Mong muốn đại biểu được bầu vào Quốc hội và HĐND là những người có đức, có tài

PV| 27/03/2021 06:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Cử tri và nhân dân mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp; đại biểu được bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Sáng 25/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Mong muốn đại biểu được bầu vào Quốc hội và HĐND là những người có đức, có tài - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: PV)

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đã đưa ra kiến nghị về năm vấn đề gửi tới Quốc hội. Cụ thể:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Thứ ba, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện các kiến nghị của cử tri, nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 10 đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giải quyết.

Nắm bắt nguyện vọng, tâm tư, ý kiến của cử tri gửi tới từ sau Kỳ họp thứ 10, cho thấy cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng. Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc, của đất nước ta; định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Đồng thời, cử tri và nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp; đại biểu được bầu vào Quốc hội và HĐND là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương; trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Bài liên quan
  • Khi dân tộc rất ít người cũng đã có đại biểu Quốc hội
    Cho đến khoá Quốc hội thứ XV này, có 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ Đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội. Điều này cho thấy quyền được tham gia chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam là hoàn toàn được tôn trọng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mong muốn đại biểu được bầu vào Quốc hội và HĐND là những người có đức, có tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO