Năm 2025, đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%

Đỗ Thêu| 12/11/2022 19:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (SXNN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2022 - 2030, ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%, thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7 - 8%/năm.

Năm 2025, đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20% - Ảnh 1.

Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất.

Ngành nông nghiệp sẽ phát triển và làm chủ được một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô hàng hóa.

Đồng thời, tạo ra và đưa vào sản xuất được ít nhất từ 8 - 10 giống cây trồng vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; từ 8 - 10 quy trình công nghệ tiên tiến; từ 8 - 10 chế phẩm sinh học, vật tư, máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cho biết, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển là chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi chủ lực; chẩn đoán, giám định, dự tính dự báo, phòng trừ sinh vật hại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản.

Việc nghiên cứu, làm chủ và phát triển quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp sẽ theo chuỗi khép kín trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá.

Những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong: sản xuất các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản; sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng cao ở quy mô công nghiệp.

Ngành nông nghiệp cũng ưu tiên nghiên cứu, tạo ra các loại vật tư phục vụ SXNN công nghệ cao như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chất điều hòa sinh trưởng, chế phẩm bảo quản nông lâm sản, xử lý phế phụ phẩm, giá thể…; kít chẩn đoán bệnh, vaccine, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chế phẩm phòng trị bệnh, xử lý môi trường… phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Hay việc chế tạo máy móc, thiết bị vật tư thay thế nhập khẩu phục vụ trồng trọt như: nhà lưới, lưới che phủ, hệ thống tưới, thiết bị chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, hệ thống thông thoáng khí trong sơ chế bảo quản sản phẩm…; lâm nghiệp như máy trồng rừng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến bảo quản gỗ, lâm sản ngoài gỗ…; chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là khung nhà, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phân phối thức ăn, thu hoạch, sơ chế, bảo quản lạnh, hệ thống điều khiển tự động, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điều tiết nước tuần hoàn…

21 tiến bộ kỹ thuật và nhiều quy trình công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất

Cũng theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, toàn ngành nông nghiệp tạo ra được 21 tiến bộ kỹ thuật và nhiều quy trình công nghệ đã được ứng dụng, chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực, giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Có thể kể đến như quy trình xử lý hơi nước nóng trừ ruồi đục quả vú sữa giúp mở rộng thị trường xuất khẩu vú sữa đến các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, New Zealand.

Hay quy trình công nghệ nhân giống, sản xuất dâu tây giúp giảm giá thành và thay thế sản phẩm quả dâu tây nhập khẩu phục vụ nội tiêu...

Trong thủy sản, quy trình công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB giúp nâng cao giá trị cá ngừ Việt Nam; quy trình công nghệ nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng hai cấp kết hợp biofloc cho năng suất trên 100 tấn/ha/năm...

Đặc biệt, trong bảo quản chế biến, việc thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ rấm chín chuối bằng khí ethylene, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, cảm quan và an toàn thực phẩm...

Các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc ứng dụng công nghệ cao cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho SXNN như với cây rau cho doanh thu đạt từ 2,5 - 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 - 4,9 tỷ đồng/ha. Đối với cây hoa cho doanh thu đạt từ 0,5-9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 - 5,4 tỷ đồng/ha; nâng cao năng suất chất lượng tôm thẻ chân trắng gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30 - 35%.../.

Theo các chuyên gia lĩnh vưc nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, Internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản./.

Bài liên quan
  • Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
    Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2025, đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO