Năm 2018 khởi động chiến lược 4.0 tạo đà cho năm 2019
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên VNPT triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2035 (gọi tắt là Chiến lược VNPT 4.0). Theo đó, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á vào năm 2035.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của VNPT tại Diễn đàn cao cấp và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 tháng 7/2018
Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ giai đoạn tái cơ cấu đầu tiên VNPT đã định hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng Chính phủ điện tử (CPĐT), nền tảng tích hợp đô thị thông minh, nền tảng IoT…
Hệ sinh thái giải pháp của VNPT ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng CPĐT, Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh…
Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT tự thiết lập/hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Nokia để xây dựng các Lab nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT), an ninh mạng (Cyber Security), điện toán đám mây.Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhất nhu cầu của khách hàng.
Đối với hạ tầng ICT, VNPT đang đẩy mạnh cập nhật công nghệ, nâng cao năng lực mạng lưới và tiến tới ảo hóa hạ tầng. Trong đó, việc ảo hóa hạ tầng, cả hạ tầng kết nối và hạ tầng IDC chính là cơ sở để VNPT không chỉ tối ưu hóa doanh thu - chi phí mà còn tạo ra sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Đây cũng là nền tảng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hơn 31 triệu thuê bao di động, gần 3 triệu thuê bao cố định, hơn 5 triệu thuê bao Internet băng rộng và các dịch vụ CNTT cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành. Trong năm qua, tất cả các chỉ số về chất lượng mạng của VinaPhone đều vượt so với quy chuẩn do Bộ TTTT ban hành.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng
Nêu rõ về Chiến lược VNPT 4.0, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết năm 2018 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ và chuyển đổi toàn diện của VNPT, bắt kịp xu hướng của kỷ nguyên số, VNPT đã từng bước chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông số bằng việc hiện thực hóa Chiến lược VNPT 4.0.
Với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành trung tâm giao dịch số tại châu Á vào năm 2030, Chủ tịch Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh bên cạnh việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại, VNPT đã tổ chức, sắp xếp lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ CNTT với việc thành lập công ty VNPT-IT, công ty trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng CNTT, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số đem lại giá trị thiết thực cho khách hàng.
“VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ thông qua việc tận dụng lợi thế về hạ tầng và hệ sinh thái khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông, đi đầu phát triển sản phẩm, ứng dụng CNTT ở nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, y tế, nông nghiệp, giáo dục, đô thị thông minh. Song song với việc nghiên cứu phát triển các giải pháp số, VNPT cũng đã triển khai bộ chỉ tiêu trải nghiệm khách hàng nhất quán trên tất cả các điểm tiếp xúc khách hàng, tăng cường số hóa công tác hoạt động bán hàng nhằm nâng cao chất lượng, CSKH tốt nhất”, Chủ tịch Trần Mạnh Hùng khẳng định.

Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long
Về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chiến lược VNPT, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết VNPT tập trung đẩy mạnh chuyển đổi công tác điều hành, quản trị nhằm phù hợp với mục tiêu Chiến lược VNPT 4.0 và theo mô hình trung tâm dẫn dắt trong chỉ đạo điều hành của Tập đoàn. Đồng thời hiện thực hóa các kết quả triển khai các dự án thành phần của chiến lược VNPT 4.0 gắn với các mục tiêu chiến lược năm 2019.
VNPT có 34 dự án trọng điểm sẽ được triển khai trong nhiều năm. Song song với 34 dự án trọng điểm này, VNPT cũng triển khai các dự án mang tính đạt được kết quả nhanh, phù hợp với mục tiêu chiến lược.
Tổng Giám đốc Phạm Đức Long nêu rõ: “Trong năm 2019, VNPT sẽ đẩy mạnh số hóa hoạt động SXKD và chỉ đạo quyết liệt thực hiện và tổ chức khai thác có hiệu quả các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung, phần mềm phân tích, khai thác số liệu online. VNPT đang thực hiện chuyển đổi số đáp ứng kinh tế số, đô thị số, chúng ta phải thực hiện số hóa toàn tập đoàn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, VNPT phải số hóa toàn bộ hoạt động của Tập đoàn. Trên cơ sở đó, chúng ta triển khai kinh doanh, cung cấp các dịch vụ số”.
Số hóa các hoạt động bán hàng
Với mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm”, bắt đầu từ năm 2018, VNPT đã triển khai bộ chỉ tiêu trải nghiệm khách hàng nhất quán trên tất cả các điểm tiếp xúc của khách hàng.
Các hoạt động hoạt động CSKH trên mạng xã hội qua hệ thống chương trình phần mềm CSKH được triển khai và truyền thông tới tất cả khách hàng bằng các hình thức hỗ trợ, giải quyết khiếu nại trực tuyến (online) qua SMS, IVR, fanpage, ứng dụng My VNPT, Kênh bán hàng Online Freedoo. Các thủ tục đăng ký được online góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng.

