Lợi ích và cơ hội mà công nghệ mang lại cho các tổ chức tôn giáo
Đại dịch đã buộc các nhóm tôn giáo và các nhà lãnh đạo phải hình dung lại các tập tục và hình thức gặp gỡ truyền thống của họ.
Tại Mỹ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã từng không mặn mà với công nghệ trước đó thì vào đầu năm 2020 đã thừa nhận những lợi ích và nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào hoạt động của tổ chức mình. Facebook, YouTube và Zoom đã trở thành nơi tổ chức hàng chục nghìn cuộc cầu nguyện và hoạt động tín ngưỡng khác vào mỗi cuối tuần tại đất nước này.
Bà Heidi Campbell (người đã nghiên cứu cách các cộng đồng tôn giáo phản ứng với công nghệ trong hai thập kỷ rưỡi) chỉ ra rằng những chuyển biến trong việc ứng dụng công nghệ đã đánh dấu một thời điểm độc đáo và quan trọng đối với tôn giáo đương đại. Bà nhận định: các cộng đồng tôn giáo và hoạt động của họ đang được định hình bởi các điều kiện của đại dịch. Trong đó, việc các nhà thờ lựa chọn ứng dụng và tương tác với công nghệ sẽ quyết định sự tồn tại, phát triển và thích ứng của chính tổ chức tôn giáo ấy trong tương lai. Càng ngày, các nhà lãnh đạo tôn giáo đang càng hướng đến việc ứng dụng công nghệ với những lợi ích rõ ràng từ trải nghiệm thực tế.
Các lợi ích có thể nhận thấy là việc nhờ công nghệ mà các tổ chức tôn giáo có cơ hội mở rộng ảnh hưởng của tổ chức họ đến đến các nhóm và cá nhân mới. Đơn cử như một số tôn giáo đã thử nghiệm thờ phụng và tu tập trực tuyến trước cả khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Họ đã nhận thấy sức mạnh của công nghệ mà nhiều nhóm tôn giáo trước đây không hề hay biết. Tuy nhiên, đối với những nhóm này, họ đã có một chặng đường học tập khó khăn không tránh khỏi những sai lầm và thử thách. Nhưng chính việc trải nghiệm thực hành này đã mang lại cho họ những hiểu biết sâu sắc về công nghệ. Đồng thời mang lại cho họ những cơ hội để thử nghiệm các chiến lược mới trong việc xây dựng kế hoạch kết nối giữa các môn đồ và hội nhóm của họ.
Công nghệ giúp đổi mới và sáng tạo các giá trị và bản sắc tôn giáo trong tương lai
Trước những mối hiểm nguy lây lan trong cộng đồng của đại dịch COVID-19, các tín đồ tôn giáo trên thế giới không được phép tu tập trực tiếp. Trong hoàn cảnh ấy, câu hỏi về mục đích và tính chất cơ bản của mỗi tôn giáo được đặt ra. Cụ thể là các thực hành về giãn cách xã hội và việc tạo ra các dịch vụ thờ phụng trực tuyến sẽ làm nổi bật các giá trị cốt lõi và nghi lễ đặc thù của mỗi tôn giáo. Ngoài ra, việc không thể gặp mặt và sinh hoạt tín ngưỡng trực tiếp đã khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về trọng tâm cơ bản và thực hành tôn giáo của họ.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có một số nhà thờ tuyên bố sứ mệnh của họ là tập trung vào việc đào tạo môn đồ hoặc tiếp cận các môn đồ mới để tạo điều kiện cho việc kinh doanh việc cung cấp dịch vụ thờ phụng của họ. Tiết lộ này sẽ thách thức các tổ chức tôn giáo đánh giá lại sứ mệnh và bản sắc của mình.
Trước những thử thách của đại dịch COVID-19, các cộng đồng tôn giáo tỏ ra linh hoạt và sẵn sàng đổi mới, áp dụng công nghệ chính là yếu tố thúc đẩy khả năng phục hồi và phát triển về lâu dài của họ.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chính lãnh đạo cùng các thành viên trong cộng đồng tôn giáo bằng sự linh hoạt của mình là nhân tố quan trọng góp phần khuyến khích sự sáng tạo tôn giáo và những thay đổi của tổ chức trong tương lai. Chẳng hạn như trong vòng vài ngày sau khi biết về cuộc khủng hoảng và các vụ đóng cửa sắp xảy ra ở Hoa Kỳ, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã có thể đổi mới cách thức hoạt động truyền thống của nhà thờ hàng thế kỷ bằng cách áp dụng công nghệ để hoạt động tín ngưỡng trên nền tảng trực tuyến.
Bằng cách sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ mới và các nền tảng trực tuyến khác phong phú để kết nối với nhau trong các cuộc cầu nguyện, ăn mừng cũng như học giáo lý, các tổ chức này đã khuyến khích sự thực hành và thích nghi các phương tiện công nghệ trong đời sống tín ngưỡng của họ. Sự linh hoạt này cho thấy các hội đoàn có thể tái tạo lại tổ chức tôn giáo và xây dựng các cộng đồng để thích ứng với các điều kiện thay đổi do đại dịch.
Như vậy, công nghệ chính là những tiềm năng tích cực giúp các tổ chức tôn giáo đổi mới và thích ứng trước những đổi thay của đại dịch thế kỷ mang lại. Nó cũng góp phần thay đổi cách nhận thức và góc nhìn về giá trị của tôn giáo trong mỗi cá nhân và cộng đồng.
Các nhóm và nhà lãnh đạo tôn giáo cho phép bản thân hình dung và thử nghiệm các hình thức tập hợp, xây dựng mối quan hệ và gắn kết cộng đồng mới, tạo ra một nền tảng cho phép các cộng đồng tín ngưỡng của họ chuẩn bị cho và đáp ứng với sự thay đổi trong tương lai.
Tại Việt Nam, công nghệ đã trở thành phương tiện mới phổ biến đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Việc cầu nguyện, tu tập trực tuyến đã trở thành hoạt động thường xuyên của các nhà thờ, nhà chùa và các tổ chức tôn giáo. Thậm chí việc cúng dường online cũng được các tổ chức tôn giáo thực hiện trong những năm đại dịch.
Các tổ chức Phật giáo có uy tín tại Việt Nam cũng đã có những trang truyền thông chính thống của mình để làm cơ sở tra cứu chuẩn mực cho Phật tử khắp nơi. Những trang đã đăng tải các tài liệu về Phật giáo hay các bài thuyết pháp chính pháp có chất lượng về âm thanh, hình ảnh cũng như tạo ra các mục nhằm trao đổi và giải đáp những thắc mắc của người đọc hay người tìm hiểu về Phật pháp.
Ngoài ra, trong chương trình giảng dạy, ngoài những tư tưởng cốt lõi của đạo Phật thì cũng đã được cập nhật những giáo lý về toán học, y học, công nghệ IT … để Phật tử có thể cảm nhận rõ ràng về sự tiến bộ, khoa học của Phật giáo trong bối cảnh xã hội mới. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Phật giáo. Đó chính là những gia tăng về nhận thức đối với tác dụng của công nghệ đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo.
Nguồn tham khảo: https://faithandleadership.com