Ngân hàng và những kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới vì Covid-19

Hà Anh| 07/04/2020 20:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Kế hoạch kinh doanh được các ngân hàng trình lên ĐHĐCĐ thường niên dự kiến sẽ hoàn toàn mới so với những gì được công bố hồi đầu năm, vì những ảnh hưởng khó lường của Covid-19. Thậm chí, các ngân hàng đã xây dựng nhiều kế hoạch khác nhau, dựa trên nhiều kịch bản.

Đầu năm 2020, ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2019, nhiều ngân hàng cũng đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2020, đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng, với lợi nhuận kỷ lục hay kế hoạch tăng vốn, trả cổ tức, chào bán cổ phiếu,…Ở thời điểm đó, ít ai tưởng tượng được, chỉ 2 tháng sau, những kế hoạch kinh doanh này gần như phải "đập đi, xây lại" trước tác động của dịch bệnh. Thậm chí, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn còn đang phải tính toán, cân nhắc định hướng, mục tiêu kinh doanh vì chưa thể ước lượng chính xác được tác động của dịch Covid-19 là bao nhiêu và kéo dài bao lâu. 

Tăng trưởng tín dụng bị ảnh hưởng rõ rệt khi nhu cầu vay vốn của nhiều nhóm doanh nghiệp sụt giảm. Nhu cầu vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe,... cũng được dự báo sẽ giảm mạnh do nguồn thu nhập của nhiều người dân không ổn định, bị sụt giảm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang phải dồn lực đánh giá, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa là hỗ trợ cho khách hàng vừa là tránh bùng phát nợ xấu. 

Đối tượng khách hàng mục tiêu cũng có thể thay đổi hoàn toàn khi chỉ một số ngành đang có lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch, như kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang,… Trong khi đó, những ngành còn lại đều gặp khó khăn. 

Theo giới chuyên gia, bên cạnh việc đối phó với các khó khăn trong đại dịch, các ngân hàng cũng cần tính đến việc phải bứt phá như thế nào sau khi dịch đi qua. 

Hồi đầu năm, ACB dự kiến sẽ trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng, tăng 15%; cổ tức 2019 tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Chưa bàn đến mục tiêu lợi nhuận, nhưng kế hoạch chia cổ tức có thể phải thay đổi khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu các ngân hàng tạm thời không chia cổ tức tiền mặt để tâp trung giảm lãi suất cho vay. 

Cũng hồi đầu năm, Vietcombank tự tin công bố mục tiêu lãi trước thuế năm 2020 đạt hơn 26.600 tỷ, tăng 15%; tín dụng tăng khoảng 14% và nợ xấu dưới 0,8%. Tuy nhiên, với việc giảm sâu lãi suất cho vay, ngân hàng cho biết trước mắt sẽ phải hy sinh hàng trăm tỷ đồng. 

Hồi đầu tháng 3, lãnh đạo Vietcombank cho biết, ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng. Trong khi đó, đến hiện tại, Vietcombank còn dự kiến nâng quy mô dư nợ tín dụng hỗ trợ lên gần 120.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần mức ước tính ban đầu. 

BIDV và Kienlongbank là 2 ngân hàng hiếm hoi đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông thường niên, trước khi có chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vậy, nhìn chung, kế hoạch kinh doanh 2 ngân hàng này trình lên cổ đông vẫn là trong kịch bản lạc quan nhất. 

Tại Kienlongbank, năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỷ đồng, tức tăng gần gấp 9 lần so với năm 2019 và gấp 2,6 lần so với năm 2018. Tổng tài sản dự kiến tăng 12,72% đạt 57.600 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 15,89% đạt 38.800 tỷ, huy động vốn tăng 13,14% đạt 52.500 tỷ.

Dù vậy, Kienlongbank cũng cho biết, kế hoạch lợi nhuận này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất. Căn cứ vào tình hình thực tế nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn kéo dài ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh thì HĐQT sẽ có báo cáo đến ĐHĐCĐ để điều chỉnh phù hợp.

Còn với BIDV, tại cuộc họp ĐHĐCĐ hôm 7/3, ngân hàng đã thông qua mục tiêu lợi nhuận ở mức 12.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, đây là kế hoạch kinh doanh trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nhất chỉ kéo dài đến cuối tháng 3/2020.

Được biết, BIDV ước tính tổng dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại ngân hàng là khoảng 140.000 tỷ đồng. BIDV cũng là một trong những ngân hàng sớm tung các gói tín dụng lớn với lãi suất thấp, giảm tới 2%/năm. 

Trong khi đó, một ngân hàng nhỏ là NamABank đã tính đến khả năng sụt giảm lợi nhuận trong năm nay. Báo cáo thường niên của ngân hàng này hé lộ, ngân hàng dự kiến đặt mục tiêu dư nợ cho vay sẽ tăng 21,4%, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ ở mức 800 tỷ đồng. 

Hiện nhiều ngân hàng đã thông báo hoãn ĐHĐCĐ thường niên, vốn dự kiến diễn ra trong tháng 4 này. Cuộc họp nhiều khả năng sẽ được các ngân hàng tổ chức vào tháng 6. Bởi vậy, ở thời điểm này, gần như chưa có một con số chính thức nào về kế hoạch kinh doanh được các ngân hàng công bố. Và các ngân hàng cũng đang xây dựng dựa trên nhiều kịch bản, rồi theo dõi tình hình để điều chỉnh. Kế hoạch kinh doanh được trình lên các cổ đông trong tháng 6 tới đây, có thể sẽ khác rất nhiều so với những dự tính hồi đầu năm. 

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng đã xác nhận, đây sẽ là một năm vô cùng thách thức. MBBank nhận định, việc dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, các ngành như du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ, nông thuỷ sản xuất khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu,…bị ảnh hưởng mạnh nhất. Và đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng và chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao. 

Vietcombank cũng cho rằng, năm 2020 dự báo là một năm rất thách thức với ngành ngân hàng trong bối cảnh kinh tế bị tác động lớn bởi dịch bệnh và tình hình quốc tế diễn biến khó lường. Trong khi đó, áp lực thay đổi, đổi mới rất to lớn khi cạnh tranh tiếp tục gay gắt trên các lĩnh vực ngân hàng truyền thống cũng như lĩnh vực ngân hàng số và ngày một gia tăng giữa các ngân hàng với các công ty fintech.

Ngân hàng và những kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới vì Covid-19 - Ảnh 1.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng và những kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO