Nam hiểu khá rõ tầm quan trọng và hiệu quả của các giải pháp tiết kiệm chi phí CNTT-TT như trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot… trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Vì vậy, mục tiêu cuối cùng của dự án là phát triển và áp dụng các phương pháp đánh giá mức độ phù hợp của việc sử dụng các công nghệ, ứng dụng CNTT-TT tiên tiến như AI, khoa học dữ liệu, chatbot… ở Việt Nam có thể được dùng làm mô hình tham khảo cho các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhờ ứng dụng ICT mạnh Việt Nam phòng chống dịch từ xa, từ sớm

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Viện Chiến lược TT&TT cho biết nhờ ứng dụng ICT mạnh, Việt Nam đã có thể phòng chống dịch từ xa và sớm. Ba hướng tấn công của COVID-19 gồm xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine. Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất. Việt Nam cũng trong nhóm các nước có số ca nhiễm COVID mới thấp nhất theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong phòng chống dịch COVID-19, Bộ TT&TT có vai trò khi đi đầu trong việc xây dựng nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19; quy hoạch lại các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả các biện pháp chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng. Trung tâm công nghệ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập vào tháng 6/2021, với sự hợp tác của Bộ Y tế và Bộ TT&TT, theo đó 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với hơn 20 ứng dụng khác nhau đã được phát triển. Cụ thể, một số nền tảng như: quản lý truy cập khai báo y tế bằng mã QR; phân luồng giao thông xanh bằng mã QR; hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; quản lý tiêm chủng COVID-19; hỗ trợ truy tìm; quản lý và giám sát cách ly; hỗ trợ chuyển bệnh nhân; có chatbot tư vấn phòng chống dịch COVID-19. Việt Nam cũng thống nhất một ứng dụng phòng chống dịch trên toàn quốc (ứng dụng PC-COVID).

Bộ TT&TT cũng đóng vai trò tích cực trong truyền thông phòng/chống COVID-19, trong đó ngành CNTT-TT như những “chiến binh số” trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời đấu tranh, phản bác, xử lý các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, từ đó tạo “lá chắn” vững chắc trong “cuộc chiến” này. Theo đó, có thể khẳng định Việt Nam cho thấy cách có thể ngăn chặn COVID-19 với nguồn lực hạn chế.

Thông tin tóm tắt về kết quả dự án phát triển nền tảng chatbot, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết NIICS đã hợp tác chặt chẽ với Quỹ KDDI trong việc phát triển hệ thống chatbot. Nhiều cuộc họp trực tuyến và ngoại tuyến được tổ chức để triển khai dự án.

Nền tảng xây dựng chatbot đã hoàn thiện 100% bao gồm: giao diện trực quan để tạo trợ lý ảo theo ngữ cảnh, hiểu ngôn ngữ tự nhiên cho người Việt, xuất bản và triển khai các dự án đàm thoại. Nhóm phát triển đã thu thập đầy đủ các yêu cầu phần mềm, thuê máy chủ phát triển và hoàn thành việc triển khai môi trường phát triển.

Nền tảng chatbot đã được triển khai thí điểm nhúng vào website chính thức của các cơ quan hữu quan tại Việt Nam với hai ứng dụng chính đầu tiên là kiểm tra triệu chứng COVID-19 và điều tra xã hội học.

chatbot-niics-2402023_2.jpg

Thông tin thêm, ông Nguyễn Ngọc Quế, thành viên dự án cho biết điều tra trực tuyến được triển khai tại địa chỉ https://niics.gov.vn/, kiểm tra triệu chứng COVID-19 tại http://emeeting.mic.gov.vn/. Thiết kế và kiến trúc của chatbot được được phát triển dựa trên mã nguồn mở và các tiêu chuẩn. Chatbot dễ dàng tương thích với các kênh nhắn tin phổ biến như FB Messenger, telegram, Slack… có thể nhúng trực tiếp vào website hoặc phần mềm mà không cần code.

Hệ thống hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau trong việc phân tích và xử lý ngữ cảnh hội thoại. 20.000 người đã gửi thông tin liên quan đến tình hình COVID; đã có 5000 phản hồi thông qua khảo sát.

Từ kết quả dự án, các khuyến nghị được NIICS gồm: mở rộng cấu hình hệ thống và các chức năng để tìm kiếm dữ liệu, theo đó, chatbot có thể giúp người dân điều hướng qua cổng dữ liệu mở rộng lớn (data.gov.vn) để lấy thông tin họ muốn mà không cần phải điều hướng qua trang web.

Đề xuất mở rộng thứ hai là chatbot có thể giúp cung cấp cho công dân thông tin về các cơ quan chính phủ, tin tức, thông cáo báo chí, lực lượng lao động, khiếu nại, ngừng dịch vụ công cộng và dữ liệu y tế công cộng

Đề xuất mở rộng thứ ba là các doanh nhân đang nghĩ đến việc thành lập doanh nghiệp có thể hỏi các chatbot của chính phủ về các quy tắc và quy định của chính quyền địa phương đối với việc cấp giấy phép kinh doanh.

hoan-thanh-du-an-chatbot-niics-24022023(1).jpg
Viện trưởng Nguyễn Thành Phúc ký kết bàn giao dự án với TS. Shigehiro Ano, Chủ tịch Quỹ KDDI

Tại hội thảo, TS. Shigehiro Ano, Chủ tịch Quỹ KDDI cũng đã trao đổi các thách thức đối với vận hành tự động hướng tới 5G và môi trường dựa trên đám mây; CEO Infore Technology Lê Công Thành có giới thiệu xu hướng của chatbot thế hệ tiếp theo và đại diện APT, Quỹ KDDI đã giới thiệu các dự án liên quan./.

Bài liên quan
  • Thống nhất triển khai ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19
    Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an đã thống nhất ứng dụng PC-COVID do Ban Chi đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng ứng dụng chatbot để cung cấp các dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO