Kinh tế số

Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới

PV 23/12/2023 15:40

Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ SIA, để làm ra một chip bán dẫn, có 3 khâu cơ bản gồm: Thiết kế, sản xuất và đóng gói, trong đó khâu thiết kế chiếm khoảng 53% giá trị trong chip, khoảng 24% ở khâu sản xuất và 6% còn lại ở khâu đóng gói. Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

anh-ttcs-29.jpg
Ảnh minh họa

Intel đã bắt đầu phát triển nhà máy tại Việt Nam từ năm 2006. Năm 2021, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, Intel trở thành doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Năm 2021, Intel công bố tăng vốn đầu tư của dự án này thêm gần 50% so với trước đó để sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi, đưa tổng vốn đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam lên xấp xỉ mức 1,5 tỷ USD. Nhà máy Intel Products Vietnam (IPV) hiện là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel, ước tính chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu.

Sau Intel, năm 2022 Samsung cũng tiết lộ đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ cuối 2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Tháng 9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc trị giá gần 600 triệu USD ở KCN Vân Trung (Bắc Giang). Đến năm 2025, Hana Micron Vina có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 4 nghìn lao động.

Tháng 10/2023, nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) tiếp tục được khánh thành tại Bắc Ninh, chuyên sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động và tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Việt Nam đang được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái bán dẫn, với tiềm năng sẵn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện mới đây, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Việt Nam chiếm hơn 10% tổng số lượng chip nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đứng thứ 3 về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Hoa Kỳ, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh các dự án nước ngoài, tại Việt Nam, một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip “Make in Viet Nam”. Tháng 9/2022, FPT Semiconductor, Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (FPT Software - Công ty thành viên Tập đoàn FPT) bất ngờ ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Theo thông tin từ FPT Semiconductor, thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói, sau đó sẽ được phân phối ở các thị trường Australia, Trung Quốc.

Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Viet Nam” đến các tập đoàn trong nước. Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch sản xuất thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Theo báo cáo của Gartner, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) dự báo ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng tới 11,8% trong năm 2024, lên mức 576 tỷ USD, nhờ phân khúc bộ nhớ có thể tăng trưởng tới 40% so với năm 2023.

Ngoài ra, Hiệp hội Quốc tế về Thiết bị và Vật liệu Bán dẫn (SEMI) dự kiến doanh thu toàn cầu của ngành sản xuất chất bán dẫn sẽ phục hồi vào năm 2024, đạt 100 tỷ USD tương ứng mức tăng 14,4% so với năm 2022.

Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO