Thông tin cá nhân bán công khai
Anh Lê Ngọc Hùng (Thanh Xuân Hà Nội), chủ nhân của số điện thoại 098388xxxx chia sẻ với chúng tôi về những phiền toái mà hằng ngày anh đang phải chịu. Thời gian gần đây không hiểu vì sao một công ty bảo hiểm có chi nhánh ở Hà Nội thường xuyên gọi tư vấn và cho vay tiền. Ban đầu anh Hùng có lịch sự từ chối, nhưng sau đó anh lại liên tiếp nhận các cuộc gọi từ công ty này. “Không hiểu tại sao công ty này lại có thông tin cá nhân của tôi trong khi những thông tin cá nhân đó tôi chỉ cung cấp cho nhà mạng. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra và xử lý tình trạng này để tránh phiền toái, đặc biệt là lộ hết thông tin cá nhân”, anh Hùng bức xúc.
Cùng chung nỗi niềm đó, chị Lê Thị Thủy (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, chị thường xuyên bị làm phiền bởi những cuộc gọi dịch vụ. Khi thì mời mua nhà, mua đất, lúc lại mời tham khảo dịch vụ y tế, thậm chí người ta còn biết chị đang có con học cấp 2 nên mời cả gia sư tiếng Anh, còn những cuộc gọi mời tham gia chơi chứng khoán thì nhiều vô kể. Chị Thủy cho biết: “Cứ số lạ gọi đến là y như rằng số dịch vụ. Tôi không hiểu tại sao thông tin cá nhân của mình lại bị lộ, họ còn biết cả ngày sinh, rồi gia đình có bao nhiêu người, độ tuổi ra sao. Quả thực như vậy là không thể chấp nhận được”.
Chỉ cần lên Google hoặc mạng xã hội gõ từ khóa “mua thông tin cá nhân” sẽ cho ra hàng nghìn kết quả. Tài khoản “Hue An” có đăng trạng thái trong một nhóm kín chuyên mua bán thông tin cá nhân: “Chỉ với 500.000 đồng mình sẽ cung cấp cho các bạn data thông tin gồm nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, rất hữu ích để phát triển thị trường. Đây là dữ liệu của hàng chục dự án bất động sản từ Bắc vào Nam, bao gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại… Chưa kể, người bán còn có khuyến mại một số dữ liệu ngành nghề khác nếu người mua cần.
Anh Trần Tuấn (Thạch Thành – Thanh Hóa), một nhân viên môi giới bất động sản ở Hà Nội cho rằng, đây là những quảng cáo hết sức bình thường và quen thuộc trên “chợ” data. Anh Tuấn giải thích: “Đây là cách tiếp cận khách hàng rất tốt, bởi ngành nghề nào cũng cần có những khách hàng mục tiêu. Để giảm thời gian, chi phí thì những người làm dịch vụ như chúng tôi ai cũng sẽ bỏ tiền ra mua thông tin, từ đó sẽ chọn lọc và gọi điện tiếp cận khách hàng”. Theo anh Tuấn thì trên mạng xã hội có rất nhiều nhóm chia sẻ và mua bán thông tin cá nhân như: “Data khách hàng tiềm năng”, “Cộng đồng big data”, “Chuyên trao đổi data chất lượng”, “Chợ mua bán data chất lượng toàn quốc”…
Tại các nhóm này, hằng ngày sẽ có cả chục bài viết rao bán danh sách thông tin, dữ liệu cá nhân như: “Khách hàng mua chung cư cao cấp Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, “Khách mua tại các cửa hàng thời trang”, “Khách đến thẩm mỹ viện”, “Khách là phụ huynh có con học cấp 3”… Giá cho mỗi giao dịch mua bán data trung bình chỉ vài trăm nghìn đồng. Con số sẽ tăng giảm tùy theo nhu cầu, số lượng. Nhưng về cơ bản là “rẻ như bèo”.
Không chỉ là những data thông tin cơ bản của khách hàng, “chợ” data còn công khai rao bán cả những loại giữ liệu “mật” của khách hàng như: “Mình đang có data lượng lớn số khách nhà giàu, phù hợp cho các bạn kinh doanh, môi giới nhà đất. Alo để biết thêm”. Để xác minh xem những thông tin rao bán là có thật hay không, chúng tôi có điện thoại đến một người tên Hoàng (chuyên bán data trên các hội nhóm). Người này nghe máy rất nhanh và tư vấn rất nhiệt tình. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua data của những người giàu trên địa bàn Hà Nội. Anh này cho hay, anh có data khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng, cả những khách hàng mua biệt thự và chung cư cao cấp. “Đây là những thông tin vô cùng quý, được tuồn ra từ nội bộ, không phải người bán nào cũng có, do có người quen làm ở ngân hàng nên mới có được. Nếu mua thì chị chỉ cần chuyển khoản là em sẽ gửi file cho ngay sau đó”, Hoàng tự quảng cáo.
Qua tìm hiểu, không chỉ có mạng xã hội, “chợ data” còn được người bán rao khắp các website, họ công khai những thông tin của khách hàng. Trang datakhachhang có đủ loại data cho mọi đối tượng, từ dữ liệu khách hàng của nhiều nhà mạng điện thoại lớn, khách hàng chứng khoán, khách mua xe hơi... Thậm chí, một số dữ liệu cá nhân còn được niêm yết ngay trên trang chủ để người có nhu cầu chọn lựa.
Điều đặc biệt, tất cả các giao dịch mua bán data khách hàng không bao giờ trực tiếp. Chỉ khi thuận mua vừa bán, bên mua sẽ chuyển khoản còn bên bán sẽ gửi file thông tin cho khách qua zalo hoặc email. Việc liên hệ để gặp trực tiếp các “cò” data dường như là không thể, phần vì họ cảm thấy không cần thiết, nhưng lý do chính vẫn là sự an toàn của mình. Chỉ cần thấy khả nghi và không an toàn, người bán sẵn sàng chặn số, chặn tin nhắn trên mạng xã hội.
Qua một người quen, chúng tôi tiếp xúc với “cò” data tên Thanh Thắng. Thắng là một trong những người chuyên bán data trong các nhóm kín trên Facebook, tuy nhiên việc bán data khách hàng này không phải nghề chính mà anh đang là nhân viên tư vấn về tài chính. Thắng tiệt lộ, nhờ những mối quan hệ “đặc biệt” mà hiện mình đang nắm giữ rất nhiều data từ ngân hàng, bảo hiểm đến cả những người thường xuyên đi thăm khám tại các cơ sở y tế, thậm chí cả số điện thoại và thông tin của các giám đốc công ty vừa mới thành lập. “Đây là bí mật nghề nghiệp nên không thể tiết lộ được. Nhưng em luôn tự hào rằng data của em đều là những thông tin mới nhất, độc nhất hiện nay”, Thắng nói.
Chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt
Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena) cho biết, tới thời điểm này, hầu như chưa có trường hợp doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm về việc để lộ lọt thông tin cá nhân khách hàng, cho dù tình trạng thông tin cá nhân bị rò rỉ đã xảy ra rất nhiều trong ngành hàng không, thông tin di động, địa ốc, bảo hiểm nhân thọ…
Qua tìm hiểu các quy định chế tài về vấn đề này đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng dường như chưa có vụ việc nào được đưa ra xử lý nghiêm. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa từng khởi kiện vụ nào. Chính vì thế việc phát tán, mua bán thông tin cá nhân trên mạng và các doanh nghiệp để lộ lọt thông tin cá nhân khách hàng sẽ không sợ, thậm chí nhờn luật.
“Cũng có rất ít doanh nghiệp đầu tư xây dựng các giải pháp công nghệ kỹ thuật và quy trình quản trị để tránh bị lấy cắp thông tin khách hàng, đặc biệt là từ người “trong nhà” mang ra bên ngoài. Đầu tư thì phải chi phí, nhưng không quá tốn kém. Song cái chính là đa phần doanh nghiệp không quan tâm ngoại trừ một số ít ngành như ngân hàng, cho nên tình trạng phát tán, mua bán thông tin cá nhân vẫn cứ diễn ra sôi động như chưa bao giờ có sự cấm cản”, chuyên gia Võ Đỗ Thắng cho hay.
Cùng về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Iterlia cho biết: “Việc mua bán thông tin cá nhân đã vi phạm quy định tại điều 38 Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư. Công bố, thu thập thông tin tư liệu đời tư cá nhân nhất thiết phải được sự đồng ý. Mua bán thông tin cá nhân là bất hợp pháp, gây nguy hại cho xã hội nên cần xử lý hình sự hành vi này”.
Thời gian qua, lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và công an các địa phương liên tiếp triệt phá nhiều đường dây mua bán dữ liệu của cá nhân, tổ chức. Ðiều đáng nói, các dữ liệu này được rao bán công khai trên các trang mạng, diễn đàn tin tặc…
Gần đây nhất, tháng 5-2022, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế triệt phá đường dây mua bán dữ liệu cá nhân trái phép có quy mô liên tỉnh và lớn nhất tại địa phương, khởi tố 5 đối tượng về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".
Trước đó, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện nhóm "mua bán data mới 2020" trên Facebook có khoảng 300 thành viên, hoạt động mua bán, trao đổi dữ liệu thông tin cá nhân trái phép với giá 1.000 đồng/thông tin. Các đối tượng thường trao đổi thông tin qua Zalo, Messenger và chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng.
Kết quả điều tra xác định, nhóm này đã mua, bán khoảng 6,2 triệu thông tin dữ liệu cá nhân trên toàn quốc, thu lời bất chính 2,3 tỷ đồng.