Ngành Công an xung kích CĐS, kiến tạo Việt Nam hùng cường

TH| 10/10/2022 16:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Không chỉ xung kích trên mặt trận phòng, chống tội phạm mà cả trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), lực lượng công an nhân dân đã tiếp tục nêu cao và làm tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân (CAND) "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bộ Công an tiên phong trong công cuộc CĐS quốc gia

Sáng 10/10, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị CĐS ngành Công an lần thứ nhất năm 2022 và công bố ngày CĐS ngành Công an theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu trong cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hưởng ứng ngày CĐS quốc gia và thông điệp của chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an thống nhất lấy ngày CĐS quốc gia ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày CĐS của ngành Công an.

Ngành Công an xung kích CĐS, kiến tạo Việt Nam hùng cường - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị

Đại tướng Tô Lâm khẳng định: "Quán triệt các chủ trương chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong nhiều năm qua lực lượng Công an luôn xác định vai trò gương mẫu đi đầu trong cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm vi phạm pháp luật vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân".

Trong CĐS, Bộ Công an cũng nhanh chóng thành lập ban Ban chỉ đạo các cấp công an từ Bộ đến công an các địa phương; ban hành chương trình CĐS trong công an nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm để thống nhất triển khai thực hiện trong toàn lực lượng CAND.

Năm 2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch CĐS đặt ra 7 nhóm lĩnh vực công tác với 32 nhiệm vụ cụ thể. Kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trên các lĩnh vực: xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển các ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và căn cước công dân (CCCD), các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo an ninh an toàn hệ thống thông tin điện tử ngành Công an và của các bộ, ngành các địa phương. 

Đặc biệt, trong ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư và căn cước công dân, lực lượng Công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích thiết thực về định danh, nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt và trong thời gian tới tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ cho đời sống của người dân, góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.

CĐS để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Tại hội nghị, thông tin về kết quả thực hiện CĐS 9 tháng đầu năm, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết lực lượng công an đã đạt được những kết quả nổi bật.

Đầu tiên, Bộ Công an đã cung cấp 5 tiện ích cho xã hội, gồm: Sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công (DVC); Sử dụng thẻ căn CCCD VNeID thay thế cho thẻ bảo hiểm xã hội; sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM; kết nối với hợp đồng điện tử xác thực phục vụ thu thuế; làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động.

Ngành Công an xung kích CĐS, kiến tạo Việt Nam hùng cường - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin về kết quả thực hiện CĐS 9 tháng đầu năm

Hai là, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử và đang tích cực tham mưu với Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định có liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.

Ba là, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin 26/37 hệ thống công nghệ thông tin các bộ, ngành và 61/63 địa phương và kiến nghị các giải pháp bảo đảm kết nối an toàn với CSDL quốc gia về dân cư.

Bốn là, toàn lực lượng CAND tiếp tục rà soát bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và cấp CCCD gắn chíp điện tử cho công dân đạt 89,6%. Đồng thời, đưa vào hoạt động hệ thống định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin thiết yếu của người dân trong CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID…

Năm là, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 192/227 dịch vụ công (DVC) thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng DVC của Bộ Công an, trong đó có 09 DVC thiết yếu thuộc đề án 06 như đăng ký lưu trú, cấp hộ chiếu phổ thông, đăng ký phương tiện giao thông đến công an cấp xã...

"Lực lượng công an đã thực hiện cam kết đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Theo đó, có thể khẳng định có những kết quả phục vụ CĐS nêu trên tuy mới là những kết quả bước đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, CCCD, VNeID, hệ thống định danh và xác thực điện tử đã và sẽ cung cấp tiện ích cho người dân và DN.

Để tiếp tục khẳng định trách nhiệm của lực lượng Công an trong tiến trình CĐS quốc gia, vai trò là cơ quan thường trực của Chính phủ triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, năm 2023 ngành Công an sẽ cung cấp 6 dịch vụ, tiện ích như sau:

Thứ nhất là tích hợp tài khoản định đanh diện tử trên Cổng DVC quốc gia để công dân tham sử dụng DVC trực tuyến thay tài khoản xác minh qua số điện thoại di động hiện nay.

Thứ hai là cấp tài khoản định danh cho tổ chức và người nước ngoài theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ.

Thứ ba là sử dụng VNeID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, tài khoản sàn giao dịch điện tử, nền tảng mạng xã hội, xác thực bản quyền video, sản phẩm số… Mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, xác thực sinh trắc học cho các giao dịch điện tử có giá trị.

Bốn là nhập thông tin, gửi yêu cầu và nhận kết quả xác thực, hiện thị thông tin đối với các loại giấy tờ của các bộ, ban, ngành; kết nối đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cung cấp dịch vụ xác thực thông tin, chia sẻ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số.

Năm là chấm điểm tín dụng trong hoạt động tài chính, tiêu dùng; thực hiện khảo sát, lấy ý kiến người dân; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Cho phép người dân kiểm tra hồ sơ y tế và hẹn lịch khám với bác sĩ...

Sáu là phối hợp với ngành tòa án nghiên cứu, triển khai giải pháp xét xử trực tuyến./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Công an xung kích CĐS, kiến tạo Việt Nam hùng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO