Diễn đàn

Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước là phát triển bền vững

Hoàng Linh 28/07/2023 17:03

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo một số công việc trọng tâm, trong đó nhấn mạnh các đơn vị thuộc Bộ TT&TT phải hiểu sâu sắc công việc quản lý nhà nước (QLNN) để ngành phát triển bền vững.

bt-nguyen-manh-hung-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ TT&TT phải trở thành Bộ hình mẫu về truyền thông chính sách

Hiểu nghề để làm sâu sắc, triệt để

Chỉ đạo về lĩnh vực báo chí - truyền thông, Bộ trưởng cho biết, trên báo của Bộ, bài viết về Bộ TT&TT còn chưa sâu (như viết về SIM rác...) và số lượng còn ít. Các cơ quan truyền thông của Bộ gồm Báo điện tử Vietnamnet, Tạp chí TT&TT, Trung tâm thông tin phải là những cơ quan truyền thông chủ lực về Bộ, là nguồn để truyền thông về Bộ ra bên ngoài.

Các cơ quan thuộc Bộ TT&TT quan tâm hơn nữa đến truyền thông chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ TT&TT phải trở thành Bộ hình mẫu về truyền thông chính sách. Báo chí không chỉ đưa tin mà phải phân tích, đánh giá, nêu ra được những vấn đề lớn hơn.

Bộ trưởng cũng giao cho các đơn vị chức năng nhiệm vụ xây dựng định mức, đơn giá cho cơ quan báo chí. 

Về lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là việc xử lý SIM rác, Bộ trưởng chỉ đạo phải làm triệt để bởi chúng ta đã bước vào giai đoạn 3 là giai đoạn cuối của việc xử lý SIM rác. Theo Bộ trưởng, cơ quan quản lý phải khống chế SIM mới phát hành. Nếu xử lý SIM cũ mà lại phát hành thêm nhiều SIM mới thì không thể làm triệt để.

Cụ thể, cần xem xét việc dừng đại lý cung cấp SIM. Người dân đăng ký SIM ở cửa hàng của nhà mạng mới giảm được tình trạng SIM rác. Trước đây để phổ cập điện thoại di động phải mở rộng mạng lưới đại lý tạo điều kiện cho người dân đăng ký, giờ điện thoại di động đã được phổ cập thì phải làm ngược lại.

Ngày trước mở rộng đại lý bán SIM là đúng. Giờ mỗi năm chỉ thêm khoảng 1 triệu SIM cho người dùng mới mà vẫn theo cách quảnngày xưa thì không được. Phải kiểm soát SIM mới ra thị trường thay chỉ loay hoay xử SIM cũ”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cũng lưu ý việc đã có thông tư cấm nhập máy 2G nhưng thiết bị 2G vẫn nhập khẩu về qua đường tiểu ngạch. Hiện các nhà mạng có công cụ để phát hiện thiết bị chỉ có 2G, do đó cần quy định cho nhà mạng "cứ nhìn thấy thuê bao chỉ có 2G thì chặn luôn" thì sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “ban hành quy định thì phải có biện pháp kỹ thuật mới giải quyết được vấn đề. Đây là bài học chung cho các đơn vị thuộc Bộ. Muốn chặn phải chặn hệ lụy trước, sau đó mới đi chặn cái đang tồn tại.

Lĩnh vực chữ ký số cũng tương tự, phải nghĩ sâu sắc về việc phổ cập qua việc tìm cách để giảm giá và xác định và thúc đẩy phát triển ứng dụng thiết yếu phải dùng chữ ký số.

bt-nguyen-manh-hung(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Quản lý nhà nước các lĩnh vực TT&TT cần nghiêm túc và phải rất hiểu nghề để làm triệt để.

Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực TT&TT cần nghiêm túc và phải rất hiểu nghề để làm triệt để”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Không chấp nhận con số ảo

Về công tác chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Bộ trưởng yêu cầu các số liệu phải thực như xác định lại tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)... Nếu con số có thấp thì cũng phải chấp nhận và lấy đó là động lực để phấn đấu. Các đơn vị, lãnh đạo đơn vị trong Bộ phải có trách nhiệm về việc xác định các số liệu thực.

Bộ trưởng cũng nêu rõ muốn QLNN thì phải đo lường được, phải công bố số thật nếu không thì không nhìn được bản chất. Nhìn bản chất để kết quả bền vững. Trong đo lường, nên đo qua môi trường số bởi môi trường số là kết nối, không nên hỏi bằng giấy.

Về an toàn thông tin (ATTT), đánh giá cấp độ của các hệ thống thông tin rồi thì triển khai biện pháp bảo vệ cho các hệ thống này và phải làm dưới dạng nền tảng. Nếu không sẽ tốn kém chi phí cho đất nước.

Lĩnh vực công nghiệp ICT đang phải xây dựng luật và nhiều chiến lược. Theo đó, cần phải học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng luật tương đương sẽ dạy cho mình nhiều thứ mà ngồi nhà sẽ không nghĩ ra được”.

Một số vấn đề mang tính nhận thức

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã nhấn mạnh lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức một số vấn đề khi nhận nhiệm vụ mới. Nhận nhiệm vụ mới là một nhiệm vụ cho mình, phải cố gắng làm, tạo ra thành tích chứ không phải "nhận rồi không làm".

Nhận việc thì làm đến kết quả, không đợi gần hết hạn rồi xin gia hạn. Chúng ta không nhận bừa, làm túc tắc, không làm được thì nên nói ngay từ đầu”, Người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.

Khi nhận thức "không làm được" thì có thể hỏi, lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ cùng bàn với nhiều góc nhìn, mở ra những giải pháp mới.

Khi Bộ trưởng đã công bố một mục tiêu, tức là nhiệm vụ chính trị của Bộ. Cán bộ cấp trưởng, phụ trách đơn vị đứng đầu phải chú ý việc này.

Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước là phát triển bền vững. Đề nghị các đơn vị bao giờ cũng nhìn vào kết quả cuối cùng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng cho biết nhận thức cũ về QLNN là tạo ra tờ giấy (luật, chỉ thị, nghị định), nhưng tờ giấy đó nếu được ban hành không đúng lại cản trở sự phát triển. “Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước là phát triển bền vững. Đề nghị các đơn vị nhìn vào kết quả cuối cùng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, luật, nghị định, thông tư, văn bản không phải sản phẩm cuối cùng, chỉ là trung gian đến kết quả. Phải có hành động để biến thể chế thành kết quả. Văn bản ban hành mà chỉ dưới 30% đối tượng thực hiện được là văn bản chưa tốt. Văn bản ban hành phải hướng tới mục tiêu đa số đối tượng thực hiện được.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Bộ trưởng cũng cho biết các nước phương Tây có kinh nghiệm xây dựng thể chế nên khi xây dựng các luật nên tham khảo. “Cần phải nắm lý luận chứ không đơn thuần chỉ là các điều khoản. Nên đi học hỏi nước khác để tham khảo về lý luận”.

Xây dựng cơ sở tri thức của các tổ chức

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị về xây dựng cơ sở tri thức của các tổ chức. “Nhiều đơn vị đã chọn đây là việc lớn của đơn vị trong nhiệm kỳ này. Đây là việc phải làm trong thời gian dài thì tổ chức mới bền và phát triển được. Đây là việc quan trọng số Một”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cần dành nguồn lực để truyền thông chính sách

Trao đổi về công tác truyền thông chính sách, tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết Cục Báo chí đã làm việc để kết nối mạng lưới truyền thông chính sách. Giờ đây cần đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về truyền thông chính sách.

thu-truong-nguyen-thanh-lam(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: Cần phải tăng cường năng lực truyền thông chính sách cho báo chí.

Theo Thứ trưởng, “cần phải tăng cường năng lực truyền thông chính sách cho báo chí. Các bộ ngành sẽ phải dành nguồn lực để đào tạo đội ngũ báo chí viết về chính bộ ngành mình.

Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT đang phối hợp kết nối tất cả các cơ quan báo chí trong cả nước lên trục liên thông hệ thống văn bản điện tử để thúc đẩy việc gửi - nhận văn bản liên quan qua hệ thống văn bản điện tử.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nêu thực tế là cứ có lừa đảo trên không gian mạng thì xã hội coi là trách nhiệm của Bộ TT&TT. Điều này không đúng. Các ngành khác phải quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng như quản lý trong thế giới thực.

Tham gia về đàm phán kinh tế số: Giấc mơ phải lớn hơn, thành tựu phải lớn hơn

Trong tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Chính phủ đã chính thức giao Bộ TT&TT chủ trì đàm phán chương Kinh tế số trong khuôn khổ hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

thu-truong-phan-tam.jpg
Thứ trưởng Phan Tâm: Chính phủ đã chính thức giao Bộ TT&TT chủ trì đàm phán chương Kinh tế số trong khuôn khổ hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, các đơn vị phải phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế để xác định những nội dung cam kết.

Thứ trưởng cho biết nội dung liên quan đến cam kết về Kinh tế số rất khó và mới, biến động rất nhanh. Khái niệm kinh tế số là mới. Thời gian đàm phán chỉ còn 5 tháng. Đây là một công việc khó khăn, lớn và đàm phán trong bối cảnh nội luật chưa đầy đủ là một thách thức.

Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các cơ quan đơn vị thuộc Bộ phải phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế để xác định những nội dung cam kết sẽ tác động tới lĩnh vực của mình, cũng như liên quan đến cơ chế chính sách nội luật hiện có. Với những tác động không tích cực, các đơn vị liên quan phải tham mưu đề xuất cơ chế chính sách ngay.

Theo Thứ trưởng, khi tham gia đàm phán, phải xây dựng cơ chế chính sách trong tương lai. Đây thực chất là quá trình rà soát bổ sung xây dựng các quy định pháp luật về kinh tế số.

toan-canh-28072023.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tham gia đàm phán là cơ hội tốt và cần coi đây là dịp để bồi đắp tri thức ngành TT&TT. Việt Nam trưởng thành nhiều về viễn thông khi đi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ đó hình thành đội ngũ lãnh đạo ngành TT&TT có bản lĩnh, tri thức.

Theo Bộ trưởng, không nên lo sợ, không có những việc khó như vậy thì sẽ không giỏi lên được. Thế hệ cán bộ đi trước dù không được đào tạo như thế hệ hôm nay nhưng đã làm tốt. Vì vậy, thế hệ hôm nay có điều kiện tốt hơn thì không thể kém hơn. Giấc mơ phải lớn hơn, thành tựu phải lớn hơn. Đàm phán về Kinh tế số đạt kết quả khả quan sẽ đưa dân tộc cùng phát triển./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước là phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO