Nền tảng quản lý nhà xe Anvui - Sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm

Thế Phương| 09/04/2021 14:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tin tưởng rằng, nền tảng quản lý nhà xe An Vui là một sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm. Sự đồng cảm này đến từ câu chuyện của công nhân làm việc xa nhà nhiều năm không được về quê ăn Tết hay sinh viên không được đoàn tụ với gia đình vì không thể mua được vé tàu xe.

Thông tin trên được Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đưa ra trong số đầu tiên của "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam" diễn ra ngày 9/4 với sự ra mắt của nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui của Công ty cổ phần công nghệ An Vui.

Nền tảng quản lý nhà xe Anvui là sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Trong khuôn khổ diễn đàn, các sản phẩm nền tảng sẽ phải được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh là giải các bài toán thách thức của xã hội.

Các sản phẩm nền tảng sẽ phải được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, nếu năm 2020 là năm đưa chuyển đổi số ra ánh sáng, biến chuyển đổi số thành một khái niệm phổ biến của toàn dân, thì năm 2021 sẽ là năm để chuyển đổi số chủ động đi tìm những nỗi đau, những vấn đề của xã hội để giải.

"Đó cũng sẽ chính là tinh thần, kim chỉ nam của chuyển đổi năm trong năm 2021 và được cụ thể hóa rõ nhất bằng chủ đề của "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam", Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Chính vì thế, trong khuôn khổ diễn đàn, các sản phẩm nền tảng sẽ không còn chỉ là để "ra mắt", để xã hội "biết mặt, biết tên", mà sẽ phải được phôi thai và sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh là giải các bài toán thách thức của xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, thực tiễn triển khai chuyển đổi số trong năm 2020 cho thấy "tìm ra đúng vấn đề của xã hội" thường sẽ khó khăn, thách thức hơn là giải vấn đề đó bằng công nghệ. Trong kỷ nguyên của CMCN 4.0, mọi vấn đề đều có lời giải bằng công nghệ số. Bởi vì, tìm được vấn đề đúng sẽ dẫn đến những lời giải đúng. Xác định được vấn đề đúng đồng nghĩa với việc đã giải được đến 70-80% vấn đề đó. Vì thế, đây là việc quan trọng hơn và cần được ưu tiên hơn.

Với tinh thần đó, trong năm 2021, không chỉ "Diễn đàn thách thức công nghệ số "mà nhiều sự kiện khác của Bộ TT&TT về chuyển đổi số sẽ lấy phương châm đi tìm và giải quyết thách thức làm mục tiêu hàng đầu.

Trong năm 2021, chuỗi sự kiện "Ngày thứ Sáu công nghệ" tiếp tục kiên định với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa nhiều nền tảng số hữu ích đến với các doanh nghiệp và đông đảo người dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Loạt sự kiện ra mắt các nền tảng chuyển đổi số được Bộ TT&TT chính thức khởi động lại từ tháng 4/2021 sẽ có tên gọi mới "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam".

Đặc biệt, sự kiện có format mới, theo đó bên cạnh phần giới thiệu của đơn vị phát triển nền tảng số, sẽ có thêm phiên tương tác trực tiếp giữa đội ngũ phát triển nền tảng và báo chí, người sử dụng theo hình thức một cuộc tranh biện. Các bên tham gia sự kiện sẽ được đặt câu hỏi, thể hiện thẳng thắn các góc nhìn đa chiều về nền tảng và cuối phiên mọi người sẽ được bình chọn công khai cho sản phẩm, giải pháp công nghệ Make in Vietnam được chọn giới thiệu.

Tìm ra nỗi đau đúng của xã hội thường là việc không dễ dàng. Thế nhưng đối với Chính phủ, doanh nghiệp, đôi khi cách dễ nhất để tìm ra nỗi đau chỉ nằm đúng ở 2 chữ "đồng cảm". Đồng cảm là nhìn thấy nỗi đau của chính bản thân, của gia đình mình từ nỗi đau của người khác, đồng cảm là thấy nỗi đau của cả xã hội từ nỗi đau của một số cá nhân yếu thế, đồng cảm để đi giải những nỗi đau của người khác, của xã hội như giải chính nỗi đau của mình.

"Tôi tin rằng nền tảng quản lý nhà xe của An Vui mà chúng ta được nghe hôm nay là một ví dụ cho một sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm. Có thể là sự đồng cảm với những câu chuyện của nhiều công nhân làm việc xa nhà nhiều năm liền không được về quê ăn Tết, nhiều em sinh viên không được đoàn tụ với gia đình dịp cuối năm vì không thể mua được vé tàu xe, hay có thể lớn hơn là sự đồng cảm với tình cảnh khó khăn của nhiều hãng vận tải trong nước vì không thể cạnh tranh được với các nền tảng taxi công nghệ…", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Phan Bá Mạnh, CEO Anvui, sản phẩm này được xây dựng từ năm 2015 nhưng phải đến năm 2017 mới có được khách hàng đầu tiên. Tính đến nay, ứng dụng Anvui có khoảng hơn 20 tính năng (module), phục vụ hơn 150 hãng vận tải với khoảng hơn 4.000 xe khách, tại khắp mọi miền đất nước. Trước khi Anvui tham gia, thị trường vận tải đang có khoảng hơn 21.000 doanh nghiệp. Trong đó 2.000 đơn vị có quy mô lớn đang chiếm 90% thị phần, còn lại hầu hết kinh doanh dưới dạng các hộ gia đình mà mọi người hay gọi là "nhà xe" nhưng lại chỉ chiếm 10% thị phần. "Nếu như các quốc gia khác, chỉ có những tập đoàn quy mô lớn mới tham gia vào thị trường vận tải thì tại Việt Nam, thị trường lại cực kì manh mún, hầu hết thiếu chuyên nghiệp, chộp giật…", ông Mạnh chia sẻ thêm.

Ra đời vì không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay DN nước ngoài

Nền tảng quản lý nhà xe Anvui là sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm - Ảnh 3.

Theo ông Phan Bá Mạnh,CEO Anvui, hiện ứng dụng đã có khoảng hơn 20 tính năng (module), phục vụ hơn 150 hãng vận tải với khoảng hơn 4.000 xe khách, tại khắp mọi miền đất nước.

Chưa kể đến, pháp lý của ngành vận tải lại đang được quản lý bởi Luật giao thông đường bộ năm 2008, đã quá cũ so với sự phát triển của ngành hiện nay, nhiều người đã ví nó như "một tấm áo chật của một cơ thể đã quá phát triển". "Tôi hi vọng các quy định pháp lý trong thời gian tới sẽ giúp cởi trói hàng loạt vấn đề mà thị trường đang gặp phải", ông Mạnh bày tỏ.

Một khó khăn nữa của ngành vận tải đó là các doanh nghiệp thường lười suy nghĩ, lười thay đổi. Như câu chuyện của các hãng taxi với Grab, Uber. Khi đó các hãng taxi vẫn suy nghĩ, tài xế, phương tiện, hành khách đều là của họ, Uber, Grab không có gì trong tay thì làm sao mà cạnh tranh được. Cuối cùng, kết quả đã cho thấy, các hãng taxi phải trả giá bằng việc mất hết thị phần, chỉ vì sự chậm trễ trong chuyển đổi số. "Vào năm 2015, tôi cảm thấy lo ngại nếu các hãng nước ngoài tham gia vào thị trường xe khách đường dài thì ai sẽ giúp các hãng xe nội chuyển đổi số, để có thể giữ lại thị phần và miếng bánh 5,8 tỷ USD/năm. Vì thế, Anvui ra đời để giúp các nhà xe số hóa toàn bộ quy trình hoạt động của mình, thông qua hệ thống các công nghệ như quản lý bán vé, quản lý tổng đài, quản lý hàng hoá, quản lý vé…. ", ông Mạnh khẳng định.

Nền tảng quản lý nhà xe Anvui là sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm - Ảnh 4.

Từ đó, giải pháp của Anvui sẽ giúp các nhà xe tiết kiệm 30% chi phí nhân lực, 60% chi phí giao tiếp và tăng 30% doanh thu bán vé.

Cũng theo ông Mạnh, sau hơn 5 năm phát triển, thách thức lớn nhất của Anvui đó là chọn một lĩnh vực có quá nhiều rào cản để khởi nghiệp như về tư duy, pháp lý… Chưa kể đến, các hãng xe đã quen với cách vận hành truyền thống.

Thuyết phục khách hàng bằng cách miễn phí và giúp họ tăng 300% doanh thu sau 6 tháng

Kể về quá trình thuyết phục khách hàng đầu tiên của Anvui là hãng Interbus Lines, ông Mạnh cho biết đã đến gặp ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Interbus Lines và thuyết phục bằng cách miễn phí ứng dụng sản phẩm vào việc vận hành hãng xe với cam kết "nếu Anvui giúp mang về được 10 đồng tăng thêm thì được chia 1 đồng". Thậm chí, Anvui còn phải cử nhân viên sang Interbus Lines để hỗ trợ việc nhập vé cho hãng xe. "Kết quả cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, nhờ ứng dụng Anvui, Interbus Lines tăng trưởng 300% về lợi nhuận. Khi đó, anh Tùng đã gọi điện cho tôi và thắc mắc Anvui không lấy tiền thì lấy gì mà sống, phải thu phí Interbus Lines đi", ông Mạnh nói.

Nền tảng quản lý nhà xe Anvui là sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm - Ảnh 5.

Theo CEO Anvui Phan Bá Mạnh, đối với một công ty startup, hạnh phúc nhất là khi khách hàng sẵn sàng trả tiền.

Vì thế, theo ông Mạnh, đối với một công ty startup, hạnh phúc nhất là khi khách hàng sẵn sàng trả tiền. "Đến giờ tôi vẫn coi Interbus Lines là một ân nhân vì là một khách hàng dũng cảm dám cho Anvui vào vận hành hệ thống. Để rồi, hãng xe này hiện đã tự động hóa hoàn toàn mọi khâu quản trị, vận hành, thanh toán…", ông Mạnh cho biết.

Khi được hỏi Interbus Lines hợp tác với Anvui như thế nào, có tiếp tục theo cách "10 đồng tăng thêm thì nhận 1 đồng" hay không? Ông Mạnh cho rằng, nếu tính theo cách ăn chia ban đầu, thì có thể số tiền Interbus Lines có thể phải trả cho Anvui hơn 100 triệu mỗi tháng. Vì thế, hiện tại, với Interbus Lines với Anvui chỉ tính theo số lượng tính năng sử dụng của phần mềm.

Giải pháp quản lý nhà xe thông minh Anvui là nền tảng công nghệ với mục đích số hóa ngành vận tải hành khách đường dài, giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách chuyển đổi số, quản trị khoa học, tối ưu hóa giúp giảm bớt lãng phí xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trước cuộc cách mạng công nghệ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng quản lý nhà xe Anvui - Sản phẩm được tạo ra từ sự đồng cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO