Chuyển đổi số

Nền tảng số, ứng dụng số giúp giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội

Nhật Minh 17:25 02/02/2023

Để tạo ra hiệu quả tốt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) tại các bộ, ngành, địa phương (đơn vị), mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có những đề xuất, kiến nghị về việc thực hiện niệm vụ này.

Các cuộc tấn công mạng giảm 10,8%

Theo Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 1/2023, việc các đơn vị thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (Nghị quyết số 17/NQ-CP) đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.

Nổi bật trong kết quả chung đáng ghi nhận (tính đến ngày 29/01/2023), ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã hoàn thành việc xác thực đúng thông tin công dân của hơn 73 triệu nhân khẩu, đồng thời, triển khai việc thí điểm việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp (toàn quốc đã có 12.094 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp).

csdlqgdc-ok.jpg
Tính đến ngày 29/01/2023, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xác thực đúng thông tin công dân của hơn 73 triệu nhân khẩu.

Cùng với đó, đơn vị đã tích cực kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục CĐS quốc gia (Bộ TT&TT), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)… “BHXH Việt Nam phối hợp tích cực với Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo quy định hiện hành”.

Cũng theo Bộ TT&TT tính đến ngày 30/01/2023), các đơn vị đã đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu, trong đó: cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về đất đai (có 19 tỉnh/thành phố kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của địa phương lên Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia); CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc (có 32.663.258 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.281.011 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4.460.595 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 7.443.975 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.902.760 dữ liệu đăng ký khai tử và 8.787.570 dữ liệu khác…).

Cùng với đó, các đơn vị đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng

“Tính từ ngày 20/12/2022 đến ngày 18/01/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 338.000 tài khoản đăng ký; trên 7,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 736.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 644.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 279 tỷ đồng”, theo thống kê của Bộ TT&TT.

Song hành với những kết quả tích cực đạt được, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT luôn được quan tâm, đẩy mạnh.

Cụ thể, trong tháng 01/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.234 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (giảm 10,8% so với cùng kỳ tháng 01/2022).

Để có được những kết quả này, Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh đến vai trò chỉ đạo, sự quan tâm tích cực từ Chính phủ và điều này được thể hiện rõ nhất thông qua Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Các đơn vị cần tích cực đẩy mạnh triển khai các nền tảng số, ứng dụng số

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay như: Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành (Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân); công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi còn chưa được bảo đảm; việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời, nhằm thúc đẩy hiệu quả việc thực hiện nhiệm tốt vụ CĐS và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ TT&TT nêu ra đề xuất, khuyến nghị:

Đối với các địa phương, đơn vị cần tích cực triển khai các nội dung để cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đặc biệt là cung cấp DVCTT toàn trình. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, các địa phương, đơn vị cần: Triển khai phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS theo kế hoạch để thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đẩy mạnh triển khai các nền tảng số, ứng dụng số để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội…

Đề xuất đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS của bộ, ngành, địa phương năm 2023; tập trung triển khai khai xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành đã được phê duyệt; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đáp ứng nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

“Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo danh mục đã được phê duyệt”, Bộ TT&TT đề xuất./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng số, ứng dụng số giúp giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO