Một Chính phủ năng động, quyết đoán

PV| 11/09/2022 15:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều Nghị quyết điều hành để lại dấu ấn đột phá trong từng thời điểm khó khăn của năm 2022. Những nỗ lực đã nhanh chóng nâng vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đáng kể.

Một Chính phủ năng động, quyết đoán - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Song hành với sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều Nghị quyết điều hành để lại dấu ấn đột phá trong từng thời điểm khó khăn của năm 2022, như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022… Trong hàng loạt các Nghị quyết đó vai trò của Nghị quyết 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để lại nhiều dấu ấn đáng kể trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2022; và Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022, Chính phủ xác định tầm quan trọng đặc biệt của công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Coi đó là yếu tố sống còn để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, theo đó cần phải làm thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ và hằng năm, không được phép sao nhãng, lơ là. Bởi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc cải cách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời tạo sân chơi "tối ưu" cho các nhà đầu tư nước ngoài là một nhu cầu tất yếu. Trong khi đó sau nhiều năm thăng hạng liên tiếp, 2 năm trở lại đây do đại dịch COVID-19, hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có dấu hiệu chùng xuống…

Trong nội dung Nghị quyết 02, 7 giải pháp tổ chức thực hiện đề ra Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải "xắn tay" vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp…

Những nỗ lực đó đã nhanh chóng nâng vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đáng kể. Cụ thể đến tháng 6/2022: Năng lực cạnh tranh 4.0 đứng thứ 67/141 tăng 10 bậc; Chính phủ điện tử xếp thứ 86/165, tăng 2 bậc; phát triển bền vững ở vị trí 51/165, tăng 37 bậc; an toàn an ninh mạng đạt thứ 25/194, tăng 25 bậc. Đối với chất lượng môi trường kinh doanh, có đến gần 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất…

Tiếp nối Nghị quyết 02, với tinh thần làm việc quyết liệt, tận tâm, không ngừng nghỉ, vào ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (i) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (ii) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (iii) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (iv) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (v) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc ban hành Nghị quyết 11 được đánh giá là phù hợp với bối cảnh của Việt Nam tại thời điểm và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện nhất để cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Cũng trong khuôn khổ Nghị quyết 11, Chính phủ rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh (với 24 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại 2 kỳ họp/2022); đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một Chính phủ năng động, quyết đoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO