NEAC có sứ mệnh quan trọng thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam

Lan Phương| 19/09/2019 16:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã nhấn mạnh sứ mệnh của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TTTT là thúc đẩy giao dịch điện tử hướng tới kinh tế số tại Việt Nam.

Ngày 19/9/2019, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị “Chữ ký số và xác thực điện tử: 5 năm phát triển và triển vọng”.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu

Chúc mừng Trung tâm 5 năm qua đã rất nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của NEAC hiện nay rất quan trọng, đó là thúc đẩy, phát triển, phổ cập hơn nữa giao dịch điện tử trong thời gian tới hướng tới kinh tế số. Thái Lan là ví dụ điển hình cho việc này khi đã thành lập Bộ Kinh tế số. Trong năm nay, quốc gia này sẽ hoàn thiện xây dựng nhiều quy định pháp lý cho giao dịch điện tử.

Theo đó, Trung tâm cần nhận trách nhiệm xây dựng các văn bản liên quan, vì Luật giao dịch điện tử ban hành từ năm 2005 đã bất cập khi thị trường hiện nay phát triển nhanh vượt qua khỏi khuôn khổ của Luật.

Tiếp theo, Trung tâm cần mở rộng thị trường dịch vụ chữ ký số (CKS). Trung tâm có vai trò thúc đẩy CKS tại Việt Nam phát triển, phải trở thành cơ quan quản lý nhà nước có uy tín trong lĩnh vực bảo đảm các biện pháp an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử. Trung tâm phải tăng cường liên kết, phối hợp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả, hiệu lực thúc đẩy CKS, giao dịch điện tử.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trung tâm không được hài lòng với cái mình đang có, mà phải vươn lên để phát triển thị trường giao dịch điện tử an toàn, tin cậy và hướng đến nền kinh tế số.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hùng, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết bức tranh chung về CKS tại Việt Nam đã được hình thành. CKS công cộng phát triển bền vững và có sự tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm.

Ông Hùng cho biết thêm: Các nước phát triển mạnh về CNTT, chính phủ điện tử (CPĐT) coi CKS là dịch vụ mặc định nên cần có giải pháp khác nhau thúc đẩy CKS. Trong thời gian tới với vai trò thúc đẩy CKS tại Việt Nam, NEAC cần thúc đẩy, phổ cập CKS và đảm bảo ATTT cho CPĐT, phấn đấu đến năm 2025 đưa Việt Nam vào Top 4 ASEAN về CPĐT.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC

NEAC được thành lập theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 09/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng khai thác hạ tầng an toàn thông tin (ATTT)  phục vụ hoạt động giao dịch điện tử, bao gồm: dịch vụ chứng thực CKS và xác thực điện tử, là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia.

Với sứ mệnh này, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC cho biết trong thời gian qua Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS, thay thế cho Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực CKS và xác thực điện tử, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện xây dựng Nghị định định danh và xác thực điện tử theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ và các Thông tư quy định sử dụng CKS trong giao dịch điện tử, Thông tư quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về CKS và dịch vụ chứng  thực CKS trên thiết bị di động. Dự kiến cuối năm 2019, Trung tâm sẽ hoàn thành các văn bản trên.

Với những hành lang pháp lý đã được xây dựng, tính đến hết quý II/2019, thị trường CKS công cộng có 12 CA công cộng được cấp phép (gồm có: 8 CA hoạt động từ năm 2015 và 04 CA cấp phép mới là EFY, Trust, Misa, CMC) với khoảng hơn 1.000.000 chứng thư số đang hoạt động (tăng trưởng hơn 20% so với năm 2016).

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 04 CA chuyên dùng, gồm: Ngân hàng Nhà nước, Agribank, Techcombank, SeaBank); cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn cho 01 CA chuyên dùng (SeaBank).

Ông Trung nhấn mạnh: CKS và dịch vụ chứng thực CKS đã trở thành một dịch vụ CNTT cốt yếu phục vụ các hoạt động giao dịch điện tử góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT xây dựng CPĐT và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. CKS đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp điển hình như các dịch vụ công trực tuyến của ngành Thuế, Hải quan, Chứng khoản, Bảo hiểm xã hội và kho bạc…

Toàn cảnh Hội nghị

Nhằm đáp ứng xu thế phát triển của lĩnh vực ATTT, trong giai đoạn 2014 - 2019, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tìm hiểu, nắm bắt kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực CKS và xác thực điện tử, cụ thể: tiếp nhận 02 chuyên gia Hàn Quốc đến làm việc tại Trung tâm để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; ký các Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác quan trọng như với Tổ chức chứng thực CKS công cộng KICA - Hàn Quốc, Trung tâm Internet Lào (LANIC). Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động hợp tác với Hiệp hội ATTT FISC- Phần Lan, với Công ty Chunghwa Telecom - Đài Loan,…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
NEAC có sứ mệnh quan trọng thúc đẩy giao dịch điện tử tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO