Chuyển đổi số

Nam Định thực hiện chuyển đổi số 100% các trường học 

Ngọc Diệp 08:14 24/02/2023

Hiện các trường học trên cả nước, trong đó có các trường học ở Nam Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Việc đẩy mạnh CĐS trong các trường nhằm thực hiện Đề án: "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030",

Triển khai thí điểm CĐS trong trường học

Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ, CĐS đã trở thành giải pháp nhằm thực hiện “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Sau khi học sinh trở lại trường, ngành GD&ĐT các địa phương đã tiếp tục tăng cường CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy và học.

Tại Nam Định, xác định rõ vai trò của CĐS đối với việc nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã rất chú trọng đến công tác đào tạo, hàng năm đều có hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp CNTT trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy và học tập tại cơ sở như: Kiện toàn tổ chức, bộ phận phụ trách CNTT của đơn vị; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT và CĐS; ban hành quy chế quản lý, phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, vận hành và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh về thông tin khi triển khai các ứng dụng, các hệ thống về CNTT.

Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò của ứng dụng CNTT và CĐS trong các hoạt động GD&ĐT; tăng cường bồi dưỡng tập huấn nâng cao kỹ năng về CNTT cho đội ngũ nhà giáo; triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và quản lý giáo dục; triển khai các ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá; triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành về giáo dục; triển khai hạ tầng, thiết bị CNTT và các điều kiện đảm bảo khác.

1f2587c77f3a1b2d8.jpeg
Nam Định thúc đẩy CĐS trong GD&ĐT (Nguồn: baonamdinh.com.vn)

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Nam Định và Kế hoạch số 41 ngày 31/05/2022 của UBND tỉnh Nam Định về CĐS, thành phố (TP) Nam Định đã chọn trường tiểu học Trần Nhân Tông để triển khai thí điểm CĐS trong trường học. Tháng 8/2022, VNPT đã triển khai thí điểm CĐS toàn diện tại trường tiểu học Trần Nhân Tông thông qua Hệ sinh thái giáo dục VnEdu 4.0 với 13 hạng mục giải pháp thuộc 03 nhóm.

Trong đó, nhóm nền tảng/ứng dụng tương tác gồm: ứng dụng mobile cho giáo viên; ứng dụng mobile cho phụ huynh; điểm danh thông tin bằng thẻ và vân tay. Nhóm nền tảng/ứng dụng hỗ trợ giảng dạy và quản lý gồm: Số hóa hồ sơ giáo dục; ứng dụng quản lý giáo án; ứng dụng quản lý dinh dưỡng; ứng dụng kiểm định chất lượng giáo dục; chữ ký số giáo viên. Nhóm hạ tầng kết nối bao gồm: mạng nội bộ; hệ thống WiFi; camera giám sát nhằm hiện đại hóa hạ tầng kết nối băng thông rộng, bảo mật cao.

CSDL của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và với các trường học khác cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ mới. Các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa của trường được chia sẻ, tương tác, liên thông trên môi trường điện tử.

Đặc biệt, với phương châm lấy phụ huynh và học sinh làm trung tâm trong thực hiện CĐS, ứng dụng di động của phụ huynh học sinh được nâng cấp và triển khai cài đặt trên thiết bị di động cho 100% phụ huynh của trường, trở thành kênh giao tiếp chính thức hai chiều giữa phụ huynh với nhà trường. Ứng dụng cũng tích hợp đầy đủ các tính năng giúp phụ huynh quản lý, theo dõi toàn diện tất cả hoạt động của con em mình ở trường, như: điểm danh thông minh, quản lý dinh dưỡng, học bạ điện tử, hồ sơ, lý lịch, kết quả học tập, lịch học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa,…

Qua quá trình triển khai thí điểm CĐS, xây dựng trường học thông minh, Ban giám hiệu, giáo viên và phụ huynh trường tiểu học Trần Nhân Tông đánh giá mang lại hiệu quả cao, tạo đột phá trong đổi mới một số hoạt động quản lý nhà trường, hoạt động dạy và học cũng như sự tương tác giữa phụ huynh và nhà trường, tác động tích cực tới phương thức hoạt động, chất lượng trong giáo dục. Quá trình CĐS tại trường đã lấy người học và nhà giáo là trung tâm, đặt lợi ích của học sinh, phụ huynh, nhà giáo là thước đo đánh giá mức độ thành công của CĐS.

TP. Nam Định sẽ "số hóa" toàn bộ các trường học

Chiều 21/2, UBND TP Nam Định (tỉnh Nam Định) đã triển khai kế hoạch áp dụng thực hiện CĐS vào 100% trường học trên địa bàn sau thành công từ mô hình thí điểm. Cụ thể, hội đồng chuyên môn của Phòng giáo dục thành phố Nam Định đã chọn 8 nội dung cơ bản, xác định là tiêu chí tối thiểu để triển khai CĐS tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Nam Định ngay trong học kỳ 2 năm học 2022 – 2023, bao gồm: triển khai phần mềm quản lý nhà trường; triển khai sổ liên lạc điện tử thông qua ứng dụng di động; triển khai điểm danh thông minh; triển khai học bạ điện tử; triển khai hồ sơ giáo dục điện tử; triển khai phần mềm quản lý giáo án điện tử; triển khai phần mềm quản lý thư viện; triển khai phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục vnEdu-QoE.

“Phòng GD&ĐT đã thống nhất đề xuất với Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố triển khai CĐS toàn diện tại 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngay trong kỳ 2 năm học 2022 - 2023”, ông Nguyễn Thế Lâm Trưởng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định thông tin và cho biết trong tháng 3/2023 Phòng và các đơn vị trường học trực thuộc sẽ cùng với VNPT Nam Định triển khai cụ thể.

Để quá trình CĐS toàn diện được triển khai thành công tại các trường học trên địa bàn thành phố Nam Định, ông Nguyễn Thế Lâm nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các nhà trường. Với điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của mỗi trường khác nhau, ban giám hiệu các trường học cần quyết tâm thực hiện thành công CĐS ở đơn vị mình, phát huy tính năng động, sáng tạo trong quá trình triển khai. Trước hết, các trường cần kiện toàn tổ CĐS của nhà trường; tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Hội cha mẹ học sinh.

Trong thời gian qua, không chỉ lĩnh vực giáo dục, nhiều lĩnh vực khác cũng được tỉnh Nam Định tích cực thực hiện CĐS. Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá CĐS; phát triển chính quyền số, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Nam Định phấn đấu khoảng 90% hồ sơ công việc của tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước),.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nam Định thực hiện chuyển đổi số 100% các trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO