Theo số liệu khảo sát, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có hơn 65% người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), tỷ lệ những người trong độ tuổi từ 16 - 25 tuổi sử dụng smartphone lên đến hơn 93%. Trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã triển khai các ứng dụng trên smartphone để theo dõi, quản lý, ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ, chậm trễ trong cập nhật dữ liệu và thông tin đã hạn chế việc quản lý xã hội hiệu quả bằng công nghệ, đồng thời đã có một số phiền toái cho người dân thành phố.
Nhiều ứng dụng khai báo phòng chống dịch Covid-19
Nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch Covid-19, nhiều nền tảng công nghệ đã và đang được gấp rút xây dựng. Trước hết phải kể tới 3 ứng dụng VHD, Bluezone, NCOVI và website: tokhaiyte.vn. Các ứng dụng này có chức năng khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" nhằm phục vụ cho công tác tiêm chủng, quản lý sức khỏe người dân. Ứng dụng này cũng tích hợp thêm tính năng khai báo y tế phòng dịch Covid-19. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện vận tải ưu tiên hoạt động trên luồng xanh tại cổng thông tin luongxanh.drvn.gov.vn , còn Bộ Công an thực hiện quản lý khai báo di chuyển nội địa thông qua suckhoe.dancuquocgia.gov.vn…
Về tiêm vaccine ngừa Covid trong cộng đồng, việc tổ chức tiêm chủng và việc thống kê tiêm chủng là công việc hết sức quan trọng để đánh giá thống kê những người được tiêm chủng 1 mũi hay 2 mũi, từ đó sẽ điều chỉnh kế hoạch, chiến lược cho phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian triển khai công tác này tại TP. HCM đã có một số điểm chưa được phát huy hiệu quả, dẫn đến kết quả bị sai lệch và một số trường hợp bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tiêm. Việc ghi nhận tiêm vaccine hoàn toàn thủ công - nhân viên y tế lên danh sách những người được tiêm chủng, sau đó mới tổng hợp và nhập vào hệ thống. Có nhiều trường hợp người dân tiêm mũi 1 và mũi 2 ở hai nơi khác nhau...
Trận dịch lần này cũng ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của người dân cho thấy cần phải ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn nữa dụng trong công tác phòng chống dịch.
Tiêm vaccine cho người dân tại 1 khu dân cư.
Một số đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng chống Covid-19
Một là, thống nhất nền tảng hạ tầng công nghệ.
Đây là công việc tiên quyết và rất cần thiết trong việc ứng dụng công nghệ. Hiện nay có quá nhiều phần mềm ứng dụng được cơ quan chức năng khuyến cáo sử dụng để khai báo... gây phiền phức và rắc rối cho người dân. Thay vì phải khai báo nhiều lần, các dữ liệu khai báo thông tin nên được đồng bộ hóa, giúp người dùng không phải khai đi khai lại thông tin cá nhân khi làm việc với các cơ quan khác nhau.
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) cần phải được liên kết với nhau chặt chẽ, nên thống nhất rút gọn lại 1 - 2 phần mềm cho người dân thuận tiện sử dụng. Có thể kết hợp những dữ liệu cần truy xuất và theo dõi trên cùng 1 phần mềm: như theo dõi kết quả tiêm vaccine, theo dõi quá trình di chuyển, truy vết F0, ghi nhận số liệu test lấy mẫu, ghi nhận số liệu đã tiêm vaccine. Nền tảng công nghệ cần phải được thống nhất từ thành phố, xuống quận, huyện và xuống phường, xã , các tổ dân phố.
Hai là, thiết lập quy trình đồng bộ để việc áp dụng công nghệ hiệu quả.
Thiết nghĩ cần phải xây dựng 1 quy trình đồng bộ, khoa học, đơn giản cho các khâu trong công tác phòng và chống dịch. Ví dụ: quá trình tiêm vaccine sẽ được thống nhất từ khâu thông báo lịch tiêm, tổ chức tiêm, ghi nhận kết thúc tiêm mũi 1, nhắc tiêm mũi 2, và ghi nhận tiêm mũi 2. Người dân sẽ được phát mã QR để sử dụng đăng ký tình trạng trước khi tiêm, sau khi tiêm, kết quả sẽ được cập nhật trong hệ thống sau khi quá trình tiêm kết thúc, thay vì sử dụng cách nhập số liệu thủ công như hiện nay. Có như vậy, quá trình ghi nhận số liệu sẽ chính xác, hiệu quả, kịp thời, từ đó các chiến lược, kế hoạch đưa ra sẽ đúng và trúng hơn.
Ba là, hệ thống hóa quy trình theo dõi bệnh nhân nặng điều trị Covid-19.
Cần có 1 CSDL liên kết giữa các bệnh viện, các trung tâm điều trị để theo dõi các bệnh nhân trở bệnh nặng, khi người nhà bệnh nhân muốn tìm kiếm thông tin, họ có thể được cấp 1 mã số để truy cập và biết được tình trạng người thân của mình. Trường hợp bệnh nhân mất, CSDL này cũng sẽ được cập nhật cho đến lúc người thân nhận được tro cốt của người bệnh. Có như vậy, công tác phòng và chống dịch sẽ trở nên nhân văn hơn, tạo được sự yên tâm với gia đình người bệnh và người được điều trị.
Người dân chờ lấy giấy xác nhận sau khi tiêm vaccine tại Quận 7.
Với hệ thống này, việc theo dõi và khoanh vùng bệnh nhân F0 cũng trở nên dễ dàng và chính xác hơn khi chúng ta sử dụng phần mã quét tự khai báo F0 cho người dân. Từ đó, người dân có thể kêu gọi sự hỗ trợ khi có ca bệnh chuyển nặng, cơ quan quản lý cũng có thể cập nhật và quản lý chính xác được số lượng người bệnh tại địa phương. Ngoài ra cũng có thể xem xét việc sử dụng vòng đeo tay điện tử để theo dõi nhiệt độ và tình trạng các ca F0.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc gia tăng số lượng các ca nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy việc sống chung với dịch bệnh lâu dài là điều phải thực hiện. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác phòng và chống dịch Covid-19 sẽ giúp chúng ta chủ động hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn. Chỉ có thích ứng với tình hình mới, xác định sống chung với dịch bệnh, ứng dụng khoa học công nghệ triệt để thì cuộc sống của người dân và của thành phố mới sớm trở nên bình thường./.