Nắm bắt cơ hội phát triển từ CMCN 4.0, chuyển đổi số
Trong hai ngày 12 và 13/5/2023, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã làm việc với ba tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình về tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD), đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn các tỉnh.
Ngày 24/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phân công các đồng chí là thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với các địa phương, để nắm bắt tình hình, các khó khăn, vướng mắc, làm rõ các nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu làm việc là nhìn thấy bức tranh toàn quốc, bức tranh thật, vì đi trực tiếp trao đổi thì hơn là văn bản. Ngoài tháo gỡ một số khó khăn cụ thể thì cũng mong muốn tìm ra một số vấn đề lõi, một số giải pháp có tính đột phá để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tham dự buổi làm việc với 3 tỉnh có đại diện của 11 bộ ngành: Ngoại giao, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông, Y tế, TT&TT.
Tiếp tục gặp khó khăn, thách thức
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo 3 tỉnh đã thông tin về tình hình SXKD, XNK của các tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2023.
Theo tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 4/2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế và tình hình bất ổn chính trị thế giới. Ngoại trừ một số ngành sản xuất như bia, chế biến thủy hải sản, gạch ốp lát,... đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhờ phát huy được thị trường tiêu thụ và năng lực mới tăng thêm, nhìn chung đa số các ngành sản xuất còn lại của tỉnh Thừa Thiên - Huế như dệt may, dăm gỗ, xi măng;... đều gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút, một số doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng nên sản lượng giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp trong 04 tháng đầu năm 2023.
Tính đến 30/4/2023, tỉnh có 268 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.424,068 tỷ đồng, giảm 9,7% về lượng và giảm 62,44% về vốn so với cùng kỳ; số DN hoạt động trở lại 150 DN, giảm 123 DN, số DN đăng ký tạm ngưng hoạt động là 311 DN, tăng 07 DN; giải thể 47 DN, tăng 03 DN; 07 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.100,8 tỷ đồng (trong đó 04 dự án FDI với vốn đăng ký 26,5 triệu USD); thu hồi 01 dự án FDI với vốn đăng ký 34,5 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ước đạt 346,1 triệu USD giảm 10,10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 239,33 triệu USD, giảm 1,03%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 106,76 triệu USD, giảm 25,04% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 04 tháng đầu năm 2022, DN đã xuất khẩu đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) những tháng đầu năm của tỉnh có chuyển biến tích cực; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I ước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,97% của quý I/2022. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi và phát triển.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, tích cực đã đạt được trên tất cả các ngành, lĩnh vực nền kinh tế tỉnh vẫn còn có một số khó khăn, một số chỉ tiêu đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022 như: Kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh ước đạt 220,9 triệu USD, giảm 3,64%; trong đó xuất khẩu đạt 72,2 triệu USD, giảm 12,17%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 30/4/2023 là 1.114,346 tỷ đồng, đạt 27,5% dự toán địa phương và 28% dự toán Trung ương, bằng 50,2% cùng kỳ năm 2022;...
Theo tỉnh Quảng Bình, với việc triển khai đồng bộ và tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tình hình KT-XH những tháng đầu năm tỉnh Quảng Bình đạt được những kết quả đáng ghi nhận: GRDP quý I/2023 tăng 8,34% so với cùng kỳ (đứng thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước; đứng thứ 3/19 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên); Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 (là địa phương thứ 9 trên toàn quốc được phê duyệt quy hoạch tỉnh), là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành thống nhất trong quản lý, điều hành phát triển KT-XH.
Một số kiến nghị về phát triển TT&TT
Bên cạnh các kiến nghị về phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ TT&TT sớm ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) như: chính sách quy định tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho CĐS và an toàn thông tin (ATTT); chính sách ưu đãi cho cán bộ chuyên trách tham mưu về CĐS và ATTT; chính sách cho Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); Chỉ đạo các Cục, Vụ... sớm triển khai kho cơ sở dữ liệu dùng chung chuyên ngành TT&TT và chia sẻ cho các tỉnh, thành khai thác, sử dụng; Tiếp tục hỗ trợ xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị triển khai thí điểm mô hình CĐS và xây dựng xã thông minh.
Tỉnh Quảng Bình kiến nghị chỉ đạo các DN viễn thông triển khai kết nối, bảo đảm chất lượng mạng băng rộng đến với từng thôn, bản, khu tập trung dân cư ở các vùng khó khăn; đồng thời sớm triển khai chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua, sử dụng điện thoại thông minh.
Tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ cung cấp nội dung, chương trình và phân cấp quyền khai thác, sử dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One Touch) cho các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức nhanh, rộng việc tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, thành viên các tổ CNSCĐ, người lao động trong DN; và người dân để triển khai thực hiện tốt Đề án 146.
Tỉnh cũng đề nghị các Bộ ngành Trung ương sớm triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan ngành dọc ở địa phương tổ chức kết nối, khai thác, sử dụng các dịch vụ dữ liệu số chuyên ngành có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); đồng thời rà soát loại trừ các dịch vụ dữ liệu số đặc thù mà các địa phương không thể sử dụng (chỉ dành riêng cho Bộ, ngành Trung ương) để chấm điểm DTI tỉnh, thành phố ở hạng mục Chính quyền số.
Cùng với đó, cần hệ thống hóa các loại thông tin, số liệu thống kê để báo cáo Chính phủ, làm việc với các Bộ ngành, cơ quan Trung ương để hình thành nguồn thông tin, số liệu tập trung, chính xác ở Trung ương và chia sẻ cho các địa phương (3 cấp tỉnh, huyện, xã) khai thác, sử dụng trong đánh giá, xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch CĐS.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước chi hỗ trợ thường xuyên hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ để các tỉnh, thành phố có đủ căn cứ triển khai thực hiện việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS.
Nắm bắt cơ hội từ cách mạng 4.0, CĐS để phát triển, tăng trưởng
Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng cho biết các buổi làm việc rất hiệu quả, đã đề cập nhiều vấn đề cụ thể. Đại diện 11 Bộ ngành đã trao đổi những vấn đề các tỉnh quan tâm, trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ tỉnh khi các tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc và cả trong thời gian tới.
Qua các ý kiến, kiến nghị của ba tỉnh, tựu trung, Bộ trưởng cho biết việc hiểu các quy định, văn bản có khác nhau giữa trung ương và địa phương. Các văn bản được các cơ quan trung ương ban hành như luật, nghị định, nhưng cơ sở lý luận, hướng dẫn chưa được đi kèm. Và vì thế các địa phương chưa tìm hiểu được thấu đáo, nắm bắt bản chất của quy định để tự tin thực hiện, vận dụng linh hoạt vào cuộc sống. “Hiểu tinh thần của các quy định, có lý luận đi cùng thì mới xử lý được các tình huống, thực hiện dễ hơn rất nhiều. Nhiều văn bản cần phải thêm các hướng dẫn”.
Bộ trưởng cho rằng đây là nhiệm vụ của các Sở ở địa phương. Các Sở phải hiểu, bám sát, nghiên cứu các chính sách, quy định của Bộ chuyên ngành, để tư vấn với tỉnh, cũng như nghiên cứu thực hiện, vận dụng.
Một số các ý kiến về sửa đổi thể chế, Bộ trưởng cho biết Đoàn công tác đã tổng hợp, báo cáo chính phủ để thúc đẩy sửa đổi nhanh các nghị định, thông tư. Một số đề xuất xác đáng của các tỉnh, trong đó có tăng đầu tư, nguồn lực cũng sẽ được báo cáo chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng, các tỉnh đã đặt nhiệm vụ phát triển hạ tầng. Hạ tầng phải đi trước, nhưng hiện nay hạ tầng có thêm nhiều hạ tầng mới. Ngoài hạ tầng giao thông còn có hạ tầng số, xanh, năng lượng mới cũng cần được đầu tư. “Đầu tư hạ tầng số không tốn kém và có thể làm nhanh, đi trước. Xây dựng hạ tầng số là thúc đẩy phát triển kinh tế số. Hạ tầng giao thông là rất lớn nên chủ yếu là đầu tư công. Các tỉnh cũng cần chú ý phát triển các hạ tầng khác”.
Về tăng trưởng của các tỉnh, Bộ trưởng cho biết hiện nay là thời cách mạng 4.0 có nhiều đột phá, mang tính cách mạng và là thuận lợi. “Đây là cơ hội cho các tỉnh để phát triển, tăng trưởng, quan trọng là tầm nhìn ở góc độ, cách tiếp cận mới”.
Với lợi thế phát triển công nghiệp năng lượng và có mặt bằng của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng cho biết Quảng Trị có thể nghiên cứu cách kêu gọi đầu tư theo hướng mới như kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu. Chỉ cần 50.000m2 là có thể xây dựng trung tâm dữ liệu lớn.
Bộ trưởng cũng cho biết CNTT cần nhiều chuyên gia, nhiều nguồn lực. CĐS không cần nhiều nguồn lực. Vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Việt Nam có nhiều DN công nghệ số, theo đó, tỉnh có thể đặt bài toán cho DN công nghệ tìm lời giải.
“CĐS tạo ra một không gian mới, đời sống sẽ phong phú. Triển khai trên môi trường số hiệu quả hơn môi trường thực có khi tới 100% lần. Lên môi trường số cũng thúc đẩy phát triển kinh tế số”, Bộ trưởng cho hay./.