My VNPT là ứng dụng tự quản lý (selfcare) của VNPT dành cho tất cả các khách hàng bao gồm khách hàng di động VinaPhone, khách hàng điện thoại cố định, khách hàng Internet cáp quang và MyTV
Trong năm 2018, VNPT đã đưa vào cung cấp 60 dịch vụ giá trị gia tăng mới, trong đó có một số dịch vụ mang lại doanh thu mới như Big Data telecom, 7 dịch vụ CNTT mới: Tổng đài VNPT Cloud Contact Center; Nông nghiệp thông minh; Dịch vụ an toàn bảo mật F-secure cho DN....
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT
Theo VNPT, đến thời điểm hiện tại, VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng Chính phủ, Tổ chức/Doanh nghiệp (DN), duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực Giáo dục, Y tế, CPĐT.
Đến tháng 12/2018, bộ sản phẩm CPĐT của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh/thành phố. VNPT đã phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road. Phần mềm VNPT-iOffice tăng thêm 74% số cơ quan cấp tỉnh, 67% cơ quan cấp huyện và 20% cơ quan cấp xã sử dụng; phần mềm i-Gate tăng têm 68% cơ quan cấp tỉnh, 43% cơ quan cấp huyện, 87 % cơ quan cấp xã sử dụng.
Ở lĩnh vực Y tế, Giải pháp phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS hiện có 7.300 cơ sở y tế sử dụng, chiếm 53% thị phần. Giải pháp đang ngày càng được tích hợp, tối ưu hóa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện cũng như đáp ứng việc phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn, tạo thành một hệ sinh thái Y tế điện tử tin cậy, hiện đại.

Ở lĩnh vực Giáo dục thông minh, giải pháp VnEdu đã có 12.000 trường học sử dụng, cung cấp 3,3 triệu sổ liên lạc điện tử với gần 6 triệu hồ sơ học sinh cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng trên khắp 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT hiện có 6500 khách hàng sử dụng với tổng số 740 nghìn hóa đơn. 20 Tỉnh/thành đã tham gia khảo sát, xây dựng đề án Đô thị thông minh. Giải pháp Du lịch thông minh đã triển khai gần 30 tỉnh/thành phố.
Giải pháp IoT Nông nghiệp thông minh do Công ty VNPT Technology tự nghiên cứu và phát triển trên nền tảng IoT kết nối thông minh (IoT Smart Connected Platform). Hiện nay, giải pháp Nông nghiệp thông minh nói riêng và các giải pháp IoT khác của VNPT Technology nói chung đã được áp dụng triển khai thực tế ở nhiều nơi trên cả nước, điển hình như trang trại Delco Bắc Ninh, đô thị thông minh Phú Quốc…

Khu trồng rau tại Láng Hòa Lạc sử dụng Smart Agriculture của VNPT
Với việc quy hoạch phát triển dịch vụ số bài bản, VNPT đã tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả và thể hiện được vai trò dẫn dắt trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của chính phủ.
Năm 2018 đánh dấu thành công trong lĩnh vực Công nghiệp-CNTT của VNPT với việc sản xuất trên 1,4 triệu sản phẩm GPON ONT phục vụ nhu cầu phát triển thuê bao Internet cáp quang, trên 173.000 sản phẩm thiết bị chuyển đổi Smartbox; cung ứng trên 150.000 sản phẩm đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 phục vụ lộ trình tắt sóng truyền hình analog của Bộ TTTT; 40.000 sản phẩm Smartbox PC và đầu thu DVB-T2 bán ra thị trường bên ngoài.
Công ty VNPT-Technology đã hợp tác với các hãng công nghệ nguồn hàng đầu thế giới để nghiên cứu, phát triển và giới thiệu ra thị trường thế hệ tiếp theo về ONT và Wifi Access Point; Sản phẩm 4G LTE như LTE Router, LTE Mifi, LTE Small Cell; Các sản phẩm IoT như Giải pháp Smart Home, giải pháp Smart Factory.

Trong năm 2018, công ty Postef đã đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao với tổng sản lượng đạt 3.200.000 km/năm. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa, dịch vụ của VNPT sử dụng trên mạng, không phải nhập khẩu đạt 8.478 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, năm 2018, VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo đà thuận lợi cho một giai đoạn phát triển mới trong các năm tiếp theo. Những kết quả đạt được sẽ tạo tiền đề vững chắc để VNPT hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 cũng như các mục tiêu phát triển trong Chiến lược VNPT 4.0.