Nếu tận dụng tốt công nghệ, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến

Thế Phương| 16/11/2021 15:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện STEAM for Vietnam, trên thế giới, việc học trực tuyến cũng mới chủ yếu mang tính chất tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh. Do đó, nếu ứng dụng công nghệ hiệu quả trong việc giảng dạy, đây sẽ là thời điểm bước ngoặt để Việt Nam có thể đi cùng với các nền giáo dục tiên tiến, khi mà đã bị bỏ rất xa trong các hoạt động giáo dục truyền thống.

Việc học online vẫn chủ yếu mang tính chất tạm thời

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến ngày 28/10, 25 tỉnh, thành phố đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Đánh giá về việc học trực tuyến hiện nay, ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập, CEO STEAM for Vietnam cho rằng, việc học trực tuyến trong thời điểm hiện tại không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới vẫn chủ yếu mang tính chất tạm thời khi đại dịch COVID-19 khiến cho việc đi học ở trường lớp không thể thực hiện được.

Cả giáo viên và học sinh hiện đang cố gắng duy trì các hoạt động dạy và học bằng cách tận dụng bất kỳ công nghệ gì có thể, tuy nhiên cách thức giảng dạy, nội dung, tương tác với học sinh vẫn theo hình thức cũ. "Hay nói một cách khác, chúng ta đang cố gắng mang những gì có ở môi trường offline (học trực tiếp) lên môi trường online, để việc học hành không bị đứt quãng, thay vì thay đổi mô hình để tận dụng công nghệ tối đa", ông Hùng nói.

Thậm chí, ngay cả các công cụ được sử dụng hiện tại như Zoom, Google Meet… cũng không được thiết kế riêng cho việc dạy và học trực tuyến, mà thường là những công cụ để liên lạc với nhau qua hình thức gọi video. Vậy nên cũng không kỳ vọng là các công cụ này tạo ra sự thay đổi kỳ diệu trong dạy và học. Tương tự cũng không có nhiều ứng dụng Edtech được đưa ra để giải quyết bài toán giáo dục chính thống. Do đó, theo ông Hùng, cần phải có thời gian để những người làm công nghệ và những người làm giáo dục hợp tác cùng nhau để đưa ra mô hình mới và công nghệ đi kèm. Chỉ khi đó mới có thể có giáo dục trực tuyến theo đúng nghĩa và dần dần thay thế hình thức giáo dục truyền thống, nhất là khi các mô hình mới được thực nghiệm điều chỉnh, chứng tỏ ưu thế.

Để đánh giá tính hiệu quả của việc học trực tuyến theo mô hình hiện tại cần phải có một nghiên cứu chi tiết với những dữ liệu cụ thể thì mới có sự so sánh công bằng được. Nhưng với những trải nghiệm hiện tại, bất kì ai cũng có thể thấy được những bất cập của nó, khi mà nhiều tình huống dở khóc dở cười liên quan đến học trực tuyến đã diễn ra và được truyền thông phản ánh trong thời gian qua.

Chưa kể đến, hiện có một số lượng không nhỏ các em học sinh chưa có điều kiện để có thể tham gia vào các hình thức giáo dục trực tuyến, từ việc thiếu thiết bị cho tới kết nối Internet. Đây là một vấn đề lớn cần nhiều bên cùng chung tay giải quyết từ chính phủ cho tới các tổ chức và cá nhân.

Dù vậy, có một điều may mắn là giá thiết bị phần cứng hiện nay đã giảm rất nhiều. Ví dụ để các em có thể học bài một cách thoải mái thì không cần thiết phải có một máy tính mạnh mà chỉ cần một chiếc Chromebook, nếu mua số lượng lớn có lẽ cũng chỉ trên dưới 100 USD. Ngay cả ở Mỹ hiện nay thì học sinh ở rất nhiều trường vẫn sử dụng Chromebook để học trực tuyến do nhà trường cho mượn. Như tại Mỹ, các học sinh cấp 1, cấp 2 khi học trực tuyến đều được nhà trường trang bị Chromebook để hàng ngày học bài, còn sách giáo khoa theo định kỳ sẽ tới trường để nhận theo lịch hẹn được sắp xếp từ trước để đảm bảo dãn cách xã hội.

"Chúng ta có thể mở một chiến dịch quyên góp để mua Chromebook và cho các học sinh không có điều kiện mượn để học bài. Còn về kết nối Internet thì hiện nay nhà mạng có sóng 4G phủ rất rộng nên nếu được họ chung tay thì chắc chắn là vấn đề sẽ được giải quyết", ông Hùng khẳng định.

Nếu tận dụng tốt công nghệ, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến - Ảnh 1.

CEO STEAM for Vietnam Trần Việt Hùng: Đây chính là thời điểm mang tính bước ngoặt để Việt Nam có thể tận dụng để rút ngắn khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Cần thay đổi hoàn toàn mô hình để việc học trực tuyến thực sự hiệu quả

Cũng theo ông Hùng, để thực sự tận dụng được công nghệ trong việc dạy và học trực tuyến thì phải thay đổi hoàn toàn mô hình, từ quản lý, tới dạy, học, đánh giá chất lượng vì với cách thức học trực tuyến thì nhiều hoạt động theo hình thức cũ sẽ không thực sự phù hợp nữa. Một ví dụ cụ thể nhất là việc đánh giá kết quả học tập theo hình thức cũ, thi cử có người coi sát sao để tránh gian lận. Nhưng khi mọi thứ được thực hiện theo hình thức trực tuyến, để mở hoàn toàn không ai có thể coi và kiểm soát được học sinh làm gì hoặc có ai trợ giúp không trong quá trình làm bài thi.

Chưa kể, để đưa ra được một mô hình giảng dạy và học tập trực tuyến mới tận dụng được sức mạnh của công nghệ thì cần phải có thời gian để có sự thay đổi đồng bộ của tất cả các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để có có một sự thay đổi bước ngoặt, tiến tới việc đi cùng với các nền giáo dục tiên tiến, khi mà trước giờ đã đi trước Việt Nam rất xa trong các hoạt động giáo dục truyền thống. Để làm được việc này tốt thì cần có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa những người làm giáo dục và những người làm công nghệ từ trên xuống dưới.

Để dẫn chứng, ông Hùng cho rằng, một trong những mô hình có thể tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ hiện nay là "Online merge Offline – trực tuyến kết hợp tại chỗ" đang được STEAM for Vietnam ứng dụng để đào tạo các môn về giáo dục STEAM cho hàng chục ngàn học sinh người Việt trong nước và nước ngoài. Cụ thể, chỉ trong 1 năm mô hình này đã đào tạo được 30 nghìn học sinh về STEAM, đặc biệt lập trình, không chỉ ở 63 tỉnh thành mà còn ở 33 quốc gia khác nhau. Một thách thức và cũng là thành công với với đội ngũ vận hành STEAM for Vietnam là từ trước tới nay chưa từng có lớp học trực tuyến nào có 5.000 học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới.

Chưa kể đến, nhờ ứng dụng công nghệ, các em học sinh của STEAM for Vietnam có thể trực tiếp nói chuyện với các chuyên gia của NASA, Google, Microsoft,... điều mà sẽ rất khó thành hiện thực với mô hình trực tiếp truyền thống. Để rồi, điều đó sẽ giúp ước mơ của nhiều bạn trẻ khác hẳn, các em không chỉ mơ ước có bộ đồ chơi mới, mẹ cho ăn gì... mà mơ ước được đặt chân lên mặt trăng. Khi suy nghĩ khác đi, một ngày nào đó, một trong hàng triệu ước mơ đó có thể thành sự thật.

Các bài giảng của STEAM for Vietnam được thiết kế để học sinh có thể vừa chơi vừa học, thông qua việc các bài tập lập trình được chuyển thành các tựa game hấp dẫn. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ mà các thầy cô giáo để có thể hỗ trợ được lẫn nhau, Nếu thầy chính ở Mỹ gặp trục trặc, sẽ có ngay một thầy ở Singapore đứng lớp, đảm bảo tiết học không bị gián đoạn dù mọi người chỉ tham gia dưới hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, khi mô hình của STEAM for Vietnam ra đời 1 năm trước, không ai nghĩ nó sẽ thành công, thậm chí còn cho rằng chưa phù hợp. Nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra, với 30 nghìn học sinh sau 1 năm, thậm chí có học sinh bỏ học tại các trung tâm, chương trình Edtech khác thì lúc đấy nhiều người mới tin rằng đây là mô hình phù hợp. Do đó, ông Hùng cho rằng, đây chính là thời điểm "xoá bài chơi lại", khi mà mọi người đều mới như nhau, nên sẽ tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng, mô hình mà STEAM for Vietnam đang được triển khai cần được nghiên cứu và thử nghiệm thêm ở những môn học khác, để tận dụng công nghệ nhằm mang lại kết quả học tập tốt nhất cho học sinh, thông qua việc tạo cơ hội cho tất cả học sinh ở bất kỳ đâu trên cả nước cùng được học, tương tác với các giáo viên giỏi nhất. Đồng thời được truy nhập vào các tài liệu hiện đại và cập nhật nhất cũng như được học theo cách cá nhân hoá.

Đối với việc học trực tuyến, theo kinh nghiệm ở STEAM for Vietnam thì đối với các lứa tuổi nhỏ việc có phụ huynh cùng đồng hành đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những bạn lần đầu tiên học trực tuyến.

Ông Hùng đã kể lại một câu chuyện ở STEAM for Vietnam, khi lúc đầu chỉ có học sinh học lập trình nhưng có cả bố và mẹ đồng hành cùng, để tới khi lớp học kết thúc thì cả bố và mẹ cũng học được lập trình luôn và cả nhà tự làm ra game chơi với nhau. "Tất nhiên việc này đòi hỏi các phụ huynh học sinh phải hi sinh khá nhiều vì có thể phải dành cả buổi để đồng hành cùng các học sinh trong thời gian đầu. Tuy nhiên sau một vài tuần các em sẽ quen và có thể tự mình tiếp tục được", ông Hùng kết luận.

Trong thời điểm hiện tại do các hoạt đông giảng dạy và học tập trực tuyến chủ yếu là mang tính chất tạm thời để đối phó với COVID-19 nên khó có thể có các thay đổi đột phá. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của STEAM for Vietnam trong việc tổ chức liên tục 4 mùa dạy học trực tuyến về tư duy máy tính và lập trình cho hàng chục ngàn học sinh, theo ông Hùng, có hai yếu tố mà các giáo viên có thể tham khảo.

Thứ nhất là về mặt nội dung giảng dạy, đối với các học sinh lứa tuổi còn nhỏ cấp một và cấp hai thì các em còn rất hiếu động và khả năng tập trung cũng như tự học chưa cao nên rất hay chán nếu nội dung bài giảng không thú vị, chỉ 3 phút nghe giảng các em có thể sẽ chán và bắt đầu chat với nhau hoặc bật YouTube lên xem khiến cho kiến thức thu thập được cho cả buổi học là tối thiểu. Để vượt qua trở ngại này STEAM for Vietnam cố gắng xây dựng nội dung cho cả một khóa học giống như một show truyền hình với cốt truyện và các nhân vật cụ thể với những tình huống gây cấn cụ thể. Các slide trình chiếu trong bài giảng cũng được trau truốt và thiết kế phù hợp để thực sự cả buổi học như xem một tập phim làm cho các học sinh có sự chú ý tối đa.

Thứ hai là tương tác liên tục, cứ mỗi 3-5 phút khi giáo viên giảng giải xong một khái niệm là ngay lập tức có các hoạt động như làm câu hỏi trắc nghiệm để có thể biết ngay được là học sinh có nắm được bài hay không. Bằng việc học tới đâu thực hành tới đó thì cả giáo viên và học sinh đều biết được mình đang thế nào để có các điều chỉnh phù hợp.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nếu tận dụng tốt công nghệ, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO