Nằm trong "Tam giác vàng khởi nghiệp": Cơ hội vươn ra quốc tế cho các startup Việt

Ngọc Diệp| 30/05/2022 16:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Venture, Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia tạo nên “Tam giác vàng khởi nghiệp” tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Việt Nam đã trở thành viên ngọc mới của khu vực khi thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2021, cao hơn 1,6 lần so với con số 874 triệu USD vào năm 2019.

Tam giác vàng khởi nghiệp: Việt Nam - Singapore - Indonesia

Đông Nam Á được đánh giá là một thị trường nhiều tiềm năng, có quy mô lớn thứ ba trên thế giới. Là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh nhất hiện nay, Đông Nam Á cũng gặp phải nhiều thách thức như tình trạng bất bình đẳng giáo dục, khó khăn trong tiếp cận y tế, và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động trên toàn khu vực góp phần biến những thách thức thành cơ hội, kiến tạo một xã hội phát triển bền vững hơn.

Chỉ trong một thập kỷ qua, lượng vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào thị trường Đông Nam Á tăng 20 lần, báo hiệu rằng bối cảnh khởi nghiệp ngày càng nhiều tiềm năng. Trong đó, "Tam giác vàng khởi nghiệp" Việt Nam - Singapore - Indonesia đang trỗi dậy và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Venture, Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia tạo nên "Tam giác vàng khởi nghiệp" tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Tính riêng năm 2021, Việt Nam thu hút mức vốn đầu tư kỷ lục lên tới 1,4 tỷ USD tập trung vào các DN khởi nghiệp, cao hơn 1,6 lần so với con số 874 triệu USD ghi nhận vào năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2022, số DN mới thành lập tăng 12,3% so với cùng kỳ và 31,9% so với giai đoạn 2 năm trước.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo (ĐMST) quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 là năm phát triển rất mạnh mẽ đối với các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Vốn đầu tư đổ vào các DN khởi nghiệp lên tới 1,4 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục mới và là dấu hiệu tích cực trong việc huy động vốn cũng như thu hút vốn đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, đồng thời thể hiện tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

"Chúng tôi kỳ vọng các khoản đầu tư này sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới", ông Huy cho biết thêm.

Trong khuôn khổ Hội thảo "Tam giác vàng khởi nghiệp" khu vực Đông Nam Á: Việt Nam - Singapore - Indonesia do NIC tổ chức vào ngày 30/5/2022, ông Vinnie Lauria - người sáng lập Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures đã tham gia ký thỏa thuận hợp tác với NIC, nhằm củng cố quan hệ lâu dài, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam. 

Với thỏa thuận này, Golden Gate Ventures sẽ tăng cường đầu tư vào thị trường, thúc đẩy trao đổi, phát triển các ý tưởng mới và ĐMST, đồng thời đóng vai trò là chất xúc tác hỗ trợ các DN khởi nghiệp của Việt Nam xây dựng được vị thế trong khu vực.

Trong khi đó, Singapore tiếp tục duy trì vị trí là thị trường lý tưởng của khu vực với tư cách là trụ sở chính trong khu vực và toàn cầu. Tuy có quy mô dân số nhỏ, nền kinh tế Internet của Singapore vẫn phát triển mạnh mẽ với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 15 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Internet của Singapore dự kiến đạt 27 tỷ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 16%.

Indonesia là nhánh thứ ba của "Tam giác vàng khởi nghiệp" trong khu vực Đông Nam Á bởi đây là quốc gia có dân số và nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Kể từ thời điểm đại dịch bùng phát cho đến nửa đầu năm 2021, Indonesia ghi nhận 21 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó 72% đến từ khu vực không phải thành phố lớn. Tổng khối lượng hàng hóa của nền kinh tế Internet Indonesia ước tính đạt 70 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 49% so với cùng kỳ trước đó với mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) đạt 52%. Đến năm 2025, nền kinh tế Internet tổng thể của Indonesia có thể đạt giá trị 146 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 20%.

"Đông Nam Á luôn là khu vực có tiềm năng lớn nhưng việc mở rộng mô hình kinh doanh là thách thức lớn với nhiều người vì tính độc đáo của mỗi thị trường. Nghiên cứu của chúng tôi về các kỳ lân lớn nhất khu vực cho thấy sự kết hợp các thế mạnh độc đáo của Singapore, Indonesia, Việt Nam với nhau sẽ tạo ra sự kết hợp thành công có thể giúp đổi mới và nâng cao tốc độ tăng trưởng", ông Vinnie Lauria, sáng lập Golden Gate Venture, nhận định.

Nền kinh tế và môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam

Dự báo Việt Nam sẽ trở thành một động lực quan trọng đối với thị trường tiêu dùng của châu Á trong thập kỷ tới, với 36 triệu người được tăng thêm vào tầng lớp tiêu dùng. Dân số tầng lớp trung lưu cũng được cho là đang tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á với ước tính sẽ chiếm khoảng 70% tổng dân số vào năm 2030.

Ngoài ra, một trong những điểm hấp dẫn khác của thị trường Việt Nam đó là lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, với 70% dân số dưới 35 tuổi và tỷ lệ biết chữ khoảng 95,4% - một trong những tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Á.

Yếu tố khác góp phần vào tiềm năng của Việt Nam là nhu cầu kỹ thuật số gia tăng mạnh mẽ sau đại dịch. Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với 55% đến từ các khu vực phi đô thị tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021.

Tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet năm 2021 Việt Nam được dự báo là 21 tỷ USD - tăng 31% nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái. Đến năm 2025, nền kinh tế Internet tổng thể có thể sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 29%.

Với những yếu tố này, bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng ban Phát triển hệ sinh thái (NIC) cho rằng Việt Nam đang ở vị thế hoàn hảo để phát triển.

Tầm nhìn và tham vọng vươn ra thị trường quốc tế

Để hỗ trợ các DN khởi nghiệp Việt Nam phát triển, ông Vũ Quốc Huy cho biết chính phủ cần có các khung chính sách thuận lợi để tạo môi trường kinh doanh phù hợp nhất cho hoạt động ĐMST. Việt Nam hiện cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc thay đổi chính sách một cách phù hợp và kịp thời, đặc biệt là việc xây dựng quy trình và hoàn thiện chính sách.

Nằm trong

ÔNg Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC: các DN khi mới khởi nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn, mỗi DN khó khăn theo một cách khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tấn, CEO Chợ tốt, Việt Nam có nguồn nhân lực làm về công nghệ lớn nhất trong khu vực. Đây là lợi thế lớn bởi khi đại dịch xảy ra thị trường dành cho những người làm công nghệ ngày càng lớn. Vì vậy, các DN Việt Nam có thể phát triển mạnh các sản phẩm về CNTT.

Đối với các DN khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là nguồn lực con người. Một khi đã có giải quyết được vấn đề này, để vươn ra các thị trường khác ngoài Việt Nam và phát triển toàn cầu, các DN cần dựa vào tầm nhìn. "Tầm nhìn và sứ mệnh công ty là những yếu tố rất quan trọng để đánh giá một công ty", ông Vinnie Lauria nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Vũ Quốc Huy cho biết các DN khi mới khởi nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn, mỗi DN khó khăn theo một cách khác nhau. Vì vậy, NIC đang cố gắng hỗ trợ các DN bằng các hoạt động kết nối, giúp DN dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm đối tác của mình. Vì vậy, để vươn ra thị trường toàn cầu, ông Huy chia sẻ các startup Việt cần có mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới để có thể bắt kịp với xu hướng trên thế giới và cạnh trạnh bền vững.

Trong khi đó, Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập Quỹ Do Ventures cho biết để hoạt động tại nước ngoài cần phải đặt chi nhánh riêng hay mở văn phòng đại diện nên việc thu hút nhân tài tại chính các quốc gia mà DN muốn hoạt động rất quan trọng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nằm trong "Tam giác vàng khởi nghiệp": Cơ hội vươn ra quốc tế cho các startup Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO