Nền tảng DrAid và câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”

Thế Phương| 14/12/2021 17:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2021 là một năm "mang chuông đi đánh xứ người" thành công với ACM SIGAI 2021 cũng như được xướng tên tại Hội nghị AI ảo toàn cầu (GTC) 2021, bên cạnh những ông lớn như Amazon, Facebook, Google, Microsoft… Chưa kể, DrAid còn mang trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ hệ thống y tế chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Liên tiếp gặt hái các giải thưởng trong và ngoài nước

Mặc dù phải đến tháng 6/2020, trợ lý bác sĩ VinBrain mới chính thức được ra mắt nhưng nền tảng này đã được nhắc cách đó khoảng 1 năm khi mà đây là một dự án được Vingroup "rất tâm đắc". Tại thời điểm đó, dự án này là bài toán chưa ai trên thế giới giải được, khi 4,7 tỷ người trên thế giới chưa có bác sỹ khám chữa bệnh và khoảng 10% người bệnh chết vì chẩn đoán sai.

Theo ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc VinBrain, "cha đẻ" của DrAid, sở dĩ VinBrain chọn một bài toán khó như Y tế bởi vì đây là một lĩnh vực cốt lõi cho cuộc sống, cho con người.

Vì vậy, phát triển AI trong y tế chính là giúp được nhiều người nhất. Không chỉ giúp người dân ở mọi vùng miền, mọi điều kiện kinh tế tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng tốt, nhanh, giảm quá tải cho bác sĩ và hệ thống y tế tuyến trung ương, AI còn giúp tăng độ chính xác và năng suất khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí y tế, chi phí đi lại và giảm thải ra môi trường. 

AI trong y tế được triển khai trên hệ thống đám mây và điện thoại thông minh tạo điều kiện cho người dân ở mọi tầng lớp bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Thêm vào đó, càng nhiều người dùng thì AI càng thông minh và chi phí càng rẻ. "Bởi vậy, AI cho y tế chính là giải pháp sáng tạo, nhân văn và đột phá, và là khát vọng của mọi cán bộ nhân viên VinBrain chúng tôi", ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện VinBrain đã phối hợp với một số Sở Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, … và bắt tay với 84 bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai DrAid vào hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, trong đó có các bệnh viện hàng đầu như các  bệnh viện TW Huế, Đại học (ĐH) Y - Dược Hồ Chí Minh, TW Quân đội 108, TW Thái Nguyên, ĐH Y-Dược Huế…. 

Song song với đó,  DrAid đã có nguồn dữ liệu lớn về COVID-19, gồm 21.421 hình ảnh X-quang ngực của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và 118.018 ảnh X-quang ngực tiêu chuẩn. Đại diện đơn vị này cho biết sản phẩm có khả năng phát hiện, sàng lọc trên 21 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim phổi - xương trong vòng 5 giây với độ chính xác trên 90,2%.

"DrAid đang được cung cấp miễn phí cho các bệnh viện tại Việt Nam và định hướng thương mại hóa ra quốc tế. Quyết định này thể hiện tâm nguyện đóng góp cho đất nước của Tập đoàn Vingroup mà VinBrain là một thành viên", ông Hùng khẳng định.

Sau giải nhì ở hạng mục Giải pháp số xuất sắc ở giải thưởng "Make in Viet Nam" , AI trợ lý bác sĩ DrAid của Công ty VinBrain đã liên tục được ghi nhận ở các giải thưởng quốc tế. Cụ thể, cuối tháng 8/2021, sản phẩm AI "Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh" (DrAid for Radiology) của Công ty VinBrain, Tập đoàn Vingroup đã được trao Giải thưởng Công nghệ Trí tuệ nhân tạo ACM SIGAI 2021 cho sản phẩm ứng dụng AI xuất sắc nhất tại Ngày hội Công nghệ AI trong khuôn khổ Hội nghị chung Quốc tế về AI (IJICAI 2021). Năm 2019, giải được trao cho Tập đoàn Microsoft.

Hội nghị Quốc tế về AI (IJICAI 2021) là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất thế giới về AI có lịch sử đã 52 năm (từ 1969), kết nối các doanh nhân và nhà khoa học toàn cầu để cùng thảo luận về những ứng dụng thực tiễn và tác động xã hội của AI. Lễ trao giải đã mở màn Ngày hội với sự tham dự và phát biểu của các đại diện tới từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Sony, Fujitsu, Baidu, Sea, JD.

Chưa dừng lại ở đó, cái tên DrAid một lần nữa được thế giới chú ý tại Hội nghị AI ảo toàn cầu (GTC) 2021 do Nvidia tổ chức từ ngày 8 - 11/11. Đây là nơi góp mặt của hơn hai trăm nghìn nhà nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu như Anima Anandkumar, Giám đốc nghiên cứu tại NVIDIA; Alan Aspuru-Guzik, Giáo sư hóa học và khoa học máy tính của ĐH Toronto (Canada); Samy Bengio, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu AI và học máy (ML) đến từ Apple… Các nhà lãnh đạo từ hàng trăm tổ chức khác cũng đã góp mặt tại sự kiện, bao gồm Amazon, AstraZeneca, Baidu, BMW, Facebook, Ford, Google, Microsoft… Giữa những cái tên lớn ấy, VinBrain được xướng tên là một trong các công ty thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật xử lý ngôn ngữ cho DrAid.

Trước đó, sản phẩm cũng đã nhận được một số sự công nhận và giải thưởng khác như mô hình AI cho sàng lọc bệnh lao tốt nhất theo ghi nhận của FIT (tổ chức phi lợi nhuận của Đức hoạt động trong lĩnh vực phòng và chống bệnh lao khi đánh giá trên 20 công ty và tổ chức trên toàn thế giới), vào chung kết giải thưởng toàn cầu "Thử thách ứng phó với đại dịch COVID-19" do Xprize và Cognizant đồng tổ chức vào tháng 1/2021, giải nhì Giải pháp AI cho Y tế xuất sắc nhất của giải thưởng Quốc tế SII CODiE Awards – được ví như giải Oscar trong ngành công nghiệp máy tính thế giới.

Nền tảng DrAid và câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” - Ảnh 1.

Ông Trương Quốc Hùng: DrAid đang được cung cấp miễn phí cho các bệnh viện tại Việt Nam và định hướng thương mại hóa ra quốc tế.

Dùng AI để tiên lượng, điều trị bệnh nhân COVID-19

Theo ông Hùng, AI hoàn toàn có thể trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ chính quyền và hệ thống y tế chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trong thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp và tổ chức đang chung tay phát triển các ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán và sàng lọc COVID-19 trong thời gian nhanh nhất. Bởi vì, ứng dụng AI và big data trong y tế bắt chước nhận thức của con người trong phân tích, thể hiện, và hiểu các dữ liệu y khoa phức tạp.

VinBrain cũng đang có những nỗ lực cống hiến trong cuộc chiến chống lại đại dịch ở Việt Nam. Trong suốt một năm qua, VinBrain đã hoàn thành hai đề tài nghiên cứu và phát triển thành công mô hình AI chẩn đoán và tiên lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 thông qua ảnh X-quang ngực thẳng, được Hội đồng Khoa học Bộ Y tế nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Sản phẩm cũng đã được kiểm nghiệm thực tế ở 26 khu cách ly tại Bắc Giang và một số trung tâm cách ly lớn tại TPHCM. 

Cụ thể, từ hình ảnh chụp được truyền lên điện toán đám mây, DrAid đưa ra kết quả chẩn đoán ban đầu giúp phát hiện sớm các ca nghi ngờ nhiễm COVID-19. So với xét nghiệm PCR (thường chỉ làm khi có triệu chứng và có yếu tố cao về lây nhiễm), phương pháp này được xem là kinh tế hơn, phát hiện sớm, dễ triển khai và nhân rộng.

"Phần mềm cũng đang được sử dụng để hỗ trợ các bác sĩ tiên lượng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một số bệnh viện dã chiến tại TP. HCM và Hà Tĩnh. Giá trị hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng điều trị của sản phẩm DrAid cho COVID-19 cũng đã được chứng minh và sử dụng thực tiễn", ông Hùng nói.

Nền tảng DrAid và câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” - Ảnh 2.

Bác ỹ sử dụng DrAid trong tiên lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Kỳ Anh - Hà Tĩnh

Mô hình AI của VinBrain chủ động cảnh báo COVID-19 trong mọi tình huống chăm sóc sức khỏe của người dân, cho kết quả tức thì, dễ dàng triển khai, dễ dàng nhân rộng. Lấy ví dụ người dân đi kiểm tra sức khỏe định kỳ được chỉ định chụp X-quang, ngay khi ảnh được đẩy lên hệ thống, AI sẽ lập tức cảnh báo nếu phát hiện các dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19, qua đó giúp bệnh viện hoặc cơ sở y tế có phương án cách ly kịp thời, hạn chế lây nhiễm. 

Khi được triển khai tại các khu cách ly tập trung F1, AI giúp phân luồng bệnh nhân: các F1 nghi nghiễm được khoanh vùng ngay và làm xét nghiệm PCR mẫu đơn, các trường hợp không nghi nhiễm thì làm PCR mẫu gộp và cách ly bình thường.

Việc này vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly F1. Mô hình được phát triển dựa trên ảnh X-quang - là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến trong nhiều thập kỷ qua, có giá cả hợp lý và được thực hiện rộng rãi ở y tế các cấp nên việc triển khai và nhân rộng mô hình rất dễ dàng.

"Với giải pháp chẩn đoán và tiên lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 này, chúng tôi kỳ vọng cung cấp cho hệ thống y tế thêm một công cụ hữu hiệu để chủ động ứng phó với đại dịch, giúp bệnh nhân COVID-19 được phát hiện sớm và điều trị, cứu chữa kịp thời", ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để có thể mở rộng hơn nữa việc ứng dụng DrAid cho chẩn đoán hình ảnh trong hệ thống y tế, VinBrain cũng một số rào cản nhất định ở hệ thống quản lý, các chính sách và cơ chế chưa được cập nhật cho phù hợp với môi trường công nghệ dựa trên nền tảng Internet, cơ sở hạ tầng CNTT tại một số bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu triển khai, nguồn lực tài chính cũng như mức độ sẵn sàng của cả lãnh đạo và các nhân sự làm việc trong ngành y còn hạn chế, hay sự thiếu hụt các tiêu chuẩn chất lượng.

Nền tảng DrAid và câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” - Ảnh 3.

VinBrain đang thực hiện các bước để thâm nhập thị trường khó tính bậc nhất Mỹ, từ đó có thể tiếp cận các thị trường châu Âu, châu Á thuận lợi.

Tiềm năng thương mại hoá và xuất khẩu của sản phẩm AI "Make in Viet Nam"

Ông Hùng tin tưởng vào tiềm năng thương mại hoá và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm AI. Mặc dù Việt Nam vẫn còn là một cái tên rất mới so với các cường quốc AI như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Ấn Độ, Israel, nhưng như đã nói ở trên, các công ty công nghệ Việt có nhiều điều kiện thuận lợi để đi nhanh và bắt kịp các nước tiên tiến trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm AI.

Ngoài ra, do trong y tế nói chung và chẩn đoán hình ảnh nói riêng, sự đồng thuận giữa các bác sĩ chỉ chiếm 60 - 70% quyết định chẩn đoán, và có tới một vài phương pháp đọc ảnh theo chuẩn Hoa Kỳ hoặc chuẩn châu Âu. Do đó, VinBrain đã kết hợp với trường ĐH hàng đầu thế giới Stanford và các bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam để chuẩn hóa mô tả và quy trình gán nhãn.

VinBrain đang thực hiện các bước để cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua sản phẩm DrAid, mở đường thâm nhập thị trường khó tính bậc nhất này, để từ đó có thể tiếp cận các thị trường châu Âu, châu Á thuận lợi.

Về lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong lĩnh vực AI, ông Hùng cho rằng, hãy luôn đặt "nỗi đau" của người dùng làm trọng tâm trong việc phát triển sản phẩm. Ngoài ra, chọn một bài toán chưa có định vị người chiến thắng, đúng theo xu hướng phát triển của thế giới và hướng đến tạo ra một sản phẩm thật khác biệt không dễ tìm thấy được từ các đơn vị khác. 

"Sản phẩm AI sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa khi được sử dụng rộng rãi và mang tính toàn  cầu (global) khi giải quyết được những bài toán cần thiết của người dùng và bài toán của toàn xã hội", ông Hùng kết luận./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng DrAid và câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO