Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết Bộ này vừa thành lập hội đồng an toàn và an ninh AI bao gồm 22 thành viên là các CEO công nghệ như Sam Altman của OpenAI, CEO Dario Amodei của Anthropic, CEO Nvidia Jensen Huang, CEO Arvind Krishna của IBM, CEO Shantanu Narayen của Adobe, CEO Satya Nadella của Microsoft, CEO Sundar Pichai của Alphabet, CEO Chuck Robbins của Cisco, CEO Adam Selipsky của Amazon Web Services (AWS) và CEO Lisa Su của Advanced Micro Devices (AMD).
Hội đồng cũng bao gồm CEO Ed Bastian của Delta Air Lines, CEO Vicki Hollub của Occidental Petroleum và CEO Kathy Warden của Northrop Grumman cũng như Thống đốc Maryland Wes Moore, Thị trưởng Seattle Bruce Harrell và người đứng đầu Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng; các quan chức chính phủ liên bang, tiểu bang cũng như các học giả hàng đầu về AI như Fei-Fei Li, đồng giám đốc Viện AI lấy con người làm trung tâm của Đại học Stanford.
Hội đồng sẽ họp lần đầu tiên vào tháng tới với các cuộc họp trong tương lai được lên kế hoạch hàng quý.
Việc thành lập Hội đồng phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ Mỹ với khu vực tư nhân nhằm nỗ lực giải quyết cả rủi ro và lợi ích của AI trong trường hợp không có luật AI quốc gia cụ thể.
Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, nhóm chuyên gia sẽ đưa ra khuyến nghị cho các công ty viễn thông, nhà khai thác dầu, công ty điện lực và các lĩnh vực khác về cách các công ty có thể sử dụng AI “một cách có trách nhiệm”.
Bộ trưởng Bộ an ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết: “AI là một công nghệ cách mạng có thể thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta theo những cách chưa từng có. Đồng thời, AI cũng có thể gây ra những rủi ro thực sự - những rủi ro mà chúng ta có thể giảm thiểu bằng cách áp dụng các phương pháp hay nhất và thực hiện các hành động cụ thể, đã được nghiên cứu khác”.
Hội đồng An toàn và An ninh AI gồm 22 thành viên là kết quả của Sắc lệnh năm 2023 được Tổng thống Joe Biden ký ban hành, người đã kêu gọi một cơ quan liên ngành đưa ra “các khuyến nghị để cải thiện an ninh, khả năng phục hồi và ứng phó sự cố liên quan đến việc sử dụng AI trong hạ tầng trọng yếu”.
Sắc lệnh này cũng thúc đẩy việc ban hành các quy định chính phủ trong năm nay liên quan đến cách các cơ quan liên bang có thể mua và sử dụng AI trong hệ thống của riêng họ. Chính phủ Mỹ đã sử dụng máy học hoặc AI cho hơn 200 mục đích riêng biệt, như giám sát hoạt động của núi lửa, theo dõi các vụ cháy rừng và xác định động vật hoang dã từ hình ảnh vệ tinh.
Trong khi đó, âm thanh và video deepfake sử dụng AI để phát tán nội dung giả mạo, đã nổi lên như mối lo ngại chính đối với các quan chức Mỹ trong cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2024 về những thông tin giả mạo và sai lệch tràn lan. Một cuộc gọi tự động giả mạo vào tháng 1 bắt chước giọng nói của Tổng thống Biden đã kêu gọi các đảng viên Đảng Dân chủ không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các quan chức Mỹ tập trung vào an ninh bầu cử. Một ảo thuật gia ở New Orleans nói với CNN rằng một nhà tư vấn chính trị của Đảng Dân chủ đã thuê người này để thực hiện cuộc gọi tự động.
Nhưng cũng có lo ngại các quốc gia đối thủ có thể khai thác công nghệ để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. “Rủi ro là có thật”, Bộ trưởng Mayorkas nói với các phóng viên khi thảo luận về Hội đồng cố vấn AI.
Trước đó, cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ, cũng dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Biden, đã thành lập Viện An toàn AI Mỹ (USAISI) nhằm thúc đẩy đảm bảo an toàn và tin cậy trong phát triển AI. USAISI sẽ phát triển các tiêu chuẩn về an toàn và xác thực AI, thúc đẩy sự hợp tác với giới học thuật, ngành công nghiệp.../.