Nếu DN lớn không tham gia, hệ sinh thái ĐMST sẽ trở nên “nửa vời”

Thế Phương| 12/08/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện BambuUP, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST), doanh nghiệp (DN) lớn đóng vai trò như "đầu ra" của các giải pháp, Tuy nhiên, nhiều DN lớn của Việt Nam vẫn chưa "mặn mà" hợp tác với các startup Việt. Điều này sẽ khiến hệ sinh thái ĐMST trở nên "nửa vời" và không thể phát triển toàn diện.

Hệ sinh thái ĐMST giúp startup lên một tầm phát triển mới

Theo CEO BambuUP Nguyễn Hương Quỳnh, ĐMST mang phạm vi lớn hơn so với khởi nghiệp rất nhiều. Nếu như khởi nghiệp dùng để nhắc đến các công ty nhỏ, bắt đầu có các ý tưởng mới muốn thực hiện thì hệ sinh thái ĐMST mở là nói về việc huy động tất cả các thành phần kinh tế của một đất nước cùng tham gia, cùng tạo ra tác động. Do đó, so với khởi nghiệp thì ĐMST có sự ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trước khi có được hệ sinh thái ĐMST mở thì cần phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh. Vì vậy, việc phát hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, tạo tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng ở Việt Nam để có thể phát triển mô hình kinh doanh của mình trong thời gian trước đó là bước đầu tiên của quá trình xây dựng hệ sinh thái ĐMST. "Đây cũng là cấu phần cơ bản, quan trọng vì khởi nghiệp là nguồn cung lớn nhất của hệ sinh thái ĐMST", bà Quỳnh nói.

Trong suốt thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã định hình và ở trong "thời kỳ vàng". Để đưa khởi nghiệp lên một tầm mới và sang giai đoạn tiếp theo, cần phải xây dựng hệ sinh thái ĐMST mở. Để dẫn chứng, bà Quỳnh đã chia sẻ câu chuyện trao đổi với một CEO của tập đoàn đa quốc gia cho rằng, nếu các DN đã khởi nghiệp ở Việt Nam trong một quãng thời gian nào đó đủ dài mà vẫn tiếp tục gọi mình là một startup, thì đồng nghĩa với việc cho phép công ty mình luôn nhỏ bé và chưa hoàn thiện. Thay vào đó, các DN cần phải định hình lại, tham gia vào hệ sinh thái ĐMST để giải quyết những bài toán lớn hơn, tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn. Chì có như vậy thì những đơn vị này mới phát triển mạnh mẽ hơn được.

Cũng theo bà Quỳnh, trong hệ sinh thái ĐMST có 4 thành tố bao gồm: startup/công nghệ (tech), chính phủ, chuyên gia và DN. Trong đó, chính phủ đang rất hỗ trợ và liên tục ban hành những chính sách cụ thể để định hướng, thúc đẩy hệ sinh thái. Còn các startup, họ cũng đang rất quyết tâm. Các chuyên gia cũng có rất nhiều người giỏi và luôn sẵn sàng. BambuUP cũng đang kết nối với hiệp hội của những chuyên gia người Việt trên thế giới, rất nhiều người sẵn sàng đóng góp sức mình cho nền kinh tế nước nhà.

Yếu tố khó nhất, theo bà Quỳnh, là tạo ra nhận thức và hành động của DN khi tham gia vào hệ sinh thái ĐMST mở. Khi mà các DN còn không biết đặt đầu bài cho bài toán gặp phải cũng như hiểu biết đầy đủ về khái niệm, cách thức triển khai ĐMST trong đơn vị mình. "Thậm chí, khi tổ chức Testfest còn lấy những thách thức của DN để cho startup giải. Tuy nhiên, DN không sẵn sàng mở lòng hay công bố những bài toán mình gặp phải vì sợ bị đánh giá hay lộ bí mật kinh doanh", bà Quỳnh bày tỏ.

DN lớn đóng vai trò như "sếu đầu đàn", đầu ra của hệ sinh thái ĐMST

Bà Quỳnh cho rằng, sự tham gia của các DN lớn không chỉ quan trọng với hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam mà đây cũng là một thành phần không thể thiếu của hệ sinh thái tại các quốc gia khác. Ví dụ, như Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Singapore được xây dựng dựa trên 5 trụ cột lớn: startup công nghệ; quỹ đầu tư; DN lớn; viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan thẩm quyền. Hệ sinh thái này không chỉ đơn thuần là một bức tranh gồm 5 mảnh ghép mà còn là một vòng tuần hoàn được kết nối giữa các trụ cột hướng đến mục tiêu chung là hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp phát triển một cách toàn diện nhất.

Nếu không có sự tham gia của DN lớn, hệ sinh thái ĐMST sẽ trở nên “nửa vời” - Ảnh 1.

Tại Hàn Quốc, Samsung giống những những con "sếu đầu đàn" trong hệ sinh thái ĐMST, giúp khuấy động để các DN khác cảm thấy hứng thú trước những câu chuyện thành công của họ.

Tương tự, tại các quốc gia khác, các tập đoàn lớn như Samsung, Wacom… giống những những con "sếu đầu đàn", giúp khuấy động để các DN khác cảm thấy hứng thú trước những câu chuyện thành công của họ. "Có thể nói, nếu không có sự tham gia của các DN lớn thì hệ sinh thái ĐMST sẽ trở nên nửa vời", bà Quỳnh nhấn mạnh.

Bởi vì, nhu cầu chính trong hệ sinh thái ĐMST đến từ các DN, nhất là các công ty lớn, có tiềm lực tài chính, có nguồn đầu tư và đưa ra các thách thức nhất định để startup thử thách bản thân. ĐMST giúp tìm kiếm tạo ra các giải pháp mới. Do đó, nếu các nhà đầu tư/quỹ đầu tư góp vốn cho startup nhưng sản phẩm ĐMST không có đầu ra, không có khách hàng thì cũng sẽ không thể phát triển được. Hay nếu không được đưa ra bài toán đủ lớn của các DN, thì startup cũng không có cơ hội để phát triển, hoàn thiện hơn nữa các giải pháp của mình. Qua đó tạo sự ảnh hưởng cao hơn, phát triển bền vững hơn. "BambuUP cho rằng, cả nguồn cung (startup) và cầu (DN lớn) phải có sự song hành, đi đôi với nhau", bà Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, để có thể khiến cho nguồn cung và cầu gặp nhau, vai trò của chính phủ rất quan trọng. Như tại Singapore, chính phủ đưa ra chương trình "cộng đồng về doanh nhân" để hỗ trợ các DN khởi nghiệp và kêu gọi sự tham gia của các DN lớn. Thậm chí, chính phủ còn có các chương trình hỗ trợ các DN lớn, nếu họ có sự giúp đỡ các công ty khởi nghiệp.

Từ đó, bà Quỳnh cho rằng, ngoài những chính sách, hoạt động mang tính chất phong trào, việc thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST mở cần những hành động rất cụ thể như khuyến khích, hỗ trợ từ các tập đoàn lớn cho startup. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, không phải các tập đoàn lớn không quan tâm đến các công ty startup mà chủ yếu quan tâm đến các công ty nước ngoài, thay vì DN nội. 

"Đó là một thiệt thòi của các startup Việt Nam và cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, để thúc đẩy hơn nữa việc các DN lớn trao cơ hội cho các startup Việt", bà Quỳnh chia sẻ thêm.

Nếu không có sự tham gia của DN lớn, hệ sinh thái ĐMST sẽ trở nên “nửa vời” - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh: Để hệ sinh thái ĐMST phát triển, cả nguồn cung (startup) và cầu (DN lớn) phải có sự song hành, đi đôi với nhau.

Ngoài ra, để giúp kết nối tốt hơn giữa các tập đoàn lớn và startup, trong hệ sinh thái ĐMST nên có thêm một thành phần nữa là các chuyên gia đóng vai trò như một "thông dịch viên". Nguyên nhân là do "ngôn ngữ" của các tập đoàn lớn và startup thường khác nhau, dẫn đến có những kỳ vọng khác nhau nên thường khó khăn trong việc hợp tác. 

Để dẫn chứng, bà Quỳnh đã chia sẻ câu chuyện của một tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam, mặc dù họ rất chịu khó đầu tư và làm việc với startup, nhưng sau 3 tháng hợp tác với một startup công nghệ, kết quả đem lại không thực sự tốt. Vì vậy, tập đoàn đó đã phải thuê một "thông dịch viên" để điều phối làm việc giữa hai bên thì khi đó quá trình hợp tác mới thực sự hiệu quả. 

"Đó là lý do tại sao trong hệ sinh thái ĐMST cần một chuyên gia thực hiện công việc giống như một "thông dịch viên" để có thể tìm được một ngôn ngữ chung, điều phối sự phối hợp hiệu quả nhất cho các tập đoàn lớn và startup. BambuUP cũng sẽ là một công cụ, nơi để mọi người gặp nhau,d dến với nhau dễ dàng hơn", bà Quỳnh nói.

Cho nên trong hệ sinh thái đấy, chúng ta cần chuyên gia, để tìm đến ngôn ngữ chung, điều phối sự hợp giữa hai bên tốt nhất. Trong hệ sinh thái ĐMST cần những cấu phần như thế. BBU sẽ là công cụ, nơi để mọi người gặp nhau, đến với nhau dễ dàng hơn.

Đối với vai trò hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST của cơ quan quản lý, theo bà Quỳnh, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ với chương trình Techfest đã đóng vai trò khuấy động hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, tạo sân chơi cho các startup. Nhờ đó, Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, thời điểm này, hệ sinh thái cần đi sâu hơn và có kết quả cụ thể hơn.

Hiện BambuUP đang làm việc với Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC)… về rất nhiều hoạt động trong thời gian tới. Trong đó đáng chú ý là kế hoạch đem các hoạt động thúc đẩy ĐMST về các tỉnh thành thông qua webinar hay các chương trình đào tạo cho cán bộ, lãnh đạo, DN trong tỉnh.

Thông qua các hoạt động này, cơ quan quản lý có thể nắm được những nhu cầu của các địa phương cũng như giới thiệu được những startup nổi bật của Việt Nam. Sau đó sẽ là các hoạt động khác như chương trình hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy hợp tác giữa các startup và DN địa phương. Để từ đó, thông qua một vài trường hợp hợp tác thành công, để lấy làm bài học kinh nghiệm (case study) khuấy động phong trào ĐMST cho các năm tiếp theo.

"Chúng ta không nên dừng ở các hoạt động phong trào nữa, mà cần phải thúc đẩy ĐMST tại từng địa phương, cũng như hợp tác với các DN của tỉnh để hình thành các giải pháp ĐMST" , bà Quỳnh nhấn mạnh.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động tại địa phương, bà Quỳnh khẳng định, có những tỉnh thực sự muốn ĐMST và đang có những hành động mang tính chất cụ thể. Tiêu biểu như Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho một số tập đoàn lớn để tạo ra những sự thay đổi trong lĩnh vực nông nghiệp hay "bắt tay" với những DN Nhật Bản để kết nối với các công ty của tỉnh. Đây cũng là một trong số những tỉnh mà BambuUP đang phối hợp chặt chẽ để tạo ra những bài học kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho những địa phương khác.

Nếu không có sự tham gia của DN lớn, hệ sinh thái ĐMST sẽ trở nên “nửa vời” - Ảnh 3.

MoMo là một trong số những ứng dụng có sự thay đổi rõ ràng nhất dịch COVID-19, khi từ ví điện tử trở thành một siêu ứng dụng - hệ sinh thái tài chính số.

Ngành tiêu dùng nhanh, fintech, sản xuất thông minh đang thay đổi rất lớn

Cũng theo bà Quỳnh, khi COVID-19 xảy ra, các DN bị ảnh hưởng rất nhiều và đều xác định phải chuyển đổi. Tuy nhiên, trong giai đoạn bình thường mới, một số đơn vị lại không dành sự ưu tiên cho các hoạt động ĐMST. Ngược lại, trong một số lĩnh vực, do hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi nên DN buộc phải thích ứng, thay vì phải lựa chọn "có tiếp tục ĐMST hay vận hành theo phương thức cũ".

Tiêu biểu như ngành hàng tiêu dùng nhanh, kênh phân phối đã có sự thay đổi rất lớn, nếu như trước kia bán hàng trực tuyến chỉ chuyến một thị phần rất nhỏ thì hiện nay đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Hay việc bán hàng qua Facebook, qua Tiktok cũng có số lượng đơn hàng không kém gì so với các sàn thương mại điện tử. Ngay cả như Unilever trước đây cực kì mạnh về kênh phân phối truyền thông thì nay cũng đã chú trọng hơn đến kênh bán hàng trực tuyến.

Ngoài tiêu dùng nhanh, fintech cũng đang thay đổi rất nhiều, như MoMo, họ không còn là một ví điện tử thông thường nữa mà đã trở thành một siêu ứng dụng, một hệ sinh thái tài chính. Tương tự, lĩnh vực sản xuất thông minh cũng đang có những sự thay đổi lớn, khi mà các tập đoàn lớn như Vinamilk, TH True Milk cũng đang tìm kiếm những giải pháp sản xuất thông minh.

Mặc dù vậy, cũng có một số lĩnh vực lại đang có dấu hiệu chậm lại, "thiếu lửa" khi tiến hành chuyển đổi số (CĐS), ĐMST, sau khi cuộc sống trở lại bình thường. "Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao để cho các DN có nhận thức chủ động hơn và tích cực hơn trong hoạt động CĐS, ĐMST", bà Quỳnh nói.

Đánh giá về các quy định hiện nay đối với ĐMST, theo CEO BambuUP, do các công nghệ mới diễn ra nên một số chính sách hiện tại vẫn chưa theo kịp và trong giai đoạn hoàn thiện, nhất là với những xu hướng mới như huy động vốn cộng đồng, blockchain… Đây là một điều đáng tiếc, trong bối cảnh có một số lĩnh vực, Việt Nam đang đi nhanh trên thế giới như blockchain, nhưng lại chưa có các chính sách hỗ trợ, khiến startup phải mở công ty ở nước ngoài. Do đó, chính sách cần hỗ trợ tốt hơn để startup muốn mở công ty ở Việt Nam thay vì ra nước ngoài như hiện nay.

Trên cơ sở đó, bà Quỳnh đề xuất, chính sách đối với startup, ĐMST cần phải được hoàn thiện nhanh hơn, cập nhật hơn các xu hướng mới để có thể khuyến khích các startup muốn mở công ty ở Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ cũng cần phải thiết thực và trực tiếp hơn cho các DN khởi nghệp. Ví dụ, như câu chuyện DN và startup hợp tác với nhau, Việt Nam cần tác động chính sách để các tập đoàn, đơn vị lớn cởi mở hơn, làm việc với startup nhiều hơn./.

Bài liên quan
  • Những đổi mới công nghệ sẽ thay đổi ngành y vào năm 2025
    Ngành chăm sóc sức khỏe đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại vô số cơ hội mới, trong khi các yếu tố nhân khẩu học và xã hội lại đặt ra những thách thức không nhỏ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nếu DN lớn không tham gia, hệ sinh thái ĐMST sẽ trở nên “nửa vời”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO