Chủ động đưa công nghệ và Internet trở thành nền tảng hữu ích với đồng bào DTTS
Sự thâm nhập của Internet đang là một xu thế tất yếu. Người làm truyền thông cần chủ động xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp hướng tới tăng lợi ích và giảm nguy cơ, đưa công nghệ và Internet trở thành nền tảng hữu ích với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền cho đồng bào thiểu số và miền núi là yêu cầu đặt ra thường xuyên
Thực tế cho thấy thông tin, tuyên truyền luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, điều đó càng thể hiện rõ ở vào những thời điểm đất nước đối mặt với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, là nơi người dân có trình độ dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, là địa bàn các thế lực thù địch thường lợi dụng để thông tin, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ, nhằm chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.
Các phương tiện truyền thông đại chúng có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống thông tin nói chung và truyền thông chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Việc phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong công tác truyền thông chính sách cho đồng bào vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam là rất cấp thiết. Trong xu thế hội nhập, đổi mới, truyền thông chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi là một yêu cầu tất yếu đặt ra thường xuyên của các cơ quan truyền thông đại chúng.
Trao đổi vấn đề này với PV Tạp chí TT&TT, PGS. TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công cho biết: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bao gồm nhiều trình độ phát triển, bản sắc dân tộc, vùng dân tộc khác nhau. Phần lớn các DTTS sinh sống ở miền núi, vùng biên giới, hải đảo với địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nhưng lại là những địa bàn có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của đất nước.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa thông tin, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, với những yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp về an ninh chính trị, tư tưởng và quản lý. Điều này, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người DTTS và miền núi đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và xã hội, hỗ trợ thúc đẩy các DTTS xóa đói, giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững.
Cũng trong thời kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông đại chúng đã và đang trở thành diễn đàn chia sẻ thông tin, tư tưởng, tình cảm, kỹ năng và kinh nghiệm của đông đảo nhân dân. Vì vậy, việc nhận diện đúng xu hướng, vai trò và hiệu quả các phương tiện truyền thông có nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả của công tác truyền thông chính sách cho người dân ở vùng DTTS và miền núi thời gian tới.
Theo PGS. TS. Trần Thanh Giang, việc tuyên truyền, phố biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào DTTS và miền núi những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã tập trung tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới, tăng cường đại đoàn kết dân tộc…

Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào DTTS và miền núi đòi hỏi tiếp tục phải được tăng cường, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Các phương tiện truyền thông cần tập trung vào nhiệm vụ qua trọng hơn là giúp đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác với kẻ xấu, không làm theo những điều trái pháp luật. Có như vậy mới giúp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện thành công được các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Đổi mới thông tin nói chung và đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền cho đồng bào DTTS và miền núi là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với hệ thống các phương tiện truyền thông, góp phần tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, PGS.TS. Trần Thanh Giang chia sẻ.
Cần các giải pháp đồng bộ
PGS.TS. Trần Thanh Giang cũng cho biết, để phát huy hiệu quả, vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác truyền thông chính sách cho đồng bào vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan báo chí - truyền thông lớn trong truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến vùng DTTS.
Đặc biệt, cần đánh giá đúng năng lực, thế mạnh của từng cơ quan, ưu điểm và hạn chế của từng loại hình báo chí, đẩy mạnh số lượng và chất lượng các chương trình đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các kênh truyền thông để thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho công chúng trong nước và nước ngoài hiểu hơn về đời sống bà con và chính sách dân tộc ở Việt Nam.
PGS. TS. Trần Thanh Giang nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế, chính sách đối với các cơ quan báo chí - truyền thông nhằm nâng cao chất lượng truyền thông ở vùng DTTS.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước rất quan tâm đến công tác truyền thông chính sách cho người dân vùng DTTS và miền núi thông qua những chủ trương, chính sách, đề án đẩy mạnh truyền thông ở vùng DTTS và miền núi, nhưng đến nay vẫn còn thiếu một chiến lược tổng thể, một kế hoạch truyền thông dài hạn do các cơ quan liên quan cùng xây dựng và thực hiện.
Làm được điều này sẽ tránh các tác phẩm báo chí khỏi tình trạng chung chung, chạy theo sự kiện, hoặc nhàm chán lặp đi lặp lại, hình thức thiếu phong phú, linh hoạt.
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị đó, các cơ quan báo chí - truyền thông chủ lực như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VOV), Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Dân tộc Phát triển... phải tập trung xây dựng đội ngũ chuyên viết về các vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý xây dựng, đào tạo đội ngũ phóng viên (PV) là người DTTS, kể cả PV thường trú ở các địa phương, vì sự gần gũi, thân thuộc, gắn bó với đồng bào, hiểu biết về người DTTS…
Thứ hai, đổi mới hình thức và thể loại của các cơ quan báo chí - truyền thông cho vùng DTTS &MN
Hiện nay đã có các kênh và chương trình truyền thông dành riêng cho người DTTS, tuy vậy, số lượng thông tin dường như vẫn chưa đủ, cần phát triển và mở rộng hơn nữa bởi khi công nghệ truyền thông phát triển, đời sống được nâng cao thì nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày càng tăng cao.
Hiện nay, tỷ lệ người DTTS thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thôn đại chúng khá cao, trong đó xem truyền hình là nhiều nhất. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, nhất là những chuyên mục, thông tin dành cho vùng DTTS theo hướng tăng cường những bài phóng sự chuyên sâu, đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng kênh truyền hình và các loại hình báo chí khác để thu hút khán giả nhiều hơn.
Ngoài ra, truyền hình cũng nên sử dụng những hình ảnh minh hoạ sinh động, trực quan, dễ hiểu để phục vụ bà con DTTS. Báo in cũng cần chủ động sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền như: Sử dụng các biểu tượng và tranh vẽ minh họa, giúp những người dân không biết chữ vẫn có thể hiểu được những điều nên làm và không nên một cách thú vị…
Thứ ba, tăng cường số lượng ấn phẩm báo chí - truyền thông bằng tiếng DTTS
Đồng bào DTTS và miền núi sinh sống chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ người dân không biết chữ cao, sử dụng tiếng phổ thông và các phương tiện truyền thông còn hạn chế. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, thông tin về chính sách cho đồng bào ngày càng nhiều nhưng lại chưa đủ rõ ràng để họ có thể chủ động theo dõi và tham gia. Chính vì thế, truyền thông bằng ngôn ngữ DTTS là cần thiết ở cả các đài trung ương và địa phương.
Thứ tư, tăng cường khai thác mạng xã hội (MXH) phục vụ công tác truyền thông chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi
MXH là kênh truyền thông thuận tiện, nhanh chóng, đến với đông đảo người dân, nên các chủ thể truyền thông phải sử dụng để tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS.

Mặc dù hiện tại, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, MXH chưa phải công cụ truyền thông hiệu quả nhất, tỷ lệ người dùng chưa cao, nhưng sự thâm nhập của Internet đang là một xu thế tất yếu, xu hướng sử dụng MXH là không thể đảo ngược. Vì vậy, người làm truyền thông cần chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp hướng tới tăng lợi ích và giảm nguy cơ, đưa công nghệ và Internet trở thành nền tảng hữu ích với đồng bào DTTS và miền núi.
Các cơ quan báo chí truyền thông cần tập trung nguồn lực, thực hiện các chiến dịch truyền thông về các chủ đề thiết thực với bà con, sẽ thu hút được sự tham gia theo dõi của người dân, qua đó, tăng cường tính hiệu quả của công tác truyền thông chính sách cho đồng bào./.